Quyền con người được chú trọng trong Hiến pháp sửa đổi

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Quyền con người và quyền công dân là vấn đề đặc biệt quan trọng trong các bản Hiến pháp trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, đang được lấy ý kiến góp ý của nhân dân, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được tổ chức thành riêng một chương với 38 điều. Đây là bước tiến quan trọng, khẳng định chính sách tôn trọng và thúc đẩy quyền con người của Việt Nam.
(VOV5) - Quyền con người và quyền công dân là vấn đề đặc biệt quan trọng trong các bản Hiến pháp trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, đang được lấy ý kiến góp ý của nhân dân, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được tổ chức thành riêng một chương với 38 điều. Đây là bước tiến quan trọng, khẳng định chính sách tôn trọng và thúc đẩy quyền con người của Việt Nam.


Quyền con người được chú trọng trong Hiến pháp sửa đổi - ảnh 1
Lấy ý kiến rộng rãi nhân dân về Hiến pháp sửa đổi. (Ảnh: infonet)

Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi dành hẳn một chương quan trọng cho các điều khoản về quyền con người, quyền công dân. Đây thực sự là một điểm mới khi trước đó, các bản Hiến pháp năm 1959, 1980 và Hiến pháp năm 1992 cũng có những quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân nhưng không tập trung trong một chương mà nằm rải rác ở nhiều chương. Việc xếp quyền con người ngay ở chương 2 của Bản dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi là hợp lý, tương thích đối với các bản Hiến pháp của các nhà nước dân chủ, hiện đại trên thế giới. Nó phản ánh tầm quan trọng của quyền con người trong thế giới ngày nay, nhất là đối với thể chế chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩaViệt Nam, trong đó tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Bà Phan Bích Thiện, người Việt ở Hungary, Chủ tịch Quỹ “Vì quan hệ Hunggary -Việt Nam”, cho rằng Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi có nhiều điểm mới về quyền con người: “Quyền công dân trong bản Dự thảo Hiến pháp này cũng được mở rộng ra và cụ thể hóa nhiều. Đơn cử như là đưa vào quyền công dân hình thức góp ý, dân chủ, trực tiếp, còn trong bản Hiến pháp cũ, quyền công dân chỉ thông qua các hình thức hội đồng nhân dân hoặc các tổ chức. Bản hiến pháp này cũng quy định Nhà nước và hiến pháp Việt Nam bảo vệ công dân Việt Nam, bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài. Tôi nghĩ, đây cũng là một điểm rất tốt”.

Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi còn có nhiều quy định rõ ràng, hợp lý, chặt chẽ hơn về quyền con người, quyền công dân. Điển hình là tại điều 44, 45, 46 của Dự thảo có nhiều điểm bổ sung về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân phù hợp với sự phát triển và yêu cầu của xã hội hiện nay như: quyền được sống trong môi trường tự nhiên trong lành; quyền được hưởng thụ các giá trị văn hóa; nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Dự thảo còn quy định công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước, tham gia thảo luận và kiến nghị với nhà nước về những vấn đề của địa phương và nhà nước. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội, công khai minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân. Ông Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, cho rằng: “Trong quyền công dân ấy, mình nhấn mạnh quyền dân chủ của người dân, tức là làm sao để người dân có thể nói hết những tâm tư, nguyện vọng và những phát biểu của họ. Phải thật sự tôn trọng, nhất là ở cấp cơ sở. Đây là việc thực sự cần thiết trong điều kiện hiện nay, phải làm sao lắng nghe, khơi ngợi được những ý kiến phát biểu của nhân dân về tất cả mọi vấn đề, đặc biệt là vấn đề thể chế, trên cơ sở đó mới điều chỉnh chính sách, kể cả pháp luật nữa”.

Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi lần này cũng đặc biệt phát huy quyền con người, quyền công dân. Chẳng hạn, Điều 17 khẳng định: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội". Đây là hiến định nguyên tắc cơ bản của quyền con người, làm rõ nội hàm của quyền bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, xác định rõ các trường hợp hạn chế quyền con người, quyền công dân nhằm ngăn ngừa việc hạn chế quyền con người, quyền công dân bằng văn bản dưới luật. Trong khi đó, điều 25 lại quy định rõ: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Nơi thờ tự của tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm Hiến pháp và pháp luật”.

Ở Việt Nam, nguyên tắc tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân luôn được khẳng định trong các bản Hiến pháp kể từ ngày thành lập nước tới nay. Bản Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi, vừa được công bố, tiếp tục kế thừa và phát huy quyền con người và bổ sung một số quyền sát hợp với thực tế phát triển của xã hội, là kết quả của quá trình đổi mới những năm qua ở Việt Nam, phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu