Tăng cường hợp tác Việt Nam-Iran

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm 3 nước Đông Nam Á của Tổng thống Iran Hassan Rouhani, gồm Việt Nam, Malaysia và Thái Lan. 

(VOV5) - Tổng thống nước Cộng hòa Hồi giáo Iran Hassan Rouhani đang có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Chuyến thăm trong các ngày 5 và 6/10 nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai đối tác truyền thống, góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Iran trong bối cảnh mới, đưa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước bước sang trang mới.

Tăng cường hợp tác Việt Nam-Iran - ảnh 1
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Cộng hòa Hồi giáo Iran Hassan Rouhani tại Lễ đón (Ảnh: TTXVN)


Nước Cộng hòa Hồi giáo Iran nằm ở tây nam châu Á. Sau khi Iran đạt thỏa thuận hạt nhân toàn diện hồi tháng 7/2015 và chính thức triển khai thỏa thuận từ ngày 16/1/2016, nền kinh tế Iran từng bước khôi phục sau khi Liên hợp quốc và nhiều nước phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Tehran.

Việt Nam và Iran có mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp

Việt Nam và Iran thiết lập quan hệ ngoại giao ngày từ năm 1973. Năm 1991, Iran mở Đại sứ quán tại Hà Nội và đến năm 1997, Việt Nam mở Đại sứ quán tại thủ đô Teharan. Quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước được củng cố với sự ra đời của Hội Hữu nghị Việt Nam - Iran vào tháng 9/2009. Hai nước ủng hộ lẫn nhau trong khuôn khổ Phong trào Không liên kết và phối hợp với nhau trên các diễn đàn quốc tế.

Thời gian qua, Việt Nam và Iran duy trì các chuyến thăm lẫn nhau của các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước và các cơ chế hợp tác ở các cấp độ. Hai bên đã tiến hành trao đổi nhiều chuyến thăm cấp cao, trong đó gần đây nhất là chuyến thăm Iran của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 3/2016. Tổng thống Iran Mahmoud Amadinejad thăm Việt Nam năm 2012. Hai nước đã tổ chức sáu kỳ họp Tham vấn chính trị và tám kỳ họp Ủy ban Hỗn hợp liên Chính phủ. Mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Iran từng bước được thúc đẩy trên nhiều lĩnh vực thương mại, công nghiệp, nông nghiệp, văn hóa, giáo dục…Hai bên đã ký nhiều văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, thủy sản, văn hóa, giáo dục, ngân hàng, hải quan, hàng không. Những văn kiện này là cơ sở pháp lý để giúp các tổ chức, doanh nghiệp hai nước thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Cơ hội mới thúc đẩy hợp tác Việt Nam-Iran        

Tuy hai nước có tiềm năng hợp tác lớn, nhưng cho đến nay hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư song phương vẫn ở mức khiêm tốn. Kim ngạch thương mại Việt Nam - Iran còn hạn chế, đạt 106,7 triệu USD vào năm 2015, trong đó Việt Nam xuất hơn 77 triệu USD. Kim ngạch 6 tháng đầu năm 2016 đạt 54 triệu USD.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Iran Nguyễn Hồng Thạch, mặc dù hai nước đã ký kết một số hiệp định và thỏa thuận hợp tác, tuy nhiên tiềm năng hợp tác còn rất lớn. "Việt Nam cũng có thể xuất sang Iran rất nhiều mặt hàng, ví dụ như hàng nông sản, hoa quả, giầy dép...Trên thực tế số lượng giày dép Việt Nam xuất sang Iran là rất lớn phía bạn rất ưa chuộng. Ngược lại, Iran có thể xuất nhiều thứ sang Việt Nam như dầu lửa, khí đốt, hóa chất, các sản phẩm hóa dầu..." - Đại sứ nói.

Bên cạnh hợp tác thương mại và đầu tư, du lịch cũng là một lĩnh vực tiềm năng mà hai nước sẽ tập trung thúc đẩy thời gian tới. Cũng theo đại sứ Việt Nam tại Iran Nguyễn Hồng Thạch, có một thực tế là người Iran biết đến Việt Nam nhưng không phải như một điểm đến du lịch, mà là một địa điểm của chiến tranh. Chính vì vậy, Đại sứ quán Việt Nam đã và đang xúc tiến tổ chức nhiều hoạt động như hội thảo, mời các doanh nghiệp du lịch Việt Nam sang giới thiệu du lịch Việt Nam, kết hợp tổ chức triển lãm ảnh và biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Đặc biệt, tháng 1 vừa qua, Đại sứ quán đã mời một đoàn làm phim Iran sang Việt Nam để quay bộ phim đầu tiên bằng tiếng Ba Tư mang tên “Thiên đường không xa” về du lịch Việt Nam. Mục tiêu thúc đẩy du lịch được đặt lên hàng đầu. Điều này không phải không có lý do khi mà khách du lịch của Iran tới Thái Lan là 700.000 người/năm. Trong khi đó, du khách Iran sang Việt Nam chỉ mới dao động trong khoảng 1.000-2.000 người. Điều đó cho thấy tiềm năng về du lịch còn rất lớn. Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch cho biết: "Có thể xem du lịch sẽ là bước đột phá trong quan hệ giữa Việt Nam với Iran. Người Iran đã sang tới Thái Lan, đã rất gần Việt Nam rồi. Chúng ta có rất nhiều danh lam, thắng cảnh, bãi biển đẹp nên tiềm năng rất lớn. Khi đến Việt Nam để đi du lịch thì người ta còn còn tự tìm thấy tiềm năng khác, sẽ là khởi điểm cho các mối quan hệ trên các lĩnh vực khác".

Việt Nam là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm 3 nước Đông Nam Á của Tổng thống Iran Hassan Rouhani, gồm Việt Nam, Malaysia và Thái Lan. Chuyến thăm diễn ra sau chuyến thăm cấp Nhà nước tới Iran của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hồi tháng 3/2016. Đây được cho là hoạt động hiếm thấy trong tiền lệ quan hệ ngoại giao khi nguyên thủ hai nước thăm cấp Nhà nước lẫn nhau trong cùng một năm. Trong bối cảnh đó, chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Hassan Rouhani tiếp tục thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác với Việt Nam. Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên sẽ trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch, nông nghiệp... Hai bên cũng sẽ trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu