Một ngày sau khi nhậm chức, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có chuyến công du đầu tiên đến Đức như truyền thống, kêu gọi một cuộc tái kiến thiết lịch sử với châu Âu để chống chủ nghĩa dân túy lan rộng. Kết quả chuyến thăm không chỉ tăng cường quan hệ Đức – Pháp mà sẽ góp phần thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng hơn trong EU.
Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức - Ảnh: TTXVN |
Đức dường như đã trở thành một điểm đến đầu tiên của nhiền nhà lãnh đạo Pháp sau khi nhậm chức. Kể từ năm 1963 khi Tổng thống Pháp Charles de Gaulle và Thủ tướng Đức Konrad Adenauer đặt bút ký Hiệp ước Elysée, hợp tác Đức - Pháp đã trở thành một trong những trụ cột chính trong chính sách đối ngoại của hai quốc gia và phát triển thành động lực của sự hợp nhất châu Âu.
Không ngoại lệ, chuyến thăm Berlin của Tổng thống Emmanuel Macron ngày 15/5 nhấn mạnh sự quan trọng của mối quan hệ Pháp - Đức trong việc thực hiện các mục tiêu của châu Âu. 2 quốc gia muốn hợp tác để giải quyết những vấn đề ưu tiên: an ninh, kinh tế, đầu tư và bảo vệ xã hội.
Châu Âu là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Pháp
Vấn đề nổi cộm nhất của châu Âu hiện nay không chỉ có tăng trưởng kinh tế hay thắt chặt an ninh mà chính là sự thống nhất và đoàn kết trong khối. Sau sự kiện Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) (còn gọi là Brexit) cùng sự nổi lên của phong trào dân túy lan rộng khắp châu Âu, giờ đây nhiệm vụ nặng nề nhất cho các quốc gia đầu tàu trong EU như Đức và Pháp là tái tạo nền tảng mới cho khối liên minh này, cải cách để EU không rơi vào tình cảnh tan rã như những gì người ta lo ngại thời gian qua.
Và ngay từ đầu chiến dịch tranh cử, ông Macron luôn thể hiện là người theo lập trường ủng hộ EU, tuyên bố thúc đẩy hội nhập thương mại, đoàn kết trong khối. Thậm chí ông Macron mong muốn xây dựng một châu Âu hội nhập sâu rộng hơn, tới mức có ngân sách chung, quốc hội chung và một Bộ trưởng Tài chính chung. Ông mong muốn tại cuộc họp Hội đồng châu Âu vào tháng 6 tới, các nước thành viên sẽ thông qua được một lộ trình về những vấn đề mà nước Pháp đang rất quan tâm hiện nay như cải cách khu vực đồng euro hay triển vọng tài chính trong thời gian tới của EU. Trong lễ nhậm chức ngày 14/5, vị Tổng thống trẻ nhất lịch sử nước Pháp một lần nữa nhấn mạnh với tư cách là Tổng thống Pháp, ông muốn con tàu châu Âu hiện nay và trong tương lai có thể tiến lên.
Trong bước đi đầu tiên để hiện thực hóa điều này, tại cuộc hội kiến với Thủ tướng Đức Angela Merkel, ở Berlin, ông Macron bày tỏ mong muốn trong tương lai EU sẽ bớt quan liêu hơn và có khả năng tự bảo vệ tốt hơn. Ông khẳng định, đối với Pháp, việc thay đổi hiệp ước châu Âu trong việc cải tổ EU không phải là một điều cấm kỵ. Trong lĩnh vực thương mại, Tổng thống Macron cho rằng các công ty của châu Âu cần vững vàng hơn trước làn sóng tự do thương mại.
Pháp – Đức cùng phối hợp để định hình đường hướng phát triển của EU
Hưởng ứng những đề xuất của Tổng thống Pháp về xây dựng một EU mạnh hơn, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng đây là một thời khắc quan trọng của EU và EU chỉ mạnh khi nước Pháp mạnh. Bà Merkel khẳng định hai cường quốc chủ chốt của EU muốn tạo ra một cú hích mới cho hợp tác song phương và một "xung lực mới" cho liên minh Pháp - Đức. Theo Thủ tướng Đức, hai nước đã đạt được nhận thức chung là không thể chỉ tập trung vào việc Anh rời EU mà trước tiên và trên hết, phải nghĩ về cách để làm sâu sắc liên minh và giúp khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có khả năng chống chọi tốt hơn trước các cuộc khủng hoảng. Bà cũng đồng ý với ý tưởng cải tổ EU của Tổng thống Pháp và cho biết sẵn sàng thay đổi hiệp ước châu Âu. Tuy nhiên theo Thủ tướng Đức, trước hết các bên phải xác định mong muốn EU cải tổ điều gì sau đó mới bắt tay tiến hành các bước tiếp theo.
Trước thềm chuyến thăm, Berlin từng nghi ngại rằng những nỗ lực cải cách EU triệt để của Tổng thống Pháp là "không thực tế" trong bối cảnh eurozone đang gặp khủng hoảng. Người phát ngôn Bộ Tài chính Đức cho rằng chủ trương của ông Macron sẽ đòi hỏi phải thay đổi hiệp ước châu Âu mà điều này cần được tất cả các nước thành viên thông qua. Bộ Ngoại giao Đức cũng nhận xét kế hoạch thay đổi hiệp ước không phải là "ý tưởng hay". Tuy nhiên, giờ đây, sau hội kiến với Tổng thống Pháp, Thủ tướng Angela Merkel đã để ngỏ cánh cửa thay đổi hiệp ước châu Âu, nếu điều đó hợp lý.
Pháp và Đức là hai thành viên chủ chốt của EU. Cái bắt tay giữa Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức tại Berlin, ngày 15/5, không chỉ tạo xung lực mới cho hợp tác song phương mà còn đặt nền móng định hình đường hướng phát triển của EU trong bối cảnh liên minh này đang rất cần sự gắn kết và thống nhất.