Ngày quốc tế hạnh phúc 20/3: Việt Nam cam kết nâng cao chất lượng cuộc sống người dân

Hương Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Những người tổ chức Ngày quốc tế hạnh phúc cũng mong muốn mọi người dân Việt Nam hãy yêu thương, chia sẻ và chung tay phát triển an sinh xã hội.

(VOV5) - Năm nay là năm đầu tiên Việt Nam tổ chức Ngày quốc tế hạnh phúc (20/3), một năm sau khi Liên Hợp Quốc phát động sự kiện này trên toàn thế giới. Việc Việt Nam tổ chức Ngày quốc tế hạnh phúc ở quy mô quốc gia cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, hướng tới sự phát triển bền vững.

Ngày quốc tế hạnh phúc 20/3: Việt Nam cam kết nâng cao chất lượng cuộc sống người dân - ảnh 1
Ảnh minh họa (nguồn: internet)

Với chủ đề Yêu thương và chia sẻ, Ngày quốc tế hạnh phúc năm nay ở Việt Nam tập trung  vào các hoạt động như tuyên truyền, tổ chức mít tinh, hội thảo, hội nghị, tập huấn, tọa đàm, diễn đàn,  hội thi, các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch. Những người tổ chức Ngày quốc tế hạnh phúc cũng mong muốn mọi người dân Việt Nam hãy yêu thương, chia sẻ và chung tay phát triển an sinh xã hội.

Các chủ trương, chính sách lớn đều hướng tới hạnh phúc của dân

Xét về lịch sử, kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì hạnh phúc cho người dân là 1 trong 3 nội dung quan trọng luôn luôn được hướng tới, bên cạnh tiêu chí độc lập, tự do. Thực tế những năm qua cho thấy các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước để người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đảm bảo an sinh xã hội đã đạt được hiệu quả tích cực. Theo kết quả khảo sát "Thế giới hạnh phúc" do Viện thế giới thuộc Đại học Columbia (Hoa Kỳ) công bố cuối năm 2013, Việt Nam là quốc gia hạnh phúc thứ 63 trên thế giới trong tổng số 156 quốc gia được khảo sát. Khảo sát về mức độ hạnh phúc này được tiến hành dựa trên 3 tiêu chí: mức độ hài lòng với cuộc sống, tình trạng cảm xúc tích cực về ngày hôm trước và tình trạng cảm xúc tiêu cực về ngày hôm trước. Trong khi đó, theo một đánh giá khác của Quỹ kinh tế mới vào năm 2012 thì Việt Nam đứng thứ 2 về chỉ số hạnh phúc (HPI- Happy planet index) trên thế giới. Chỉ số này được đưa ra trên cơ sở đánh giá các yếu tố: mức độ hài lòng của người dân đối với cuộc sống hiện tại, tuổi thọ bình quân cao và tiêu thụ tài nguyên ít gây tác động tới môi trường. Ông Trần Hướng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đánh giá: Những năm vừa qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng như các ngành, các cấp quan tâm đến an sinh xã hội, giúp cho người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đó là kết quả rất rõ ràng. Việt Nam là một đất nước đang phát triển rất quan tâm đến đời sống nhân dân, do vậy, khi Liên Hợp quốc ra thông cáo về ý nghĩa của ngày 20/3, thì những tiêu chí của Liên Hiệp Quốc về Ngày quốc tế hạnh phúc như: sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân rất phù hợp với những tiêu chí về an sinh xã hội mà Việt Nam luôn hướng tới”.

Tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống người dân

Trong dịp phát động Ngày quốc tế hạnh phúc năm 2013, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon từng phát biểu rằng "Chúng ta cần một mô hình kinh tế mới nhận diện được tầm quan trọng của 3 yếu tố tối cần thiết cho sự phát triển bền vững. 3 yếu tố đó gồm: Xã hội - Kinh tế - Môi trường. Nếu làm được cả 3 điều này, chúng ta sẽ có một thế giới hạnh phúc".  Với cam kết rằng Ngày quốc tế hạnh phúc sẽ không chỉ là một ngày mang ý nghĩa biểu trưng đơn thuần, Việt Nam cùng 192 nước thành viên Liên hợp quốc ủng hộ cho ngày này bằng các nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững, nhằm đem lại hạnh phúc cho người dân. Điều này được minh chứng bằng những mục tiêu và giải pháp điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ trong năm 2014 mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề cập tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIII vừa qua: "Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Trung ương về một số vấn đề chính sách xã hội. Thực hiện đồng bộ các giải pháp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người lao động, nhất là lao động ở nông thôn. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án hướng vào người nghèo, vùng nghèo. Rà soát, bổ sung chính sách đặc thù hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng đặc biệt khó khăn, nhất là về lương thực, phát triển chăn nuôi, trồng và bảo vệ rừng.  Tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.  Bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống của người dân".

Cùng với sự phát triển về kinh tế, việc Việt Nam quan tâm, đảm bảo an sinh xã hội cũng là một nỗ lực để người dân có cuộc sống hạnh phúc, góp phần quan trọng đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu