Những biến chuyển trong giải quyết vấn đề biển Đông năm 2013

Ánh Huyền
Chia sẻ

(VOV5) - Trong thời gian qua, các quốc gia trong khu vực đã nỗ lực áp dụng các nguyên tắc và biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, dựa trên cơ sở của luật pháp quốc tế. 

(VOV5) - Trong thời gian qua, các quốc gia trong khu vực đã nỗ lực áp dụng các nguyên tắc và biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, dựa trên cơ sở của luật pháp quốc tế. 

Năm 2013, khu vực biển Đông, tuy vẫn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn nhưng tình hình cũng có phần được cải thiện. Một động thái tích cực là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã lấy lại được đoàn kết và uy tín trong vấn đề Biển Đông, chính thức khởi động tham vấn với Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) và đặc biệt, vấn đề biển Đông đã thực sự trở thành mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế. Bài viết của Ánh Huyền “Những biến chuyển trong giải quyết vấn đề biển Đông năm 2013”.

Biển Đông là địa bàn chiến lược quan trọng không chỉ đối với các nước trong khu vực mà còn cả của châu Á - Thái Bình Dương và Mỹ. Chính vì tầm quan trọng chiến lược như vậy mà khu vực này luôn tiềm ẩn nhiều bất ổn. Trong thời gian qua, các quốc gia trong khu vực đã nỗ lực áp dụng các nguyên tắc và biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, dựa trên cơ sở của luật pháp quốc tế.

Đồng thuận vì một khu vực hòa bình, an ninh và hợp tác

Một bước tiến rõ rệt nhất trong năm 2013 là các nước ASEAN có sự đồng thuận, nhất trí cao về vấn đề Biển Đông. Điều này thể hiện qua việc Biển Đông trở thành một đề tài được thảo luận rộng rãi tại các hội nghị trong khuôn khổ ASEAN và được nêu rõ ràng trong văn kiện của các hội nghị ASEAN. Trong các văn kiện hay tuyên bố Chủ tịch, ASEAN luôn khẳng định tầm quan trọng của việc đảm bảo hòa bình, ổn định và an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; tôn trọng luật pháp quốc tế. Đây là bước chuyển mạnh mẽ của ASEAN trong lập trường về Biển Đông so với năm 2012. Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh cho biết: Đây là quan điểm của ASEAN nói chung và được các nước, trong đó có cả Trung Quốc, tán thành. Môi trường hòa bình, an ninh ở khu vực gắn liền với hòa bình ổn định và an ninh ở biển Đông. Đây là mối quan tâm chung. Đó là phải tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước luật biển của Liên hợp quốc năm 1982. Đồng thời, phải bảo đảm rằng, thực hiện cho đầy đủ những cam kết và thỏa thuận đã đạt được mà trước hết là Tuyên bố và cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc và Tuyên bố về 6 nguyên tắc đối với vấn đề Biển Đông của ASEAN được thông qua tháng 7-2012.

Thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận quốc tế

Vấn đề biển Đông trong năm 2013 nhận được sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng quốc tế. Số lượng các cuộc hội thảo, toạ đàm về Biển Đông tăng lên rõ rệt và diễn ra ở hầu khắp các châu lục. Vấn đề biển  Đông cũng chiếm nhiều thời lượng bàn thảo tại các diễn đàn toàn cầu cũng như khu vực. Dưới góc độ chính trị, pháp lý, lịch sử của các tranh chấp ở Biển Đông, các học giả, các nhà nghiên cứu, chuyên gia pháp lý và các luật gia có uy tín trên thế giới đưa ra các ý kiến đánh giá, phân tích đa chiều về vấn đề Biển Đông, nguy cơ bất ổn và chạy đua vũ trang ở khu vực, khả năng giải quyết các vấn đề hiện nay nhằm góp phần giúp các nước đang có tranh chấp sớm tìm ra biện pháp giải quyết xung đột một cách hòa bình, bền vững và cùng có lợi.

Đáng chú ý là hầu hết các quốc gia đề xuất giải quyết tranh chấp ở Biển Đông đều khẳng định phải dựa trên luật pháp quốc tế và Công ước về Luật Biển năm 1982. Không một nước nào có quyền đưa ra yêu sách của mình đi ngược lại cơ sở pháp lý và những quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Những biến chuyển trong giải quyết vấn đề biển Đông năm 2013 - ảnh 1

Trước mối quan tâm đông đảo của cộng đồng quốc tế, năm 2013, Trung Quốc đã đồng ý cùng các nước ASEAN tiến hành tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) và cuộc tham vấn chính thức đầu tiên giữa Trung Quốc và ASEAN về COC đã được tổ chức tại Tô Châu, Trung Quốc vào trung tuần tháng 9/2013. Mặc dù, đây mới chỉ là vòng tham vấn nhưng là bước tiến quan trọng trong tiến trình tìm kiếm một giải pháp hòa bình trên biển Đông. Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh nhấn mạnh: COC nhấn mạnh được những nguyên tắc tích cực, tiến bộ đã có trong DOC, đặc biệt là tuân thủ luật pháp quốc tế, tuân thủ công ước luật biển, trong đó đặc biệt tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển. Song, để COC có thể bảo đảm được tốt hơn hòa bình ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực Biển Đông thì COC, một mặt là kế thừa DOC, mặt khác phải được nâng cao hơn so với DOC, đặc biệt rằng, nó phải nhấn mạnh hơn Luật pháp quốc tế và Công ước luật biển, phải có cơ chế để giám sát và bảo đảm thực thi các quy định về bộ quy tắc các ứng xử trong tương lai.

Việt Nam với trách nhiệm gìn giữa hòa bình ở Biển Đông

Năm 2013 đã khép lại với những thành tựu đối ngoại quan trọng của Việt Nam, trong đó có việc gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Trong năm 2013, các hoạt động kinh tế vẫn diễn ra bình thường trên các vùng đặc quyền kinh tế, các vùng biển của Việt Nam, đồng thời Việt Nam cũng đấu tranh với các biện pháp ngăn cản ngư dân hoạt động trên vùng biển thuộc chủ quyền.

Trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam luôn khẳng định lợi ích quốc gia không thể tách rời khỏi lợi ích của khu vực. Không phải chỉ những quốc gia có biển mới liên quan mà tất cả các nước thành viên cần tăng cường chia sẻ trách nhiệm duy trì hòa bình trên Biển Đông. Đây cũng chính là lập trường nhất quán trước sau như một của Nhà nước và nhân dân Việt Nam./.


Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu