Liên hoan phát thanh toàn quốc lần thứ XVI – năm 2024 đang diễn ra tại tỉnh Thanh Hóa (09 – 14/07), thu hút sự chú ý của những người làm phát thanh tại Việt Nam. Sự tham gia đông đảo của các Đài Phát thanh – Truyền hình cả nước cho thấy trong thời đại truyền thông đa phương tiện với nhiều loại hình mới xuất hiện như hiện nay, phát thanh vẫn chứng tỏ sự quan trọng của mình khi là phương tiện có thể truyền thông tin đến hàng triệu người nghe ở mọi nơi, mọi lúc một cách nhanh nhất.
Ảnh minh họa: Liên hoan phát thanh toàn quốc lần thứ XVI – năm 2024 đang diễn ra tại tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: VOV |
Với việc được đầu tư trang thiết bị hiện đại, công suất phát sóng lớn, hiện nay, sóng phát thanh đã bao phủ hơn 90% vùng lãnh thổ Việt Nam, giúp các thính giả ở mọi vùng miền đều có thể nghe được các chương trình phát thanh với chất lượng âm thanh rõ nét.
Sóng phát thanh đến với vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo
Mở rộng phủ sóng đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng biên giới, hải đảo là một trong những ưu tiên, được Đảng, Nhà nước Việt Nam quan tâm và tích cực đầu tư. Điều này thể hiện ở sự phát triển của các chương trình phát thanh dành cho các đối tượng thính giả ở những khu vực này, đặc biệt là sự ra đời của các kênh phát thanh chuyên biệt trên sóng của Đài TNVN.
Hơn 30 năm kể từ khi ra đời (năm 1993), Ban Dân tộc (VOV4), kênh phát thanh tiếng dân tộc của Đài TNVN, đã sản xuất các chương trình phát thanh dân tộc thiểu số nhằm tuyên truyền có hệ thống chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về các vấn đề dân tộc; phản ánh toàn diện đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào các dân tộc. Hiện nay, VOV4 đã phát sóng 13 thứ tiếng dân tộc thiểu số (Khmer, Chăm, Mông, Thái, Dao, Ê Đê, Ba Na, Gia Rai, K’Ho, M’Nông, Xê đăng, Cơ tu và tiếng Tày-Nùng) với thời lượng phát sóng hàng ngày 30 giờ, trở thành diễn đàn để người dân ở miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nhất của đất nước, bày tỏ suy nghĩ, nguyện vọng với Đảng, Nhà nước.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Buôn Krông Tuyết Nhung, Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Tây Nguyên, cho rằng: “Thông qua việc truyền thông bằng tiếng mẹ đẻ trên làn sóng VOV, bà con ngày càng được nâng cao chất lượng sống của mình thông qua việc tiếp nhận chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước. Trên 75% các nội dung có hiệu quả nó tác động đến nhận thức cũng như là các hoạt động sinh hoạt văn hóa đời thường, trong đó có phát huy giá trị văn hoa bản địa”.
Cùng với việc phủ sóng trên đất liền, Đài TNVN cũng không ngừng mở rộng cánh sóng tới vùng biển và hải đảo của Tổ quốc. Từ giữa tháng 06/2023, Đài TNVN chính thức khánh thành Đài Phát sóng Nam Trung Bộ, một trong số các đài phát sóng trọng điểm quốc gia. Với công nghệ kỹ thuật hiện đại, Đài Phát sóng Nam Trung Bộ phủ sóng mạnh, ổn định, liên tục các chương trình phát thanh trên Kênh Thời sự (VOV1) và Kênh Đối ngoại (VOV5) của Đài Tiếng nói Việt Nam, cung cấp thông tin chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đến đông đảo thính giả tại khu vực các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, đồng bào, chiến sỹ hoạt động trên khu vực vùng biển quần đảo Trường Sa của Việt Nam và tới các thủy thủ nước ngoài trên các tàu thuyền quốc tế. Bà Chamaléa Thị Thủy, Đại biểu Quốc hội khóa XV, tỉnh Ninh Thuận, cho rằng: “Đài TNVN khánh thành Đài phát sóng ở khu vực Nam Trung Bộ, nhân dân rất phấn khởi. Phát sóng ở khu vực Nam Trung Bộ sẽ đóng góp truyền tải thông tin mới nhất của Đảng và Nhà nước đến với người dân vùng biển Ninh Thuận nói riêng, cũng như người dân khu vực Nam Trung Bộ nói chung nhanh hơn; cũng như là để mọi người dân nắm bắt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước để mà cụ thể hóa thực hiện phù hợp. Và đặc biệt hơn nữa đối với ngư dân mà đang hoạt động trên biển, nhờ sóng của VOV này sẽ giúp cho ngư dân nắm bắt kịp thời những thông tin, để góp phần thực hiện tốt ngư dân bám biển trên vùng biển của đất nước”.
Đổi mới để cánh sóng vươn xa
Phát thanh hiện nay đang đứng trước sự cạnh tranh gay gắt từ các loại hình truyền thông trên nền tảng số. Theo các chuyên gia trong ngành, đổi mới phát thanh trên nền tảng số được xem là nhiệm vụ “sống còn” để phát triển và khẳng định vị thế trong môi trường số hiện nay.
Nắm bắt được xu thế đó, những năm qua, bên cạnh việc tăng độ phủ sóng phát thanh ở trong nước (VOV1, VOV2, VOV3, VOV4) và phát thanh ra nước ngoài (VOV5), Đài TNVN đã và đang không ngừng đổi mới, nhất là chuyển đổi số trong phát thanh, để đưa sóng phát thanh ngày càng tiếp cận tới nhiều thính giả hơn nữa. Các chương trình của Đài TNVN hiện nay không chỉ được truyền đi trên sóng phát thanh, mà còn được phát trên trang web (VOV.VN), qua nền tảng mạng xã hội (Facebook, Youtube, Spotify, Podcast) và cả những nền tảng công nghệ do VOV nghiên cứu và phát triển (VTC Now, VOV Media, VOV Live). Tổng Giám đốc Đài TNVN Đỗ Tiến Sỹ nhấn mạnh: “Chúng tôi luôn xác định thay đổi là yếu tố sống còn và không ngừng tăng cường sự tương tác để đến gần hơn với trái tim của khán, thính, độc giả, những người yêu Đài Tiếng nói Việt Nam. Các nền tảng truyền thông đa phương tiện xuất hiện nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng của chương trình phát thanh. Từ đó, khán thính giả cả nước và kiều bào ở nước ngoài sẽ là người thụ hưởng những giá trị tốt nhất, hấp dẫn nhất. Những người làm phát thanh nói riêng và những người làm truyền thông nói chung sẽ tiếp tục thực hiện sứ mệnh truyền thông vì sự phát triển chung của xã hội”.
Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XVI – năm 2024 với chủ đề “Phát thanh Việt Nam đa dạng trong chuyển đổi số” chính là sự tiếp nối vai trò tiên phong dẫn đầu của Đài Tiếng nói Việt Nam trong sứ mệnh phát triển lĩnh vực phát thanh. Đài TNVN luôn nỗ lực để đồng hành cùng mỗi nhà báo phát thanh trong hành trình liên tục trau dồi và tiến bộ; đồng hành cùng các cơ quan, đơn vị để cập nhật những công nghệ, phương pháp sản xuất, phân phối các tác phẩm một cách hiệu quả nhất, cũng như là cây cầu nối kết hợp với khán thính giả trong nước và nước ngoài.