Sau 2 tuần khởi tranh, Olympic Paris để lại ấn tượng về sự hoành tráng, độc đáo của các địa điểm thi đấu, cùng bầu không khí lạc quan tích cực mang lại cho nước Pháp. Sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh cũng chứng kiến một số kỷ lục thế giới mới được thiết lập.
Chính thức khởi tranh từ ngày 26/07, Olympic Paris đang bước vào những ngày thi đấu cuối cùng, trước khi bế mạc vào tối 11/08.
Màn trình diễn ánh sáng tại khu vực Tháp Eiffel trong Lễ Khai mạc Olympic Paris 2024. Ảnh: THX/TTXVN |
Thành công ngoài mong đợi với nước Pháp
Olympic Paris mở màn bằng một lễ khai mạc nhiều cảm xúc. Bất chấp các tranh cãi sau đó về một màn trình diễn bị chỉ trích là có xu hướng nhạo báng tôn giáo, lễ khai mạc vẫn được đa số công chúng và giới chuyên gia đánh giá tích cực. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử các kỳ Olympic hiện đại lễ khai mạc không diễn ra trong sân vận động và việc nước Pháp lựa chọn sông Seine và nhiều công trình lịch sử nổi tiếng của thủ đô Paris nằm hai bên bờ sông, như: cầu Mới (Pont-Neuf), cầu Alexandre III, tháp Eiffel, quảng trường Trocadero… làm sân khấu cho lễ khai mạc đã tạo ra các ấn tượng đặc biệt về cảm xúc và nghệ thuật.
Tiếp đến, địa điểm tổ chức các môn thi đấu cũng mang lại hình ảnh đẹp cho nước Pháp, khi nhiều công trình vốn là danh thắng du lịch được biến thành nơi tranh tài, như: Cung điện Versailles, Cung điện lớn, quảng trường Concorde, sân quần vợt Roland Garros… Tất cả những điều này giúp Olympic Paris được đánh giá là kỳ Olympic có những địa điểm thi đấu đẹp nhất trong lịch sử phong trào Olympic hiện đại, đồng thời làm nổi bật quyền lực mềm của nước Pháp thông qua di sản văn hóa và kiến trúc đồ sộ.
Thủ tướng Pháp, Gabriel Attal. Ảnh: AFP/TTXVN |
Một điểm cộng khác với Olympic Paris là công tác an ninh, vốn là mối lo lớn nhất với nước Pháp trước khi sự kiện khởi tranh. Sau 2 tuần thi đấu, Pháp đã bảo đảm tốt an ninh tại tất cả các địa điểm thi đấu trải rộng trên khắp các vùng lãnh thổ của Pháp, kể cả các vùng lãnh thổ hải ngoại. Thủ tướng Pháp, Gabriel Attal, đánh giá: “An ninh là yếu tố cơ bản làm nên thành công của kỳ Olympic và đến thời điểm này, Olympic Paris đã thành công trên mọi phương diện, đặc biệt là phương diện an ninh”.
Olympic cũng tạo cú hích tích cực cho kinh tế Pháp. Trong phân tích đưa ra hôm 04/08, Viện Thống kê và Nghiên cứu kinh tế quốc gia Pháp (INSEE) nhận định Olympic Paris có thể giúp nâng tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Pháp thêm 0,3 điểm phần trăm trong quý III năm nay, qua đó giúp tốc độ tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn này đạt 0,5%.
Về lâu dài, ước tính tác động kinh tế của Olympic đối với vùng Ile-de-France, bao gồm thủ đô Paris, trong 1 thập kỷ tới sẽ tương đương khoảng 6,7-11,1 tỷ euro (6,1-10,2 tỷ USD).
Về mặt thể thao, đoàn thể thao Pháp gặt hái thành công lớn trên sân nhà, khi giành số lượng huy chương lớn nhất trong các kỳ tham dự Olympic, tính đến ngày 08/08, (51 huy chương, trong đó có 13 huy chương vàng), đồng thời đóng góp ngôi sao nổi bật nhất cho kỳ Olympic này là Léon Marchand, người giành 4 Huy chương Vàng bơi lội và tạo nên cơn sốt trên toàn nước Pháp. Theo Patrick Mignon, nhà xã hội học chuyên nghiên cứu về thể thao và văn hóa, thuộc Viện Thể thao và thành tích quốc gia Pháp (INSEP), thành công trên nhiều phương diện của Olympic Paris khơi dậy niềm tự hào của người dân Pháp và đoàn kết nước Pháp vào thời điểm nước Pháp bị chia rẽ nhất kể từ năm 1968, sau các biến động chính trị lớn (phe cực hữu thắng bầu cử châu Âu; Quốc hội Pháp bị giải tán) diễn ra chỉ vài tuần trước khi Olympic khởi tranh.
Kỷ lục thế giới và dấu ấn các huyền thoại
Trong lịch sử các kỳ Olympic hiện đại, vai trò của các ngôi sao luôn rất quan trọng trong việc đo lường mức độ thành công của giải đấu bởi đây chính là những người tạo nên sức hút lớn nhất cho Olympic, cả trên phương diện truyền thông lẫn lợi ích kinh tế. Trong các kỳ Olympic gần đây, vai trò biểu tượng này được trao cho các huyền thoại, như: Michael Phelps (Mỹ, môn bơi) hay Usain Bolt (Jamaica, điền kinh). Tại Olympic Paris, vận động viên bơi của nước Pháp chủ nhà, Leon Marchand chắc chắn là người tỏa sáng nhất. Không chỉ giành đến 4 huy chương Vàng (HCV) và 1 huy chương Đồng cho đoàn thể thao Pháp, Léon Marchand còn lập nên những kỷ lục mà ngay cả huyền thoại Michael Phelps cũng không làm được, đó là giành cú đúp HCV ở nội dung 200m bơi ếch và 200m bơi bướm trong cùng 1 ngày thi đấu, đồng thời phá kỷ lục Olympic ở nội dung 200m bơi hỗn hợp cá nhân nam.
Thần tượng thể thao mới của nước Pháp chia sẻ: “Bảng thành tích gần như hoàn hảo đối với tôi và cũng rất tích cực đối với đội tuyển Pháp. Chúng tôi thực sự có một thế hệ vận động viên giỏi và đã thành công trong việc đạt được các thành tích trong 3-4 năm qua. Về mặt cá nhân, với tôi là quá tuyệt vời, 4 HCV là thành tích vượt quá những gì tôi mơ ước”.
Cũng trong môn bơi, nội dung được coi là “Nữ hoàng” của các kỳ Olympic, một huyền thoại khác là nữ VĐV Katie Ledecky của Mỹ cũng lập kỷ lục khi giành HCV Olympic thứ 9 qua 4 lần tham dự Olympic nhờ chiến thắng nội dung sở trường 800m tự do. Với thành tích này, Katie Ledecky trở thành nữ VĐV giàu thành tích nhất lịch sử Olympic, ngang nữ VĐV thể dục dụng cụ Liên Xô, Larisa Latynina. Một kỷ lục khác cũng rất đáng chú ý trong môn bơi là thành tích 46 giây 40 trong nội dung 100m tự do nam của VĐV Trung Quốc, Pan Zhanle. Đây không chỉ là kỷ lục thế giới mới tại nội dung này mà còn là thành tích mà trước đây nhiều chuyên gia cho rằng con người khó có thể đạt được, tức bơi 100m dưới 47 giây. Pan Zhanle sau đó tái khẳng định danh hiệu VĐV bơi nhanh nhất thế giới khi cùng các đồng đội giành HCV nội dung hỗn hợp 4x100m nam, trong đó VĐV Trung Quốc bơi 100m cuối thậm chí còn nhanh hơn khi bơi nội dung đơn, với 45 giây 92.
Trong các môn thể thao khác, nhiều huyền thoại cũng ghi dấu ấn. Trong môn quần vợt, tay vợt người Serbia, Novak Djokovic hoàn tất bộ sưu tập tất cả các danh hiệu lớn trong sự nghiệp khi giành HCV nội dung đơn nam, qua đó khẳng định vị thế là tay vợt giàu thành tích nhất lịch sử quần vợt. Tại môn vật, huyền thoại người Cuba, Mijain Lopez cũng đi vào lịch sử khi trở thành người đầu tiên giành HCV tại 5 kỳ Olympic.