Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám trong xây dựng và bảo vệ đất nước

Chia sẻ
(VOV5) - Kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước, bất khuất, kiên cường của dân tộc, những bài học giữ nước của cha ông, bằng sự nỗ lực phấn đấu  xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao sức mạnh tổng hợp và uy tín quốc tế của đất nước, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm mục tiêu cao nhất, nhân dân Việt Nam nhất định sẽ giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. 

(VOV5) - Kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước, bất khuất, kiên cường của dân tộc, những bài học giữ nước của cha ông, bằng sự nỗ lực phấn đấu  xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao sức mạnh tổng hợp và uy tín quốc tế của đất nước, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm mục tiêu cao nhất, nhân dân Việt Nam nhất định sẽ giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Đó là nội dung chủ đề bài viết của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhân kỷ niệm 69 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đài Tiếng nói Việt Nam trích giới thiệu một số nội dung quan trọng trong bài viết của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám trong xây dựng và bảo vệ đất nước - ảnh 1


Mở đầu bài viết, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhắc lại 69 năm về trước, mùa thu năm 1945, nhân dân Việt Nam, dưới ngọn cờ của Đảng cộng sản Việt Nam, đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại trong lịch sử nước nhà: đập tan xiềng xích của chế độ thực dân, phong kiến; giành lại nền độc lập dân tộc; khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố với thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam độc lập, tự do. Gần 70 năm qua, nhân dân Việt Nam đã vượt qua biết bao khó khăn, thử thách để xây dựng, phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân. Đồng thời, nhân dân Việt Nam cũng đã phải hy sinh biết bao xương máu, đánh bại mọi kẻ thù xâm lược để bảo vệ nền độc lập tự do, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước hiện  nay

Theo Chủ tịch nước, trong một thế giới đang diễn ra mạnh mẽ quá trình toàn cầu hóa, đan xen nhiều mối quan hệ phức tạp, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, đấu tranh gay gắt giữa các nước, giữa các nền chính trị, kinh tế và văn hóa khác nhau, sự hưng thịnh hay tồn vong của mỗi quốc gia, dân tộc không còn chỉ là chuyện riêng của từng quốc gia hay dân tộc. Điều đó đã tạo ra cả thời cơ và thách thức với mọi quốc gia, nhất là với các nước nhỏ trong việc bảo vệ lợi ích, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Trong bối cảnh đó, đặc biệt là trước diễn biến phức tạp của tình hình khu vực và trên thế giới trong những năm gần đây, hơn bao giờ hết, đòi hỏi đất nước Việt Nam phải phát triển nhanh, bền vững, nâng cao sức mạnh tổng hợp, nội lực của đất nước về mọi mặt; đồng thời phải luôn nêu cao cảnh giác, kiên quyết bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong bất cứ hoàn cảnh nào. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định đó là nghĩa vụ thiêng liêng và cao cả của thế hệ hôm nay trước tổ tiên, các thế hệ cha anh đi trước và trước các thế hệ con cháu muôn đời sau.


Sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ đất nước đòi hỏi phải có tầm nhìn xa, bản lĩnh vững vàng, kiên định về nguyên tắc nhưng tỉnh táo, linh hoạt, khôn khéo trong sách lược, “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Vì vậy, những bài học giữ nước của cha ông để lại là hết sức quý giá với thế hệ hôm nay. Đặc biệt, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Gốc có vững, cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”, cũng như người Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi đã từng viết: “làm lật thuyền mới biết sức dân mạnh như nước”. Vì vậy, để có đủ sức mạnh vượt qua mọi chướng ngại, chông gai trên con đường bảo vệ nền độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, thì mối quan hệ máu thịt, sinh tử giữa Đảng với nhân dân lại đòi hỏi phải được chăm lo ở một tầm cao mới, với chất lượng mới.


Xây dựng Đảng ngang tầm nhiệm vụ lãnh đạo đất nước

Tháng 9- 2014 là tròn 45 năm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân Việt Nam thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.Trong bài viết, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh nhiệm vụ tiếp tục học tập và làm theo những lời dạy trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”, “giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ của nhân dân”.Theo đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, mọi cán bộ, đảng viên cần tiếp tục thực hiện thật tốt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14-5-2011, của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; kiên quyết đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, để giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng, để đánh giá cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở đó, triển khai thực hiện Hiến pháp sửa đổi vừa mới được Quốc hội thông qua, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước Việt Nam thật sự là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.


Cuối cùng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định phát huy tinh thần và truyền thống vẻ vang của cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, tiếp tục học tập và thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân đoàn kết một lòng, xây dựng đất nước Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, là thước đo lòng yêu nước của mỗi người Việt Nam lúc này./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu