Pháp luật Việt Nam hoàn toàn phù hợp với chuẩn mực quốc tế về tôn giáo, tín ngưỡng

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Luật Tín ngưỡng, tôn giáo vừa được Quốc hội Việt Nam khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ hai (18/11/2016).  Đông đảo tín đồ, chức sắc các tôn giáo cho rằng việc xây dựng và ban hành Luật này đã góp phần đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi người. 

(VOV5) - Luật Tín ngưỡng, tôn giáo vừa được Quốc hội Việt Nam khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ hai (18/11/2016).  Đông đảo tín đồ, chức sắc các tôn giáo cho rằng việc xây dựng và ban hành Luật này đã góp phần đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi người. 


Pháp luật Việt Nam hoàn toàn phù hợp với chuẩn mực quốc tế về tôn giáo, tín ngưỡng - ảnh 1
Các hoạt động tôn giáo diễn ra hết sức bình thường ở Việt Nam


Những quy định trong luật thể hiện rõ tính nhân văn về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên trên một số phương tiện truyền thông ở nước ngoài vừa qua đăng những luận điệu phủ nhận nội dung tích cực của luật này. Điều này cho thấy họ không hiểu hoặc giả cố tình không hiểu để xuyên tạc về tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Tự do tôn giáo là một trong những vấn đề được thảo luận nhiều nhất trong lịch sử phát triển các quyền và tự do cơ bản của con người. Đây cũng là quyền được ghi nhận từ rất sớm trong các văn kiện luật nhân quyền quốc gia và quốc tế.

Pháp luật Việt Nam hoàn toàn phù hợp với chuẩn mực quốc tế về tôn giáo, tín ngưỡng - ảnh 2
Lễ tấn phong linh mục


Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo pháp luật quốc tế

Trên một số phương tiện truyền thông nước ngoài, một số kẻ mập mờ đưa thông tin: ở các nước văn minh không bao giờ ban hành Luật tín ngưỡng tôn giáo và rằng dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo mà Quốc hội Việt Nam thông qua không nhằm phục vụ nhân quyền. Tuy nhiên cần phải khẳng định rằng  tự do tôn giáo đã được ghi nhận ngay trong văn kiện quốc tế đầu tiên về nhân quyền là Tuyên ngôn Thế giới về nhân quyền năm 1948 (UDHR). Tuyên ngôn này tập trung chủ yếu vào việc cấm phân biệt đối xử về tôn giáo. Sau đó, nội dung trong UDHR được khẳng định và cụ thể hóa trong các Điều 18 và 20 Công ước quốc tế về Các quyền dân sự, chính trị được Liên hợp quốc thông qua năm 1966 (Việt Nam tham gia công ước này năm 1982).  Điều 18 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị có ghi : “ Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng tôn giáo. Quyền tự do này bao gồm tự do có theo một tôn giáo hoặc tín ngưỡng do mình lựa chọn, tự do bày tỏ tín ngưỡng tôn giáo một mình hoặc trong tập thể với nhiều người khác, một cách công khai hoặc thầm kín dưới hình thức thờ cúng, cầu nguyện, thực hành và giảng đạo”. Tiếp đó, ngày 05/3/1993, Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc ra Nghị quyết số 25, trong đó Điều 3 có ghi: “Khẩn thiết yêu cầu các nước đảm bảo quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm, tự do tôn giáo và tự do xác tín một cách thích hợp bằng những quy định trong Hiến pháp và luật pháp, kể cả bằng dự kiến những biện pháp dự phòng hữu hiệu nhằm tránh xảy ra bất khoan dung, kỳ thị vì lý do tôn giáo hoặc xác tín”. 

Ở cấp độ quốc gia, Pháp, một trong những quốc gia ở châu Âu có hệ thống pháp quy đầy đủ và chi tiết nhất về vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo, cũng nghi trong điều 1 Đạo luật ngày 09/12/1905: “Nền Cộng hòa bảo đảm quyền tự do lương tâm, bảo đảm quyền tự do thực hành các việc thờ phụng với những hạn chế duy nhất được ban bố... vì lợi ích trật tự công cộng. Điều 25: “Các cuộc hội họp để cử hành một việc thờ phụng được điều hành trong những trụ sở thuộc một hiệp hội tôn giáo được đặt dưới sự giám sát của nhà chức trách vì lợi ích của trật tự công cộng”. Còn Hiến pháp Đức cũng quy định: “Hoạt động của một tổ chức tôn giáo có thể bị giới hạn hoặc bị cấm nếu mục đích, hoạt động của tổ chức đó vi phạm các quy định của luật hình sự hay chống lại chế độ xã hội đã được xác định trong hiến pháp...”.     

Như vậy các nước đều quan niệm không có tự do tín ngưỡng tôn giáo tuyệt đối và hoàn toàn không có chuyện ở các nước, người ta không bao giờ ra Luật tín ngưỡng tôn giáo như giọng điệu đang được rêu rao trên một số trang mạng nước ngoài vừa qua.

Pháp luật Việt Nam hoàn toàn phù hợp với chuẩn mực quốc tế về tôn giáo, tín ngưỡng - ảnh 3


Pháp luật Việt Nam hoàn toàn phù hợp với những chuẩn mực quốc tế về tôn giáo

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã được ghi nhận ngay trong Hiến pháp đầu tiên (1946) và tiếp tục được tái khẳng định trong các bản Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992, 2013, với những quy định ngày càng chi tiết hơn. Hiến pháp đầu tiên năm 1946 nêu rõ: “Mọi công dân có quyền tự do tín ngưỡng”. Bản Hiến pháp gần đây nhất, Hiến pháp 2013, quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật".

Không chỉ thể hiện trong Hiến pháp, ở từng giai đoạn cụ thể, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của người dân. Đặc biệt, Dự thảo Luật tín ngưỡng tôn giáo được Quốc hội thông qua ngày 18/11/2016 đã tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo đảm hơn nữa quyền tự do tín ngưỡng; thể hiện trách nhiệm của quốc gia đối với việc thực hiện pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam là thành viên. Chức sắc các tôn giáo khi phát biểu trước Quốc hội đều khẳng định việc Quốc hội Việt Nam thông qua dự thảo Luật tín ngưỡng tôn giáo là bước ngoặt lớn trong chính sách đối với tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam, góp phần động viên tín đồ, chức sắc tôn giáo phát huy những giá trị tốt đẹp, mặt tích cực điểm tương đồng của tôn giáo, chủ nghĩa xã hội, phát huy tinh thần yêu nước của đồng bào các tôn giáo, làm cho họ tự giác đấu tranh chống lại âm mưu xuyên tạc, lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa. 

Có thể khẳng định rằng pháp luật Việt Nam hiện nay hoàn toàn phù hợp với những chuẩn mực quốc tế có liên quan đến lĩnh vực này. Việt Nam đặt vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo trong Hiến pháp và luật pháp đạt chuẩn quốc tế ngay từ khi có Hiến pháp đầu tiên và ngày càng được hoàn thiện để phù hợp với sự phát triển của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử. Vì vậy những ý kiến cho rằng luật tín ngưỡng, tôn giáo vừa được thông qua không nhằm phục vụ nhân quyền rõ ràng là luận điệu sai trái và sẽ bị thực tế phủ nhận.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu