Tăng cường cơ chế và nguồn lực phát triển nông nghiệp, nông thôn

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Các địa phương đạt 19 tiêu chí về chuẩn nông thôn mới có kinh tế phát triển hiệu quả, bền vững

(VOV5) - Các địa phương đạt 19 tiêu chí về chuẩn nông thôn mới có kinh tế phát triển hiệu quả, bền vững.

Trong bối cảnh khó khăn về kinh tế, các cấp, các ngành ở Việt Nam đang nỗ lực triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Điều này thể hiện trong hàng loạt hội nghị về nông nghiệp và phát triển nông thôn, các cuộc làm việc của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh với các ban ngành, địa phương về chương trình, mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới thời gian gần đây.

Tăng cường cơ chế và nguồn lực phát triển nông nghiệp, nông thôn - ảnh 1
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu kết luận cuộc họp Ban chỉ đạo nông thôn mới. Ảnh: vov.vn


Tăng cường cơ chế và nguồn lực phát triển nông nghiệp, nông thôn là nội dung chủ yếu của Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện kết luận số 61 về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020, tổ chức ngày 3-7-2015. Không lâu sau đó, ngày 20-8-2015, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo “Đẩy mạnh Công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới”. Trong khoảng thời gian giữa hai sự kiện này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, liên tục làm việc với nhiều tỉnh thành, địa phương về các vấn đề liên quan đến xây dựng nông thôn mới.

Gần 10% xã đạt chuẩn nông thôn mới 

Cả nước hiện có 889 xã và 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Con số này phần nào khẳng định kết quả đạt được của Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là hợp lòng dân. Các địa phương đạt 19 tiêu chí về chuẩn nông thôn mới có kinh tế phát triển hiệu quả, bền vững; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội đồng bộ, hiện đại; đời sống, vật chất tinh thần của người dân được cải thiện; môi trường sống xanh-sạch-đẹp; khối đại đoàn kết toàn dân và hệ thống chính trị vững mạnh. Các tiêu chí này góp phần cụ thể hóa mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh trên địa bàn nông thôn, cụ thể hóa tiến trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, tái cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu nông nghiệp ngay tại địa bàn nông thôn.

Rõ ràng là với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng tham gia tích cực của người dân, chương trình xây dựng nông thôn mới sau 4 năm triển khai trên cả nước đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Nhiệm vụ trọng tâm trước mắt và thường xuyên

Nhiệm vụ trọng tâm trước mắt của Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể cần nhận thức sâu sắc ý nghĩa xây dựng nông thôn mới, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, đồng thời có kế hoạch, chương trình hành động, kiểm tra, đôn đốc cụ thể và phân công, bố trí cán bộ hiệu quả gắn với tăng cường vận động các tầng lớn nhân dân tham gia tích cực với tư cách là chủ thể của Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban kinh tế Trung ương, cho rằng: “Xây dựng nông thôn mới thành công được hay không quan trọng là vấn đề nhận thức. Thứ hai là vai trò các cấp, các ngành trong tổ chức thực hiện và hơn ai hết là vai trò các cấp ủy Đảng và chính quyền. Thứ  ba là đổi mới, phát triển nâng cao hiệu quả của kinh tế hợp tác, đặc biệt là kinh tế hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới trong sản xuất nông nghiệp, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới với vai trò chủ thể của người nông dân, của đội ngũ doanh nghiệp, doanh  nhân”.

Tăng cường cơ chế và nguồn lực phát triển nông nghiệp, nông thôn - ảnh 2
Long Phú(Sóc Trăng) xây dựng nông thôn mới. Ảnh: thst.vn

Thời gian tới, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, cạnh tranh gay gắt đòi hỏi sản xuất nông nghiệp phải nâng cao chất lượng, hiệu quả để đứng vững và cạnh tranh, Chính phủ Việt Nam đã ưu tiên tăng cường mọi nguồn lực để phát triển nông nghiệp. Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới đặc biệt chú ý đến việc đào tạo bồi dưỡng cho nông dân để họ thực sự trở thành người nông dân kiểu mới, có trình độ, năng lực tổ chức theo mô hình sản xuất nông nghiệp Việt Nam theo quy mô lớn hiện đại. Về điều này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nêu rõ:“Bây giờ chúng ta cứ sản xuất theo mô hình cá thể, nhỏ lẻ, mạnh ai người ấy làm thì chắc không cạnh tranh nổi. Vai trò của kinh tế hộ, tôi nghĩ rằng vẫn còn rất lớn nhưng cần phải trong mối liên kết sản xuất lớn. Thứ 2 là vận động nông dân chủ động đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, liên kết trong sản xuất theo chuỗi giá trị, tham gia tổ chức hợp tác, hợp tác xã kiểu mới để liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ thì mới bền vững được”.

Cùng với các nhiệm vụ trước mắt và thường xuyên, Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng quan tâm sâu sắc đến vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, rà soát, bổ sung một số tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 1 (2011-2015) và hướng tới việc triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2 (2016-2020).

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu