Quan hệ Nga-Trung Quốc: Đôi bên cùng có lợi

Chia sẻ
(VOV5)- Hàng loạt văn kiện, thỏa thuận hợp tác trong quan hệ kinh tế Nga-Trung, được ký kết, cho thấy hai bên đang quyết tâm xác lập một mối quan hệ đặc biệt, quan hệ cường quốc Á-Âu.
(VOV5)- Cuộc gặp song phương Nga-Trung bên lề Hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 2014 vừa diễn ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc, đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận quốc tế. Bởi đây là cuộc gặp lần thứ 10 giữa 2 nguyên thủ quốc gia này chỉ trong vòng 2 năm, một con số khá hiếm hoi trong quan hệ đối ngoại giữa 2 quốc gia. Hàng loạt văn kiện, thỏa thuận hợp tác, trong đó có những lĩnh vực được coi là hòn đá tảng trong quan hệ kinh tế Nga-Trung, được ký kết, cho thấy hai bên đang quyết tâm xác lập một mối quan hệ đặc biệt, quan hệ cường quốc Á-Âu.

Quan hệ Nga-Trung Quốc: Đôi bên cùng có lợi - ảnh 1
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến công du Moscow của ông Tập tháng 3/2013. Ảnh: Reuters.


Tại Điếu Ngư Đài, sau những cái bắt tay nồng nhiệt, hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga đã chứng kiến việc ký kết 17 văn kiện hợp tác. Một trong số đó là xây dựng một tuyến đường ống phía tây nhằm cung cấp khí đốt của Nga sang Trung Quốc, theo thỏa thuận đã đạt được hồi tháng 5, cung cấp 38 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm. Với đường ống khí đốt này, nếu hoàn thành, dự kiến Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia tiêu thụ khí đốt Nga nhiều nhất thế giới, vượt cả châu Âu.

Hai bên cũng thống nhất triển khai thực hiện dự án đầu tư năng lượng chung ở vùng Arkhangelsk và cùng tài trợ, xây dựng, vận hành một nhà máy thủy điện tại vùng Viễn Đông của Nga. Cùng với đó là hàng loạt thỏa thuận khác liên quan đến lĩnh vực tài chính, đường sắt tốc độ cao, công nghệ thông tin, hàng không vũ trụ…

Quan hệ có đi có lại
Những quan ngại chung về địa chính trị, cùng với những lo ngại về Mỹ, đã khiến Nga và Trung Quốc tất yếu xích lại gần nhau. Cuộc khủng hoảng Ukraine đã đẩy Nga, Mỹ vào cuộc Chiến tranh Lạnh mới và quan hệ hai nước rơi vào trạng thái đối đầu tồi tệ nhất từ khi Liên bang Xô Viết tan rã năm 1991. Giống như cuộc đối kháng Mỹ - Liên Xô năm xưa, Trung Quốc trở thành nước thứ ba quan trọng và việc Trung Quốc chọn đứng về phía bên nào là điều mà cả Mỹ và Nga quan tâm nhất. Trong nỗ lực tranh giành ảnh hưởng này, Moscow có phần chiếm ưu thế hơn vì Moscow và Bắc Kinh có nhiều điểm tương đồng về kinh tế, quan điểm chính trị và lập trường đối với phương Tây. Hai nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc này là đồng minh gần gũi của nhau trong hàng loạt các vấn đề nóng của thế giới như Syria, Iran, CHDCND Triều Tiên….

Quan hệ đối thủ - đối tác, quan hệ hợp tác - kiềm chế lẫn nhau giữa Trung Quốc và Mỹ, đã khiến Nga tìm đến Trung Quốc như một đối trọng giúp phá thế cô lập hiện nay. Trong bối cảnh đang phải chịu các lệnh trừng phạt từ phương Tây, Nga cần tìm lối thoát cho nền kinh tế từ những nguồn đầu tư từ nước ngoài và Trung Quốc là một cái tên lý tưởng.

Nhưng không có nghĩa chỉ Moscow cần, mà Bắc Kinh cũng rất cần Nga trong nhiều vấn đề. Trung Quốc trong những năm gần đây đang phải liên tục tìm kiếm các nguồn tài nguyên, nhất là nguồn năng lượng đang ngày một thiếu hút để phục vụ cho quá trình tăng trưởng kinh tế. Tranh chấp lãnh thổ cũng đẩy quan hệ giữa Trung Quốc với nhiều quốc gia trong khu vực vào tình trạng hết sức căng thẳng. Trong tham vọng về một Đại Trung Hoa của mình, Trung Quốc dường như đang độc đạo và đi ngược lại với tất cả các quốc gia trên thế giới. Tất cả những yếu tố đó là động lực để Trung Quốc hình thành một liên minh mới với Nga, hợp tác hai bên cùng có lợi.

Xác lập mối quan hệ cường quốc Á-Âu
Thực tế, các thỏa thuận ký kết tại cuộc gặp bên lề Diễn đàn cấp cao APEC vừa qua là thắng lợi kép đối với cả Nga và Trung Quốc, không chỉ mang ý nghĩa kinh tế đơn thuần mà cả về chính trị. Với Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã gửi đi một thông điệp: Những nỗ lực để cô lập Moscow là một điều sai lầm. Nga hoàn toàn chọn lựa con đường không phụ thuộc phương Tây để khôi phục lại vị trí của mình. Ðối với Trung Quốc, thành quả là quá rõ. Trung Quốc cần nguồn năng lượng tự nhiên để giảm thiểu tác hại của các loại khí đốt do than gây ô nhiễm môi trường ở các thành phố lớn, điều mà Trung Quốc đau đầu bấy lâu nay. Hơn nữa, Trung Quốc đã đưa khí đốt vào thị trường châu Á bằng giá với thị trường châu Âu, điều mà trước đây khu vực này thường phải chấp nhận mua với giá đắt hơn châu Âu tới 30%.

Xuất phát từ quan hệ đôi bên cùng có lợi, bởi vậy, trong khuôn khổ cuộc gặp song phương lần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã dành cho nhau những lời nói đầy tình cảm. Trong khi Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh sự hợp tác giữa Trung Quốc và Nga nhằm bảo đảm cho thế giới theo đúng luật pháp quốc tế, giúp thế giới phát triển ổn định hơn, dễ dự đoán hơn, thì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng không ngần ngại tặng người đồng cấp những lời có cánh, rằng quan hệ Nga-Trung được ví như một cái cây đang ở thời điểm thu hoạch và hái quả. Cho dù vũ đài quốc tế có thay đổi ra sao thì hai nước vẫn tiếp tục đi theo con đường đã chọn là mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện, gặt hái nhiều thành công. Cả Nga và Trung Quốc đều đang muốn khẳng định vai trò quyền lực của mình tại khu vực, bởi vậy hai tư tưởng lớn ắt phải cần có nhau trên một con đường./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu