Nguy cơ gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Tình hình trên bán đảo Triều Tiên lại đang nóng lên từng ngày khi mới đây CHDCND Triều Tiên tiếp tục phóng một tên lửa đạn đạo thành công từ tàu ngầm và rơi xuống vùng nhận dạng phòng không của Nhật ở biển Nhật Bản.

(VOV5) - Tình hình trên bán đảo Triều Tiên lại đang nóng lên từng ngày khi mới đây CHDCND Triều Tiên tiếp tục phóng một tên lửa đạn đạo thành công từ tàu ngầm và rơi xuống vùng nhận dạng phòng không của Nhật ở biển Nhật Bản.


Đây là lần phóng tên lửa thứ 3 kể từ đầu năm nay nhằm đáp trả các hành động giữa Mỹ và các đồng minh trong khu vực mà Bình Nhưỡng cho là “khiêu khích”, đe dọa an ninh nước này. Vụ phóng tên lửa được đánh giá là thành công đem lại những quan ngại rất lớn cho cộng đồng quốc tế trong bối cảnh các bên liên tục đưa ra những đe dọa cứng rắn.

Nguy cơ gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên - ảnh 1
Một vụ phóng thử tên lửa từ tàu ngầm của Triều Tiên. (Nguồn: EPA/TTXVN)



Ngày 24/8, CHDCND Triều Tiên đã bắn thử một tên lửa đạn đạo chiến lược biển đối đất từ tàu ngầm. Lần bắn thử này đã thành công vì tên lửa bay xa khoảng 500 km. Tên lửa bay theo hướng đông bắc và lần đầu tiên rơi trong vùng nhận dạng phòng không của Nhật khoảng 80 km. Đây là lần bắn thử tên lửa đạn đạo chiến lược thứ ba kể từ đầu năm. Lần bắn thứ nhất vào ngày 23/4 thất bại. Tên lửa phóng từ độ sâu 10 m dưới biển chỉ bay được 30 km rồi phát nổ thành hai, ba mảnh trong không trung. Trong lần bắn thứ hai ngày 9/7, tên lửa thành công trong giai đoạn phóng ban đầu từ tàu ngầm nhưng phát nổ ở độ cao 10 km sau khi bay được vài km.


Theo đánh giá của các chuyên gia, với việc phóng tên lửa lần này, CHDCND Triều Tiên đã chứng tỏ sắp đạt được công nghệ bắn tên lửa và có thể triển khai tên lửa đạn đạo chiến lược từ năm tới thay vì chờ 2-3 năm như dự đoán trước.


Những cảnh báo sắc lạnh và động thái đáp trả cứng rắn


CHDCND Triều Tiên bắn thử tên lửa chiến lược trùng hợp với hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ba bên Nhật-Trung-Hàn tại Tokyo vào sáng 24/8. Đây là hội nghị ba bên đầu tiên của các bộ trưởng Ngoại giao ba nước kể từ tháng 3/2015, trong đó có nội dung thực hiện các phản ứng quốc tế đối với các hành động phát triển tên lửa đạn đạo của CHDCND Triều Tiên. Trước đó, ngày 22/8, CHDCND Triều Tiên đã phản ứng dữ dội sau khi Hàn Quốc và Mỹ tổ chức cuộc tập trận “Người bảo vệ tư do Ulchi” huy động khoảng 75.000 binh sĩ..

Nguy cơ gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên - ảnh 2
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un thị sát một vụ phóng thử tên lửa từ tàu ngầm. (Nguồn: Reuters/TTXVN)



Phản ứng của Bình Nhưỡng được cho là mạnh mẽ nhất từ trước tới nay bởi khác với những lần tập trận trước, quy mô cuộc tập trận lần này mở rộng hơn rất nhiều khi lần đầu tiên trong 10 năm qua, Mỹ điều động cả một phi đội máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer, cùng khoảng 300 nhân viên không lực để bảo trì máy bay. Song song với đó, Mỹ còn triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa trên đất liền THAAD tới huyện đảo Seongju của Hàn Quốc. Đáp trả lại những hành động này, Bình Nhưỡng đã đưa ra những tuyên bố vô cùng cứng rắn, cho biết nước này sẵn sàng ra đòn tấn công hạt nhân phủ đầu nhằm vào các lực lượng vũ trang Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Châng Un thậm chí kêu gọi thanh niên nước này trở thành một “quân đoàn cảm tử” để bảo vệ đất nước. Trong khi đó, để đối phó với những hành động của Bình Nhưỡng, Seoul cũng hối hả lên kế hoạch phòng bị. Tổng thống Hàn Quốc Pak Kye He hôm qua ra lệnh cho quân đội nước này duy trì tình trạng sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất đồng thời họp nội các để vạch ra những biện pháp hữu hiệu đối phó các năng lực hạt nhân và tên lửa đang gia tăng của CHDCND Triều Tiên. Các nghị sĩ Hàn Quốc cũng ra tuyên bố kêu gọi chính phủ xem xét khả năng đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân để đối phó các hành động khiêu khích đang gia tăng từ phía CHDCND Triều Tiên.


Bán đảo Triều Tiên bước vào một giai đoạn nguy hiểm mới


Theo quan điểm của nhiều chuyên gia, tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang có những diễn biến mới rất đáng lo ngại. Nguyên nhân của sự gia tăng căng thẳng đến từ những chính sách tăng cường đối phó của Mỹ và đồng minh ở khu vực và việc phớt lờ nhưng cảnh báo và lệnh trừng phạt của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc từ phía CHDCND Triều Tiên. Đáng lo ngại hơn, theo các chyên gia, hiện nay Bình Nhưỡng đã có khả năng chống trả mọi cuộc xâm lược của các lực lượng thù địch. Việc phóng thành công tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ tàu ngầm thông thường hôm 24/8 vừa qua đã tạo điều kiện để CHDCND Triều Tiên đủ khả năng trang bị tên lửa cho hạm đội tàu ngầm trong tương lai và phát triển những loại tàu ngầm mới hiện đại hơn. Bằng cuộc phóng thành công tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm, Bình Nhưỡng đang chứng tỏ rằng họ có khả năng phòng vệ. Đây cũng là bằng chứng cho thấy CHDCND Triều Tiên khôi phục hoạt động sản xuất plutonium cấp độ vũ khí tại lò thử nghiệm hạt nhân Yongbyon, vốn đã đã bị ngừng hoạt động theo các thỏa thuận đạt được tại cuộc đàm phán sáu bên cách đây mấy năm.


Rõ ràng, thực lực tên lửa và vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên đã hình thành và việc ngăn chặn nước này sở hữu vũ khí hàng loạt bằng các biện pháp cứng rắn chưa có hiệu lực thực tế. Sau rất nhiều những lệnh trừng phạt và phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, tình hình trên bán đảo Triều Tiên vẫn không có sự cải thiện. Do đó, những biện pháp hòa bình, những động thái phi quân sự phải nên được cộng đồng quốc tế nên hướng tới, để làm dịu bầu không khí căng thẳng ở khu vực này, vì rất có thể nếu không có sự kiềm chế của các bên sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu