(VOV5)- Vụ hành quyết 2 con tin đã đặt chính quyền Tokyo đứng trước sự lựa chọn đầy khó khăn. Rút lui khỏi cuộc chiến chống IS để bảo đảm an toàn cho công dân hay tiếp tục tiến hành các bước đi nhằm khẳng định sự không khoan nhượng trước chủ nghĩa khủng bố là thách thức chính trị lớn với chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản. Chắc chắn sẽ không có sự thay đổi đáng kể nào trong chính sách an ninh của Nhật Bản thời gian tới và nước này sẽ không từ bỏ các cam kết của mình trong cuộc chiến chống khủng bố.
Nhật Bản, quốc gia vốn được coi là một quốc gia an toàn kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, vừa phải trải qua cú sốc khi hai công dân của nước này bị các phần tử Hồi giáo cực đoan tại Syria giết hại. Sau khi vụ việc xảy ra đã có những lo ngại về sự an toàn của công dân Nhật ở trong và ngoài nước trong tương lai cũng như mức độ ủng hộ của công chúng đối với chính sách đối ngoại, nhất là việc thông qua Hiến pháp trong đó cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật bản (SDF) đóng một vai trò chủ động, tích cực hơn ở nước ngoài.
Không từ bỏ cuộc chiến chống khủng bố
Nhìn lại lịch sử, đây không phải là lần đầu tiên Nhật Bản đối mặt với một cuộc khủng hoảng như vậy. Năm 1992, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua một đạo luật cho phép nước này cử binh lính và các lực lượng khác tham gia các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Một năm sau, một cảnh sát Nhật đã bị sát hại tại Campuchia. Năm 2004, việc một con tin Nhật Bản bị giết hại tại Iraq sau khi Nhật Bản cử hàng trăm binh lính tới Iraq nhằm hỗ trợ công cuộc tái thiết của Iraq, đã làm gia tăng sức ép đòi rút quân về nước lên chính phủ. Tuy nhiên, sứ mệnh này vẫn được tiếp tục tới năm 2006.
Một thập kỷ sau, sau khi trở lại nắm quyền vào năm 2012, Thủ tướng S.Abe tiếp tục nỗ lực thúc đẩy Nhật Bản đóng một vai trò lớn hơn trên trường quốc tế. Trong 2 năm qua, ông S.Abe đã có nhiều chuyến công du nước ngoài hơn những người tiền nhiệm, gặp gỡ hàng chục người đồng cấp ở khu vực Mỹ Latinh, Châu Phi, Châu Âu và Đông Nam Á. Chuyến đi gần đây nhất của ông là tới Trung Đông, nơi ông cam kết cung cấp 200 triệu USD viện trợ nhân đạo cho những quốc gia đang chiến đấu chống lại IS. Đây cũng là cái cớ để một số chính trị gia đối lập ở Nhật lên án chính phủ cầm quyền, cho rằng gói viện trợ 200 triệu USD cho cuộc chiến chống khủng bố là nguyên nhân khiến công dân nước này “gặp nạn”, đẩy Tokyo vào cuộc khủng hoảng con tin chưa từng có.
Bất chấp những cáo buộc, Thủ tướng Abe vẫn kiên định với chủ trương chống khủng bố. Trong buổi họp với Hội đồng an ninh Quốc gia Nhật Bản ngay sau khi con tin thứ hai của Nhật bị sát hại, Thủ tướng S.Abe khẳng định Nhật Bản không khoan nhượng trước chủ nghĩa khủng bố và trong một số trường hợp cụ thể có thể đưa ra những chính sách phù hợp với chính sách đối ngoại, phù hợp với lợi ích quốc gia.
Lá cờ rủ để tưởng nhớ hai con tin người Nhật bị IS hành quyết trước cửa văn phòng Thủ tướng Shinzo Abe (Ảnh Reuters)
Định hình thế trận an ninh mới
Vụ IS sát hại hai con tin người Nhật không khiến nước này chùn bước, mà ngược lại càng thôi thúc Thủ tướng Shinzo Abe và cơ quan lập pháp kiên quyết hơn trong việc thay đổi Hiến pháp để cho phép quân đội có thể tiến hành các chiến dịch giải cứu con tin ở nước ngoài. Hiện, chính phủ của Thủ tướng S. Abe đang xúc tiến soạn thảo một đạo luật nhằm đẩy nhanh việc triển khai quân đội Nhật Bản ra nước ngoài. Theo đó, nếu đạo luật được Quốc hội thông qua vào quý 1 năm nay sẽ cho phép quân đội nước này được tham gia hỗ trợ các đồng minh của mình ở nước ngoài và coi đó là sự phòng vệ tập thể. Đảng Dân chủ của Thủ tướng S.Abe đang chiếm đa số ghế trong Quốc hội, vì thế cơ hội gần như là chắc chắn để ông S.Abe có thể thực hiện được mục tiêu của mình.
Bối cảnh thách thức an ninh đối với Nhật Bản và khu vực đang nổi lên và cán cân quyền lực trong khu vực đang có những thay đổi, đòi hỏi Nhật Bản cần phải theo đuổi chính sách an ninh linh hoạt hơn. Cuộc khủng hoảng con tin đem đến một thực tế Tokyo cần có một thế trận an ninh sắc bén và chủ động hơn, thậm chí mở rộng tầm ảnh hưởng ra khỏi khu vực Đông Á. Để biến điều này thành hiện thực, Tokyo còn rất nhiều việc cần làm. Chính phủ cần kiểm soát khủng hoảng hiệu quả hơn thông qua những tổ chức và nguồn lực mới như Hội đồng An ninh Quốc gia. Việc điều phối lại lực lượng phòng vệ và an ninh để giải quyết những mối hiểm họa mới hình thành cũng cần được ưu tiên. Qua sự việc này, Chính phủ Nhật Bản càng nhận đuợc sự ủng hộ của người dân trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố.
Cuộc khủng hoảng con tin lần này là động lực giúp tăng cường hơn nữa quyết tâm của ông S.Abe nhằm hiện thực hóa chiến lược "hòa bình chủ động", đưa Nhật Bản trở thành một quốc gia có tầm ảnh hưởng trên toàn cầu./.