Nhận lời mời của Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Phu nhân thăm chính thức Vương quốc Thái Lan và dự Tuần lễ Cấp cao diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 29 (APEC 29) từ ngày 16-19/11. Chuyến thăm nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác toàn diện, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch giữa Việt Nam và Thái Lan. Đồng thời, với việc tham dự APEC lần thứ 29, Việt Nam sẽ cùng các nền kinh tế thành viên xây dựng Cộng động Châu Á - Thái Bình Dương rộng mở, năng động, tự cường và hoà bình.
Lễ tiễn Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân tại sân bay Quốc tế Nội Bài. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Chuyến thăm Thái Lan của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là chuyến thăm đầu tiên của Lãnh đạo chủ chốt Việt Nam tới Thái Lan từ sau Đại hội XIII của Đảng cộng sản Việt Nam. Chủ tịch nước cũng là Lãnh đạo cấp cao nước ngoài đầu tiên thăm chính thức Thái Lan trước thềm Hội nghị các Nhà Lãnh đạo các nền kinh tế APEC lần thứ 29.
Chuyến thăm có tính chất lịch sử trong quan hệ giữa hai nước
Chuyến thăm chính thức Vương quốc Thái Lan diễn ra trong bối cảnh hai nước hướng tới kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược (năm 2023). Chuyến thăm khẳng định quyết tâm cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với Thái Lan ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.
Đại sứ Phan Chí Thành trả lời phỏng vấn báo chí trước thềm chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Thái Lan và tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) từ ngày 16-19/11/2022. Ảnh: PV/ VOV-Thái Lan |
Sau 46 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (6/8/1976 – 6/8/2022), quan hệ tổng thể của hai nước hiện phát triển tốt đẹp, trong đó, hợp tác kinh tế là lĩnh vực nổi bật. Năm 2021, kim ngạch thương mại song phương đạt 18,8 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Kim ngạch thương mại 9 tháng năm 2022 đạt 16,1 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của Thái Lan. Hiện, 18 tỉnh, thành phố của Việt Nam có thỏa thuận hợp tác với các địa phương Thái Lan. Hai nước cũng đang thúc đẩy mở rộng ngành nghề tiếp nhận lao động Việt Nam sang Thái Lan. Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành cho biết hợp tác kinh tế tiếp tục là nội dung được lãnh đạo 2 nước thảo luận trong chuyến thăm lần này để hướng tới mục tiêu kim ngạch song phương đạt 25 tỷ USD vào năm 2025. Đại sứ Phan Chí Thành cho biết: "Lãnh đạo hai bên trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu, trong đó có đề cập đến việc kết nối kinh tế trên 3 khía cạnh: một là kết nối về chuỗi cung ứng, hai là kết nối về các cơ sở sản xuất, và ba là kết nối chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam với mô hình kinh tế Sinh học-Tuần hoàn-Xanh BCG của Thái Lan. Chủ tịch nước sẽ chứng kiến lễ ký Kế hoạch hành động triển khai Quan hệ đối tác chiến lược tăng cường Việt Nam-Thái Lan giai đoạn 2022 - 2027, trong đó đề ra rất nhiều biện pháp trên tất cả các lĩnh vực".
Là thành viên có trách nhiệm của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương
Sau khi thăm chính thức Thái Lan, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29. Đây là dịp để Việt Nam chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm và đề xuất hướng đi để hợp tác APEC đóng góp hiệu quả hơn vào giải quyết các thách thức chung của khu vực.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Tanee Sangrat trả lời phỏng vấn. Ảnh: PV/ VOV-Thái Lan |
Đoàn Việt Nam sẽ tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm vào các Hội nghị, đề cao tinh thần đối thoại, đoàn kết và chủ nghĩa đa phương, nỗ lực cùng các thành viên tìm kiếm giải pháp giúp Diễn đàn vượt qua thách thức, bảo vệ các thành tựu và giá trị cốt lõi của hợp tác và tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Trong 24 năm tham gia APEC (1998 - 2022), Việt Nam đã đóng góp tích cực, chủ động, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, liên kết kinh tế khu vực, duy trì vai trò của APEC là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu tại châu Á – Thái Bình Dương. Nổi bật nhất phải kể đến việc Việt Nam là một trong số không nhiều thành viên đã hai lần đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà APEC, vào các năm 2006 và 2017. Việt Nam cũng là một trong những thành viên tích cực nhất trong đề xuất các sáng kiến và dự án, với hơn 100 dự án trên nhiều lĩnh vực. Cùng với đó, Việt Nam có nhiều đóng góp trong công tác điều hành hoạt động của APEC thông qua đảm nhiệm vị trí quan trọng trong APEC và được các thành viên đánh giá cao.
Năm 2022, Thái Lan, chủ nhà APEC 29, đề xuất chủ đề: “Rộng mở. Kết nối. Cân bằng.” (Open. Connect. Balance.). Với vai trò Chủ tịch nhóm ASEAN trong APEC 2022, Việt Nam phối hợp với các thành viên ASEAN thúc đẩy đoàn kết, tiếng nói chung của ASEAN và đề cao vai trò trung tâm của ASEAN trong liên kết kinh tế khu vực. Đồng thời, Việt Nam đóng vai trò tích cực trong triển khai Kế hoạch Aotearoa về Tầm nhìn APEC đến năm 2040 và tiếp tục phát huy các kết quả quan trọng của Năm APEC 2017. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Tanee Sangrat đánh giá: "Xét về tổng thể, Việt Nam đóng vai trò quan trọng, là thành viên quan trọng và là đối tác kinh tế quan trọng trong APEC. Trước đây, Việt Nam cũng từng là chủ nhà tổ chức APEC. Bởi vậy, Thái Lan và Việt Nam, cũng như các nền kinh tế thành viên APEC đang và sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau để thúc đẩy các nền kinh tế phát triển bền vững hơn trong tương lai".
Chuyến thăm chính thức Vương quốc Thái Lan và dự Tuần lễ Cấp cao diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 29 (APEC 29) của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là hoạt động đối ngoại quan trọng của lãnh đạo chủ chốt Việt Nam trong năm 2022. Thông qua những thỏa thuận đạt được cũng như những đóng góp tại các sự kiện này, Việt Nam sẽ truyền tải thông điệp đoàn kết, hòa bình và cùng phát triển tới khu vực và thế giới.