Ngụy tạo để hiện thực hóa yêu sách đường lưỡi bò

Chia sẻ
(VOV5) - Trung Quốc không những đã bất chấp lẽ phải, không rút giàn khoan và các tàu hộ tống, bảo vệ ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, mà còn ngang ngược cho rằng giàn khoan Trung Quốc đang hoạt động ở vùng thuộc chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc. 

(VOV5) - Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam rõ ràng là đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền tài phán của Việt nam theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển 1982. Song, Trung Quốc không những đã bất chấp lẽ phải, không rút giàn khoan và các tàu hộ tống, bảo vệ ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, mà còn ngang ngược cho rằng giàn khoan Trung Quốc đang hoạt động ở vùng thuộc chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc. Về điều này, các chuyên gia nghiên cứu về Luật biển cho rằng Trung Quốc đang ngụy tạo để hiện thực hóa yêu sách đường lưỡi bò.

Ngụy tạo để hiện thực hóa yêu sách đường lưỡi bò - ảnh 1
Vị trí Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam


Trong diễn biến mới nhất, Đại sứ Trung quốc tại Hoa kỳ Thôi Thiên Khải khi trả lời kênh CNN của Mỹ cho rằng Trung Quốc đang tiến hành hoạt động khoan thăm dò ở khu vực cách đảo Tri Tôn của Trung Quốc 17 hải lý trong khi vùng biển này cách bờ biển Việt Nam 150 hải lý. Như vậy, giàn khoan của Trung Quốc không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Có thể khẳng định đây là lập luận ngụy biện và hoàn toàn sai trái.


 Lập luận hoàn toàn sai trái


Trên thực tế, khu vực mà Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 chỉ cách đảo Lý Sơn của Việt Nam khoảng 150 hải lý và nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam. Theo Tiến sỹ Nguyễn Toàn Thắng, Phó trưởng bộ môn Công pháp quốc tế, Trường Đại học Luật Hà nội, phân tích: "Ở đây cần phải nhận thấy, nắm bắt  được bản chất của vấn đề rằng  đảo Tri Tôn là một trong những cấu trúc địa chất thuộc quần đảo Hoàng Sa. Và đối với quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam đã có đầy đủ căn cứ pháp lý, chúng ta đã thực sự chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa một cách liên tục, hòa bình từ rất lâu rồi. Hay nói cách khác, quần đảo Hoàng Sa đã là một phần lãnh thổ của Việt Nam và đương nhiên Trung Quốc không thể có bất kỳ một cơ sở pháp lý hay lịch sử nào để có thể đưa ra những yêu sách về các vùng biển mà xuất phát từ quần đảo Hoàng Sa. Nếu quay trở lại lịch sử, vào năm 1956, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để chiếm một phần đảo phía Đông và vào năm 1974, Trung Quốc tiếp tục sử dụng vũ lực để chiếm phần còn lại của quần đảo Hoàng Sa. Cho nên, vào thời điểm hiện tại, mặc dù Trung Quốc hiện diện và tạm thời chiếm đóng trên thực tế quần đảo Hoàng Sa, nhưng sự chiếm đóng đó không tạo ra ý nghĩa pháp lý cho Trung Quốc và quần đảo Hoàng Sa vẫn thuộc một phần lãnh thổ và hoàn toàn thuộc về chủ quyền của Việt Nam".


Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban biên giới của Chính phủ, cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc ngụy biện khi cho rằng giàn khoan Hải Dương 981 hoạt động trong vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển 1982, quần đảo Hoàng Sa không phải là quốc gia quần đảo. Và đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa cũng không đáp ứng được tiêu chuẩn của điều 121 trong Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển 1982 vì không có những điều kiện thiên nhiên thích hợp cho con người sinh sống, không đủ điều kiện để vạch ra một đường cơ sở cho riêng đảo đó. Ông Trần Công Trục nhấn mạnh: "Đây rõ ràng là một sự đánh lộn con đen, mập mờ, và một cái bẫy để Trung Quốc muốn giành lấy sự thừa nhận gián tiếp về quan điểm sai lầm, lập luận và giải thích áp dụng sai Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển 1982 của Trung Quốc để biến không thành có, biến vùng không có tranh chấp thành vùng tranh chấp để chứng minh cho đường biên giới lưỡi bò rất phi lý của họ".


Cố tình suy diễn, gán ghép các sự kiện riêng biệt để biến không thành có


Một trong những luận điểm mà Trung Quốc thường dùng để biện minh cho hoạt động bất hợp pháp của họ trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là sử dụng công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958, gửi cho Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai. Trung Quốc đã dùng mọi thủ thuật để suy diễn ra rằng với công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, rõ ràng là chính phủ Việt Nam đã thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa) và quần đảo Trường Sa (mà Trung quốc gọi là Nam Sa). Về điều này, Tiến sỹ Trần Công Trục nêu rõ: "Nhìn một cách thẳng thắn vào sự thật thì trong công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi cho Thủ tướng Chu Ân Lai không có  từ nào nói rằng Việt Nam thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Thứ 2, về mặt pháp lý, năm 1958, thời điểm sau Hiệp định Geneva được ký kết, đất nước chúng ta tạm thời chia thành 2 miền, và hiệp định Geneva quy định rất rõ rằng phía Nam của vĩ tuyến 17, bao gồm cả các đảo, là thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng hòa, và phần phía Bắc của vĩ tuyến 17 thuộc quản lý của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mà 2 chính thể đó được Hiệp định Geneva thừa nhận là những thực thể trong quan hệ quốc tế, bình đẳng trong quan hệ quốc tế về mặt bảo vệ lãnh thổ, quản lý lãnh thổ của 2 miền Nam Bắc. Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, xét về mặt địa lý thì nằm hoàn toàn về phía Nam của vĩ tuyến 17, vì vậy trách nhiệm quản lý lãnh thổ này thuộc về chính phủ Việt Nam Cộng hòa với tư cách là đại diện cho nhà nước Việt Nam để thực hiện quyền quản lý đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo đúng thực chất, nguyên tắc pháp lý: Nhà nước Việt Nam chiếm hữu và thực thi chủ quyền 1 cách liên tục, hòa bình và thật sự".


Trung Quốc đang rơi vào thế yếu


Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam rõ ràng là đã vi phạm luật pháp quốc tế. Và việc Trung Quốc dùng mọi thủ đoạn để biện minh cho hành động sai trái của mình lại càng khiến Trung Quốc bị cộng đồng quốc tế xa lánh. Tiến sỹ Nguyễn Toàn Thắng nhấn mạnh: "Dễ dàng nhận thấy Trung Quốc đang rơi vào thế yếu bởi vì Trung Quốc trên thực tế không có cơ sở pháp lý. Nếu như đánh giá từ góc độ quan hệ quốc tế, những hành vi xâm lấn trên thực địa của Trung Quốc và đặc biệt là hành vi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam càng làm suy giảm vị trí và vai trò của Trung Quốc. Bởi vì, thứ nhất, Trung Quốc là thành viên thường trực Hội đồng bảo an, một trong những cơ quan đặc biệt quan trọng của Liên hiệp quốc. Thứ 2,Trung Quốc luôn luôn khẳng định mình là một quốc gia hòa bình, Trung Quốc trỗi dậy trong hòa bình. Nhưng trên thực tế, mọi hành vi của Trung Quốc thực hiện đều đi trái lại những cam kết của Trung Quốc".


Những phân tích ở trên một lần nữa khẳng định rằng việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép ở khu vực cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa là hành động vi phạm đến vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Với những hành vi này, Trung Quốc đã làm giảm lòng tin của các quốc gia trong khu vực và đặc biệt cũng làm ảnh hưởng đến lòng tin trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu