Tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Cộng đồng Pháp ngữ

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5)- Chủ tịch nước Trần Đại Quang, hôm nay (25/11), dẫn đầu đoàn Đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao các nước có sử dụng tiếng Pháp lần thứ 16 được tổ chức tại Antananarivo, Madagascar.
(VOV5)- Chủ tịch nước Trần Đại Quang, hôm nay (25/11), dẫn đầu đoàn Đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao các nước có sử dụng tiếng Pháp lần thứ 16 được tổ chức tại Antananarivo, Madagascar, từ ngày 26-27/11/2016. Đoàn Việt Nam tham dự hội nghị sẽ tiếp tục củng cố, tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Cộng đồng Pháp ngữ.

 

Tháng 2/1986, theo sáng kiến của cố Tổng thống Pháp Francois Mitterrand, Hội nghị cấp cao lần thứ nhất các nước có sử dụng tiếng Pháp đã được tổ chức tại Paris ( Pháp)  với sự tham gia của gần 40 vị đứng đầu Nhà nước và Chính phủ các nước có sử dụng tiếng Pháp. Việc này đánh dấu sự ra đời chính thức của Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp. Từ đó đến nay, Cộng đồng đã tổ chức được 15 hội nghị cấp cao.

 

Một Cộng đồng đa dạng

Hiện Cộng đồng Pháp ngữ có tổng cộng 80 thành viên và quan sát viên thuộc 5 châu lục, với khoảng 220 triệu người nói tiếng Pháp trên tổng số 890 triệu dân số trong cộng đồng. Bảo vệ đa dạng văn hóa và ngôn ngữ luôn là mục tiêu nhất quán của Cộng đồng và gắn với việc thúc đẩy tiếng Pháp trên các diễn đàn quốc tế. Cộng đồng Pháp ngữ tích cực vận động cho đa dạng ngôn ngữ trên các diễn đàn quốc tế bằng việc thúc đẩy thông qua Công ước quốc tế về đa dạng văn hóa tại Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO) năm 2005. Cộng đồng Pháp ngữ đã đóng góp vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm thúc đẩy hòa bình và an ninh trên thế giới, dành nhiều nguồn lực nhằm tìm giải pháp lâu dài cho các cuộc khủng hoảng, xung đột, hỗ trợ tiến trình thực thi dân chủ và xây dựng nhà nước pháp quyền tại một số nước thành viên châu Phi.

Tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Cộng đồng Pháp ngữ - ảnh 1
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hội đàm với bà Michaelle Jean, Tổng Thư ký Tổ chức Pháp ngữ Quốc tế. (Ảnh minh họa: An Đăng/TTXVN)

Những năm gần đây, Cộng đồng Pháp ngữ chú trọng thúc đẩy hợp tác kinh tế, quan tâm tạo việc làm cho phụ nữ và thanh niên. Tháng 11/2014, lần đầu tiên văn kiện Hội nghị cấp cao Pháp ngữ đã bày tỏ quan ngại mạnh mẽ về tình hình Biển Đông và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế tối đa, giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; hoan nghênh các nỗ lực nhằm duy trì hòa bình, an ninh và ổn định, tự do, an toàn hàng hải, hàng không trong khu vực.

 

Việt Nam là thành viên tích cực trong cộng đồng

Quan hệ giữa Việt Nam và Cộng đồng Pháp ngữ ngày càng phát triển. Phần lớn các nước Pháp ngữ đều tích cực ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của Việt Nam trong thế kỷ 20 và coi Việt Nam là biểu tượng của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong hơn 30 năm qua, Việt Nam đã tranh thủ được nhiều sự giúp đỡ, hỗ trợ quý báu của Cộng đồng Pháp ngữ về nguồn vốn, chất xám và kỹ thuật. Đồng thời, Cộng đồng Pháp ngữ là diễn đàn để Việt Nam triển khai chính sách đối ngoại, là kênh để tranh thủ tăng cường quan hệ song phương với một số thành viên phát triển và với các nước bạn bè châu Phi truyền thống. Mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Cộng đồng Pháp ngữ được đánh dấu bằng các chuyến tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ của lãnh đạo cấp cao Việt Nam. Cộng đồng Pháp ngữ thể hiện coi trọng, thường xuyên cử đoàn cấp cao thăm Việt Nam.

 

Với việc tổ chức thành công Hội nghị cấp cao lần thứ bảy năm 1997 tại Hà Nội, Việt Nam đã có đóng góp quan trọng vào việc thể chế hóa hoạt động chính trị, đề cao hợp tác kinh tế bên cạnh các lĩnh vực chính trị, văn hóa - ngôn ngữ và giáo dục - đào tạo. Nhờ tham gia đầy đủ và thực chất trên hầu hết các vấn đề ưu tiên của Cộng đồng, từ hoạch định chiến lược hợp tác, thúc đẩy cải cách hành chính, tài chính cho đến điều chỉnh nguồn lực cho các lĩnh vực giáo dục và phát triển, nên Việt Nam được coi thuộc nhóm đang phát triển nòng cốt, có tiếng nói đối với việc hoạch định và triển khai chiến lược hợp tác của Cộng đồng Pháp ngữ. Việt Nam nhiều lần được Cộng đồng tín nhiệm bầu vào các cương vị quan trọng, như Chủ tịch Hội đồng thường trực Pháp ngữ (CPF), Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Pháp ngữ (CMF), Chủ tịch Hội nghị cấp cao nhiệm kỳ 1997-1998, Phó Chủ tịch Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF) ba nhiệm kỳ...

 

Tổ chức Pháp ngữ và các cơ quan thực thi đã phối hợp một số nước thành viên Pháp ngữ thực hiện nhiều dự án tại Việt Nam, trong đó các dự án hỗ trợ Việt Nam về giảng dạy tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp ở cấp phổ thông và đại học, cũng như về nghiên cứu khoa học trong một số lĩnh vực mũi nhọn như công nghệ, kinh tế, thương mại, dược, khoa học cơ bản, luật pháp… Cơ quan đại học Pháp ngữ (AUF) đã thành lập Không gian Pháp ngữ và kỹ thuật số tại ba thành phố lớn của Việt Nam. Tổ chức Pháp ngữ còn thực hiện các dự án quy mô nhỏ hơn về tin học, pháp luật, năng lượng, môi trường, giảm nghèo, giúp đào tạo giáo viên và hỗ trợ cơ sở vật chất trường học ở các vùng nghèo và khó khăn... Các dự án mà Cộng đồng Pháp ngữ thực hiện tại Việt Nam nhìn chung được đánh giá có hiệu quả.

 

Chuyến tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 16 tại Madagascar của Chủ tịch nước Trần Đại Quang là sự kiện chính trị quan trọng, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Cộng đồng Pháp ngữ, khẳng định Việt Nam là một đối tác tin cậy và quan trọng của nhiều nước thành viên trong Cộng đồng.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu