Tân Tổng thống Iran trước những thách thức lớn

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Ngay sau khi nhâm chức hôm cuối tuần qua, Tân Tổng thống Iran Hassan Rowhani đã bắt tay ngay vào việc xây dựng Chính phủ mới. Trong danh sách thành viên Chính phủ do ông Hassan Rowhani đề cử, dễ dàng nhận thấy đảm nhận những vị trí quan trọng đều là những nhà kỹ trị giàu kinh nghiệm và có tư tưởng cải cách.
(VOV5) - Ngay sau khi nhâm chức hôm cuối tuần qua, Tân Tổng thống Iran Hassan Rowhani đã bắt tay ngay vào việc xây dựng Chính phủ mới. Trong danh sách thành viên Chính phủ do ông Hassan Rowhani đề cử, dễ dàng nhận thấy đảm nhận những vị trí quan trọng đều là những nhà kỹ trị giàu kinh nghiệm và có tư tưởng cải cách. Sự lựa chọn của vị Tổng thống thứ 7 của Iran nhằm thực hiện lời hứa khi ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống hồi tháng 6 vừa qua là chấm dứt tình trạng bị cô lập về kinh tế - chính trị ở đất nước Hồi giáo này. Tuy nhiên, để lấy lại vị thế trước đây của Iran là việc làm không hề dễ dàng.

Tân Tổng thống Iran trước những thách thức lớn - ảnh 1
Tổng thống Iran Hassan Rouhani (Ảnh: Press TV)


Tân Tổng thống Iran chỉ mất 2 ngày thay vì 2 tuần theo quy định để đề cử và công bố danh sách thành viên nội các. Theo đó, thành phần Chính phủ mới do Tổng thống Hassan Rowhani lựa chọn gồm chính trị gia Eshaq Jahangiri làm Phó Tổng thống thứ nhất cùng 18 Bộ trưởng. Đây đều là các nhà kỹ trị giàu kinh nghiệm trên chính trường. Ngoài vị trí Phó thủ tướng thứ nhất được biết đến là một nhà cải cách thì trong nội các mới còn phải kể đến nhà ngoại giao kỳ cựu Mohammad Javad Zarif nắm giữ vị trí Bộ trưởng Ngoại giao và cựu Bộ trưởng Dầu mỏ Bijan Namdar Zanganeh trở lại cương vị người đứng đầu ngành dầu mỏ. Việc đề cử nhà cải cách Mohammad Javad Zarif được nhận định là nhằm tìm người đảm nhiệm đàm phán hạt nhân giữa Iran với nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức). Trong khi đó, ứng cử viên cương vị Bộ trưởng Dầu mỏ Bijan Namdar Zanganeh từng đảm trách bộ này trong 8 năm dưới thời cựu Tổng thống Mohammad Khatami, đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng mối quan hệ tốt với các đối tác của Iran trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và phát triển lĩnh vực năng lượng trong nước.

Lựa chọn của tân Tổng thống Iran trong bối cảnh hiện nay được giới phân tích cho là khá phù hợp. Tuy nhiên để cứu vãn nền kinh tế kiệt quệ bởi các lệnh cấm vận hà khắc của phương Tây đồng thời khôi phục lại vị thế của Iran trên trường quốc tế là vấn đề không đơn giản, cần có lộ trình phù hợp.Về kinh tế, đây là lần đầu tiên kể từ những năm 80 của thế kỷ trước, Iran có tốc độ tăng trưởng kinh tế âm trong 2 năm liên tiếp. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 13%. Bên cạnh đó là tỷ lệ lạm phát cao nhất khu vực (lạm phát khoảng 40%) và có thể là cao nhất thế giới. Cựu Bộ trưởng Nông nghiệp của Iran Issa Kalantari thừa nhận tân Tổng thống Hassan Rowhani phải thừa hưởng một đất nước trống rỗng trong nhiều lĩnh vực như ngân hàng, kho bạc, các cảng biển.

Khó khăn càng chồng chất khi trước thềm buổi nhậm chức của ông Hassan Rowhani, Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật nhằm siết chặt trừng phạt đối với Tehran. Dự luật đề xuất cắt giảm xuất khẩu dầu của Iran thêm 1 triệu thùng/1 ngày trong vòng 1 năm nhằm thu hẹp ngân quỹ cho chương trình hạt nhân gây tranh cãi mà Tehran đang triển khai. Động thái tăng cường cấm vận kinh tế mới nhất này đã thay cho lời khẳng định rằng giữa Tehran với Washington và phương Tây vẫn tồn tại quá nhiều khác biệt.

Cùng với những khó khăn về kinh tế, một sứ mệnh hóc búa khác mà ông Hassan Howhani phải giải quyết là thúc đẩy tiến triển cuộc đàm phán hạt nhân giữa nước này và nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức). Đây cũng là cách để phương Tây gỡ bỏ dần các lệnh trừng phạt Iran. Trong tuyên bố đầu tiên sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống, ông Hassan Rowhani bày tỏ Chính phủ Iran nhiệm kỳ tới sẽ thực hiện hai bước trong vấn đề hạt nhân, trước hết sẽ minh bạch hơn để chứng tỏ rằng các hoạt động của Iran đều trong khuôn khổ các quy định của quốc tế và sau đó là tăng cường lòng tin giữa Iran và thế giới. Chính quyền Tehran cũng bày tỏ hy vọng sẽ gặp lại nhóm P5+1 để tiếp tục bàn về giải pháp cho chương trình hạt nhân gây tranh cãi.

Tuy nhiên, việc tìm ra một cơ chế để xây dựng lòng tin và giải tỏa khúc mắc lâu dài giữa hai bên là không dễ dàng khi bất kể sự thay đổi thái độ nào của Iran với phương Tây sẽ đều phải nhận được sự chấp thuận của lãnh tụ Tối cao Ayatollah Ali Khamenei, người vẫn luôn giữ quan điểm chống phương Tây. Lãnh tụ Ali Khamenei từng tuyên bố Tehran sẽ tiếp tục chương trình làm giàu uranium trong khi người đứng đầu Cơ quan Năng lượng nguyên tử nước này, Fereydoun Abbasi-Davani, khẳng định việc sản xuất nhiên liệu hạt nhân sẽ được thực hiện theo đúng các mục tiêu Iran đã đưa ra.

Nhiệm kỳ làm Tổng thống của ông Hassan Rowhani mới bắt đầu với những khó khăn mà ông phải đương đầu là rất lớn. Dư luận và cử tri Iran đang dõi theo khả năng chèo lái đất nước của tân Tổng thống Hassan Rowhani để đưa quốc gia này vượt qua khủng hoảng./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu