Những phong trào quốc tế ủng hộ ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Sự kiện Hiệp định Paris về hòa bình ở Việt Nam 27/1/1973, văn bản pháp lý quốc tế đầu tiên, trong đó Mỹ buộc phải cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền và thống nhất của dân tộc Việt Nam.

Hiệp định Paris về hòa bình ở Việt Nam không chỉ có ý nghĩa trọng đại trong lịch sử Việt Nam, mà còn là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ quốc tế. Cuộc đấu trí, đấu bản lĩnh lâu dài gian khổ nhưng rất hào hùng của ngoại giao Việt Nam đi đến thành công cũng có vai trò, sự hỗ trợ tích cực của những người bạn quốc tế yêu chuộng hòa bình, công lý. Dù đóng góp công khai hay thầm lặng, họ đã cùng Việt Nam làm nên lịch sử.

Những phong trào quốc tế ủng hộ ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam - ảnh 1Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris, ngày 27.1.1973. Ảnh tư liệu

Đàm phán Hiệp định Paris diễn ra vào thời điểm phong trào ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam diễn ra rất mạnh ở Pháp. Vào thời điểm cuộc đàm phán diễn ra cam go thì quân đội Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân lớn nhất từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai vào mùa đông năm 1972. Những người yêu chuộng hòa bình ở Pháp đã lên án kịch liệt hành động tàn bạo của quân đội Mỹ.

Sự ủng hộ và đoàn kết quốc tế

Con số 52 tổ chức hữu nghị chống chiến tranh thường xuyên tiến hành biểu tình chống chiến tranh ở Việt Nam đã nói lên sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân Pháp yêu chuộng hòa bình đối với Việt Nam.

Những phong trào quốc tế ủng hộ ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam - ảnh 2Các đại biểu tham gia chương trình “Gặp gỡ hữu nghị Hiệp định Paris 1973 - Ôn lại quá khứ, hướng tới tương lai” diễn ra ngày 13/1 tại Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thư/qdnd.vn

Tại Choisy-le-Roi, nơi cách đây 50 năm đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa đã lưu lại suốt gần 5 năm đàm phán Hiệp định Paris, giờ đây vẫn còn đó những dấu ấn của lịch sử với căn nhà đoàn đàm phán từng ở. Một quảng trường lớn mang tên “Hiệp định Paris” được khánh thành vào năm 2013 và biểu trưng hòa bình cao vút giữa nền trời Choisy-le-Roi, như lời khẳng định tình hữu nghị với Việt Nam mãi còn nơi đây.

Bà Jéanine Rubin, một trong những người từng tình nguyện phục vụ bữa ăn cho đoàn đàm phán Việt Nam 50 năm về trước, nhớ lại: "Khi ấy, tôi đang làm phục vụ trong trường học, Đảng Cộng sản đề nghị tôi có muốn làm việc tình nguyện hỗ trợ cho đoàn đàm phán của Việt Nam hay không, và tôi đã đồng ý. Dù thời gian tiếp xúc không nhiều, nhưng những cảm nhận lúc đó về đoàn sau này đã là động lực khiến tôi quyết định gia nhập Đảng Cộng sản Pháp và tham gia các hoạt động hữu nghị Pháp- Việt cho đến bây giờ. Tôi đã có những kỷ niệm rất đẹp mà tôi ghi dấu trọn đời".

Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ và đoàn kết quốc tế rất có ý nghĩa, kể cả sự ủng hộ của nhân dân Mỹ đòi lập lại hòa bình cho Việt Nam. Phong trào phản đối chiến tranh tại Việt Nam lan rộng ra khắp thế giới và đây là một yếu tố tinh thần rất quan trọng để Việt Nam kiên cường hơn cả ở mặt trận quân sự và ngoại giao, đó là đàm phán ở Paris.

Cựu chiến binh Hải quân Mỹ John Terzano, người đã hai lần chiến đấu ở Việt Nam, người sau này cùng với các ông John Kerry và Bobby Muller là thành viên tích cực của tổ chức "Cựu binh Mỹ phản đối chiến tranh Việt Nam", cho biết: "Một tháng trước khi kí kết hiệp định, tôi rời Việt Nam trên một tàu quân trục của Mỹ. Tôi chưa bao giờ vui đến vậy vì được rời khỏi một nơi mà ký ức đầu tiên khi tôi đặt chân đến (Việt Nam) năm 1971-1972 chưa bao giờ là tốt đẹp. Nhưng điều mà tôi không thể ngờ lúc bấy giờ là tôi sẽ trở lại Việt Nam nhiều lần, mà mỗi lần trở lại này lại thay đổi suy nghĩ của tôi như lần đầu vậy. Chúng tôi khi ấy nhận ra còn nhiều điều phải làm cho những cựu binh cũng như với Việt Nam để bình thường hóa mối quan hệ hai nước".

Việt Nam luôn tri ân bạn bè quốc tế

Kể từ sau khi kết thúc chiến tranh đến nay, ông John Terzano và những người bạn Mỹ luôn tích cực cho mối quan hệ Việt-Mỹ, như: vận động Mỹ gỡ bỏ cấm vận Việt Nam, hỗ trợ nạn nhân da cam Việt Nam, nạn nhân bom mìn… với mong muốn phần nào hàn gắn vết thương chiến tranh ở đất nước ông yêu mến. Trở lại Việt Nam lần này nhân dịp Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày ký kết Hiệp định Paris, ông John cùng nhiều người bạn quốc tế và Việt Nam lại được sống trong bầu không khí thời khắc lịch sử năm xưa.

Bà Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, chia sẻ: "50 năm đã qua đi nhưng các bạn vẫn giữ nguyên bầu nhiệt huyết, vẫn vẹn nguyên tình yêu đối với đất nước và con người Việt Nam và vẫn sẵn sàng cùng Việt Nam huy động tình đoàn kết quốc tế để ủng hộ Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phải nói đây là những người bạn không có tuổi".

Trong thông điệp gửi đến bạn bè quốc tế nhân kỷ niệm 50 năm ngày Hiệp định Paris được ký kết, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, thành viên chủ chốt trên bàn đàm phán năm ấy, khẳng định: "Chúng tôi ghi nhớ những bạn Mỹ tự thiêu để phản đối chiến tranh, chúng tôi cũng không bao giờ quên hàng triệu người ở khắp nơi trên thế giới đã bất chấp đàn áp, tù tội, tuần hành và biểu tình để đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh. Tất cả sự đoàn kết và ủng hộ của các bạn là sức mạnh giúp chúng tôi trên chiến trường cũng như trên bàn hội nghị trong những ngày đấu tranh gay go, khốc liệt".

50 năm đã qua đi, những người trực tiếp hay gián tiếp tham gia đoàn đàm phán Việt Nam năm xưa, những người bạn Pháp hay Mỹ khi ấy nay cũng người còn, người mất hoặc già yếu. Nhưng lịch sử ghi nhận họ, với những hành động cá nhân như những mảnh ghép riêng rẽ, đã tạo thành bức tường thành vững chắc cùng ý chí của nhân dân Việt Nam bảo vệ thành công hòa bình cho dân tộc Việt Nam. Họ cũng trở thành một phần của lịch sử, nhân chứng sống động cho tình hữu nghị giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu