(VOV5) - Hôm nay, nước Mỹ kỷ niệm trong 13 năm xảy ra thảm kịch khủng bố chấn động thế giới. Hơn một thập kỉ đã trôi qua, tưởng chừng như cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ phát động đã đến hồi kết thúc sau vụ tiêu diệt Osama bin Laden năm 2011, thế nhưng giờ đây nước Mỹ lại đang phải đối mặt với một thách thức mới mang tên Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Nếu xét cả về tiềm lực tài chính lẫn mức độ tàn bạo, IS đang nổi lên là mối nguy hiểm mới và 13 năm sau ngày 11/9, nước Mỹ lại một lần nữa đối mặt với nguy cơ khủng bố.
Đúng ngày này cách đây tròn 13 năm, ngày 11/9/2001, 19 tên không tặc cướp 4 máy bay Boeing chở khách và tấn công vào Lầu Năm góc và làm sụp đổ hoàn toàn Tòa tháp đôi ở Trung tâm Thương mại Thế giới, khiến khoảng 3.000 người thuộc hơn 90 quốc gia khác nhau thiệt mạng. Cả thế giới không khỏi bàng hoàng khi chứng kiến Tòa tháp đôi sừng sững bốc cháy ngùn ngụt và sụp đổ trong chớp mắt. Vụ tấn công đã giáng một đòn mạnh mẽ, làm chao đảo đất nước hùng mạnh nhất thế giới và khiến tất thảy mọi thứ trong xã hội Mỹ thay đổi rất nhiều kể từ ngày đó.
|
Toàn cảnh toàn Tháp Đôi sụp đổ nhìn từ trên cao. (Ảnh: Getty) |
Chống khủng bố-ưu tiên hàng đầu của chính quyền Washington
Trước khi xảy ra sự kiện 11/9/2001, nước Mỹ dường như không bận tâm với chủ nghĩa khủng bố hay chủ nghĩa hồi giáo cực đoan, không coi đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Nhưng sau “ngày đen tối”, mọi thứ đều thay đổi. 13 năm qua, nước Mỹ đã dồn nhiều sức lực cho cuộc chiến chống khủng bố. Ngân sách chi cho quốc phòng tăng gấp đôi, hàng loạt cơ quan phụ trách an ninh được thành lập, ngành hàng không tiêu tốn hàng tỉ USD mỗi năm cho vấn đề an ninh hàng không. Và tại các chương trình nghị sự của chính quyền Washington, khủng bố luôn được đặt ở vị trí trung tâm của các tranh luận. Không chỉ thế, Quốc hội Mỹ còn trao nhiều quyền hơn cho bộ máy hành pháp và cho phép các cơ quan đó can thiệp sâu vào nhiều khía cạnh đời tư của người dân, bao gồm cả nghe trộm điện thoại cũng như đọc lén thư tín. Sự quyết liệt có phần hơi cực đoan của chính quyền Mỹ đã gây nên làn sóng phản ứng mạnh mẽ trong bộ phận dân chúng.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận, 13 năm qua, nỗ lực của Washington phần nào đã có hiệu quả. Bằng chứng là hàng loạt âm mưu khủng bố đã bị phát hiện và phá vỡ. Đặc biệt là việc tiêu diệt tên trùm khủng bố của mạng lưới khủng bố al-Qaeda Osama bin Laden năm 2011 đã ghi một dấu ấn trong cuộc chiến chống khủng bố của chính quyền Washington.
Mối nguy hiểm mới mang tên IS
Dù đạt được một số kết quả nhất định trong cuộc chiến chống khủng bố, thế nhưng thực tế, nước Mỹ chưa bao giờ quên được quá khứ và bóng ma khủng bố vẫn luôn hiện hữu. Sự trỗi dậy của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng tại Iraq và Syria trong vòng nửa năm trở lại đây, lại một lần nữa đặt nước Mỹ trước nguy cơ báo động cao. Khác với Al-Qaeda hay các tổ chức khủng bố khác trước đây, IS có tiềm lực tài chính rất mạnh. Lực lượng này không hề thiếu tiền từ các hoạt động trên vùng lãnh thổ mà chúng kiếm soát, trong đó có các hoạt động khai thác dầu, khí đốt và điện cũng như bắt cóc công dân nước ngoài đề đòi tiền chuộc. Với khoảng 50 nghìn quân ở Syria, 10 nghìn quân ở Iraq, IS đã đánh chiếm và kiểm soát nhiều khu vực lãnh thổ rộng lớn, trải dài từ Iraq tới Syria. Nguy hiểm hơn, nhiều nhóm phiến quân có liên hệ với Al-Qaeda đang gia nhập IS, biến lực lượng này thành một mạng lưới khủng bố toàn cầu. Vụ hành quyết man rợ hai nhà báo Mỹ là “giọt nước tràn ly” khiến cộng đồng quốc tế vô cùng căm phẫn và thúc đẩy ra đời một liên minh chống khủng bố trên phạm vi toàn cầu.
Nước Mỹ tạo liên minh, tăng sức mạnh chống khủng bố
Xác định IS là mối nguy hiểm lớn nhất từ trước đến nay, trước thềm kỷ niệm sự kiện 11/9 năm nay, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công bố kế hoạch đối phó và tiêu diệt IS trước toàn thể công chúng và các nhà lập pháp. Chiến lược này bao gồm các biện pháp quân sự, ngoại giao và kinh tế, đồng thời nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc liên kết với các nước trong thế giới Arab. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đến Trung Đông để xây dựng một liên minh rộng lớn đề đương đầu với IS. Hiện đã có hơn 40 quốc gia sẵn sàng tham gia liên minh do Mỹ đứng đầu. Không chỉ tuyên bố sẵn sàng cử lực lượng tham chiến, nhiều nước còn cam kết hỗ trợ tài chính, cứu trợ nhân đạo cho dân thường trong cuộc chiến.
Như vậy, có thể thấy nước Mỹ không hề đơn độc trong cuộc chiến chống IS bởi đây không chỉ là mối đe dọa của riêng nước Mỹ mà đối với cả các quốc gia khác trên toàn cầu. Tuy nhiên, với những lợi thế mà IS đang sở hữu, các nhà phân tích nhận định nếu như để tiêu diệt Al-Qaeda mất 10 năm thì nước Mỹ phải mất tới 20 năm mới đánh bại được IS. Bên cạnh đó, mối quan hệ vốn không tốt đẹp giữa Mỹ-Iran nhiều năm qua, hay quan hệ xấu đi nghiêm trọng giữa Nga với Mỹ và phương Tây hiện nay xung quanh vấn đề Ukraine, chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của liên minh chống khủng bố.
Rõ ràng là mục tiêu để nước Mỹ bình yên vẫn còn xa vời. Sự trỗi dậy của lực lượng nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đang đưa Mỹ và cả thế giới sang một giai đoạn thử thách mới, chắc chắn còn nhiều cam go./.