Phòng, chống tham nhũng: giải pháp quan trọng để Việt Nam phát triển

Hồng Vân (tổng hợp)
Chia sẻ
(VOV5) - Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được tiến hành đồng bộ; kỷ luật nghiêm minh, khuyến khích từ chức, kịp thời miễn nhiệm, thay thế cán bộ bị xử lý kỷ luật.

Công cuộc phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam đã, đang được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, với sự vào cuộc của nhân dân và cả hệ thống chính trị. Những kết quả đạt được trong thời gian qua cho thấy Việt Nam đang đi đúng hướng, được dư luận ủng hộ. Thực tế đã chứng minh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là con đường đúng đắn giúp đưa đất nước phát triển.

Phòng, chống tham nhũng: giải pháp quan trọng để Việt Nam phát triển   - ảnh 1Lễ ra mắt cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” (năm 2023). Ảnh: dangcongsan.vn

Không lùi bước, không khoan nhượng

Không lùi bước, không khoan nhượng với tham nhũng trở thành mệnh lệnh đối với các cấp ủy đảng, chính quyền. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Toàn bộ hệ thống chính trị nỗ lực thực hiện sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách, cơ chế, quy định để mỗi cá nhân tự ý thức trách nhiệm của bản thân, không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng.

Tại buổi thông tin đến báo chí hôm 1/2, ở Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương cho biết năm qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành gần 50 văn bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được tiến hành đồng bộ; kỷ luật nghiêm minh, khuyến khích từ chức, kịp thời miễn nhiệm, thay thế cán bộ bị xử lý kỷ luật. Trong năm, các cấp đã thi hành kỷ luật 459 đảng viên do tham nhũng. Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã thi hành kỷ luật 105 cán bộ diện Trung ương quản lý.

Ngành thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính gần 219.000 tỷ đồng (hơn 9,3 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2022). Nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt lớn, nghiêm trọng, phức tạp được khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm.

Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã ban hành trên 100 văn bản để tăng cường công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (tăng hai lần so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII). Quốc hội đã thông qua 24 luật, pháp lệnh và ban hành nhiều nghị quyết quan trọng. Chính phủ, Thủ tướng ban hành nhiều nghị định, quyết định, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể” tham nhũng.

Phòng, chống tham nhũng: giải pháp quan trọng để Việt Nam phát triển   - ảnh 2Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học. Ảnh: TTXVN

Phát biểu nhân lễ ra mắt cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” (năm 2023), Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học nhận định: “Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực, đã trở thành một xu thế không thể đảo ngược. Hiện niềm tin với đảng trong toàn dân về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực và vai trò của Tổng Bí thư người đứng đầu của Đảng là rất lớn”.

Dư luận ủng hộ

Những nỗ lực, quyết tâm đấu tranh phòng chống tham nhũng của Việt Nam nhận được sự ủng hộ của dư luận, như ý kiến của 1 người dân dưới đây: “Công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua được đảng và người đứng đầu đảng là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn quan tâm. Qua theo dõi, tôi thấy nếu có sai phạm đều có xử lý nghiêm minh và công khai trước pháp luật, trước nhân dân... Điều này đã đem lại niềm tin cho nhân dân”.

Phòng, chống tham nhũng: giải pháp quan trọng để Việt Nam phát triển   - ảnh 3Phóng viên Jung Rina, Hàn Quốc. Ảnh: TTXVN

Phóng viên Jung Rina, Hàn Quốc, cho rằng: “Việt Nam đang đứng trước một thời điểm lịch sử quan trọng để tiến lên một bước nhảy vọt. Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam hiện nay đang được Đảng chỉ đạo quyết liệt. Việc phòng, chống tham nhũng đã trở thành nhiệm vụ, một xu thế không thể đảo ngược như Tổng Bí thư đã khẳng định. Việt Nam thực sự cần tiếp tục đấu tranh phòng, chống tham nhũng không chỉ vì phát triển kinh tế mà còn vì tương lai”.

Những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước: “không có vùng cấm,” “không có ngoại lệ,” “không kể đó là ai.”. Công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực là con đường đúng để đất nước phát triển.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu