Ngày Pháp luật Việt Nam giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5)- Việt Nam sẽ tổ chức Ngày Pháp luật đầu tiên vào ngày mai, 9/11. Rồi Ngày Pháp luật sẽ được tổ chức hằng năm, không chỉ để giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà còn đề cao những giá trị nhân bản, để việc chấp hành pháp luật trở thành nhu cầu tự thân của mỗi người.

(VOV5)-Ngày Pháp luật đóng vai trò tích cực trong việc nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.

Việt Nam sẽ tổ chức Ngày Pháp luật đầu tiên vào ngày mai, 9/11. Rồi Ngày Pháp luật sẽ được tổ chức hằng năm, không chỉ để giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà còn đề cao những giá trị nhân bản, để việc chấp hành pháp luật trở thành nhu cầu tự thân của mỗi người.


Tôn vinh giá trị của Hiến pháp, pháp luật
Việt Nam đón ngày Pháp luật đầu tiên đúng vào dịp kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá 13 đang thảo luận, góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: Chọn ngày 9/11 vì đó là này đầu tiên Quốc hội Việt Nam thông qua bản Hiến pháp đầu tiên- Hiến pháp năm 1946. Mục đích của ngày này là tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, để giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và người dân. Trong một nhà nước đang xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, ngày nào cũng là ngày pháp luật nhưng ngày 9/11/2013 là ngày lịch sử, là Ngày Pháp luật Việt Nam đầu tiên.

 

Trước khi Ngày Pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức thống nhất lần đầu tiên trên quy mô toàn quốc, đời sống chính trị, pháp lý của Việt Nam trong năm 2013 đã ghi nhận một sự kiện quan trọng. Đó là việc toàn dân tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Hiến pháp (sửa đổi), bản Hiến pháp của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.

 

Ngày Pháp luật Việt Nam đầu tiên với chủ đề: “Toàn dân xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh”, là sự tiếp nối đợt sinh hoạt chính trị-pháp lý sâu rộng góp ý sửa đổi Hiến pháp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.

Và vì thế, ý nghĩa Ngày Pháp luật Việt Nam đầu tiên là tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, đề cao giá trị của Hiến pháp và pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.

Ngày Pháp luật Việt Nam giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật - ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Góp phần xây dựng Nhà nước Pháp quyền
Việt Nam đang xây dựng Nhà nước pháp quyền thượng tôn pháp luật với hệ thống pháp luật hoàn thiện, thống nhất, ổn định, minh bạch, dân chủ và công bằng. Vì vậy, tổ chức Ngày Pháp luật trở thành một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.


Việc xây dựng Nhà nước pháp quyền cũng đòi hỏi phải nâng cao mạnh mẽ nhận thức pháp luật của cán bộ, nhân dân. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm động viên toàn dân đoàn kết, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật, tự giác chấp hành Hiến pháp và pháp luật, tích cực tham gia bảo vệ pháp luật.

 

Đề cao những giá trị nhân bản

Với mỗi công dân, Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách, đề cao ý thức làm chủ, tôn trọng kỷ luật, tự do trong khuôn khổ pháp luật… 


Qua đó, giáo dục ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, xây dựng nếp sống văn hóa mới… Đây là những điều kiện quan trọng góp phần hình thành con người về mặt tâm hồn, nhân cách để mỗi con người tự ý thức về mình, về cộng đồng, về đất nước. Đây cũng chính là yếu tố tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, của kỷ cương, phép nước, cùng tích cực hành động vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 

Mặt khác, trong lĩnh vực thi hành pháp luật, tổ chức Ngày Pháp luật trong bối cảnh Việt Nam đã và đang triển khai Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, còn nhằm động viên toàn xã hội thi hành pháp luật nghiêm minh, từ đó nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, khả năng thực thi pháp luật trong mọi hoạt động quản lý Nhà nước, hoạt động kinh tế xã hội và sinh hoạt hằng ngày của nhân dân. Về điều này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết thêm: Tháng 6-2013, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật phổ biến giáo dục pháp luật, có hiệu lực từ 1-1-2013.Điều đó thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc tăng cường, thúc đẩy ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ công chức, viên chức và mỗi người dân trong xã hội, để nó có sự chuyển biến cơ bản. Luật cũng quy định rất rõ là người dân có quyền được thông tin về pháp luật. Và đồng thời, Luật cũng quy định rất rõ là Nhà nước và cả hệ thống chính trị của Việt Nam phải có trách nhiệm  tạo điều kiện hỗ trợ cho người dân thực hiện được quyền thông tin về pháp luật, mà trong đó, nòng cốt là từ chính phủ cho đến các cấp chính quyền. Rồi bên cạnh đó là vai trò rất quan trọng của Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội trong vấn đề này.

 
Ngày Pháp luật Việt Nam giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật - ảnh 2
Cán bộ Công an huyện Từ Liêm, Hà Nội đến tận nhà phổ biến kiến thức pháp luật cho người dân.

Như vậy, bên cạnh mục tiêu trước mắt là tuyên truyền, phổ biến pháp luật, Ngày Pháp luật còn đóng vai trò tích cực trong việc nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện nghiêm minh, công bằng, thống nhất, phòng chống tội phạm, tham nhũng. Qua đó, xây dựng nền hành chính trong sạch, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động hành chính. Sâu xa hơn, ở một chừng mực nào đó, Ngày Pháp luật còn góp phần đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách; đề cao ý thức làm chủ, tôn trọng kỷ luật, tự do trong khuôn khổ pháp luật; ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, ý chí vươn lên vì tương lai của mỗi người và tiền đồ của đất nước./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu