Nâng cao vai trò của cộng đồng trong phòng, chống tham nhũng

Lê Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam được đánh giá cao như một ví dụ điển hình về thực thi cơ chế đánh giá thực thi của Liên hợp quốc về chống tham nhũng.
(VOV5) - Công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam được đánh giá cao như một ví dụ điển hình về thực thi cơ chế đánh giá thực thi của Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

Theo cơ chế đánh giá thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, Việt Nam thuộc nhóm nước hoàn thành tốt nhất chu trình đánh giá thứ nhất của Liên hợp quốc về phòng chống tham nhũng. Công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam cũng được đánh giá cao như một ví dụ điển hình về thực thi cơ chế đánh giá thực thi của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, đặc biệt là chu trình thứ nhất. Điều này là kết quả của sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và đặc biệt là sự đóng góp tích cực của người dân, cộng đồng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.


Nâng cao vai trò của cộng đồng trong phòng, chống tham nhũng  - ảnh 1
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh khẳng định không có vùng cấm trong chống tham nhũng. vtc.vn


Ngày 29/11/2005, Luật Phòng, chống tham nhũng được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 8, thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2006 nhằm thể hiện quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Trong đó, phòng ngừa tham nhũng là một trụ cột, có vai trò quan trọng trong Luật phòng, chống tham nhũng. Pháp luật Việt Nam hiện hành quy định khá đầy đủ các biện pháp phòng ngừa đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng hiện nay.

Người dân là nhân tố quan trọng và tích cực trong phòng, chống tham nhũng    

 Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam có những cải thiện đáng kể nhờ có sự chung tay của cả khu vực công, khu vực tư, các tổ chức phi Chính phủ, các tổ chức xã hội, các cơ quan truyền thông và người dân. Bà Đào Thị Nga, Giám đốc Điều hành Tổ chức Hướng tới Minh bạch, khẳng định những đóng góp quan trọng của người dân trong công tác phòng, chống tham nhũng và cho rằng người dân chính là những nhân tố quan trọng và tích cực trong việc phát hiện, phòng ngừa cũng như đẩy lùi tham nhũng: “Người dân có thể tố cáo các hành vi tham nhũng, giúp giám sát hoạt động của cơ quan chức năng, từ đó làm tăng trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước; đóng góp xây dựng những chính sách văn bản pháp luật của nhà nước. Mỗi người dân cũng thực hành liêm chính, cũng như khuyến khích người thân thì như vậy mỗi người dân đã đóng góp tích cực vào ngăn ngừa các hành vi tham nhũng”.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam luôn đề cao và triển khai các giải pháp tăng cường vai trò và sự tham gia của người dân trong phòng, chống tham nhũng, nhờ đó, nhận thức của người dân về vai trò, quyền lợi và trách nhiệm của mình trong phòng, chống tham nhũng đã tăng lên đáng kể. Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho rằng: “Cần đảm bảo cho người dân được tiếp cận thông tin đầy đủ theo quy định của pháp luật; tổ chức các kênh để người dân, các thành phần, khu vực trong xã hội có thể tham gia đóng góp ý tưởng, sáng kiến thiết thực về phòng, chống tham nhũng. Những hành động cụ thể đó chính là biểu hiện cao nhất của sự ủng hộ của người dân đối với Đảng và Nhà nước, sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị nhằm chung tay phòng, chống, ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng vì sự phát triển”.

Cụ thể hóa vai trò của người dân thông qua các sáng kiến phòng, chống tham nhũng

Ngày Sáng tạo Việt Nam 2009 (VID) với chủ đề "Nâng cao tính trách nhiệm và minh bạch, giảm tham nhũng" là chương trình đầu tiên Thanh tra Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đồng tổ chức với mục đích tạo cơ hội để người dân có thể hiến kế, góp phần thiết thực vào sự phát triển của địa phương và của cộng đồng; đồng thời đóng góp những ý tưởng sáng tạo nhằm làm cho các nỗ lực đấu tranh phòng, chống tham nhũng trở nên thiết thực, hiệu quả hơn. Tiếp nối VID năm 2009, chuỗi chương trình Sáng kiến phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam (VACI 2011, VACI 2013, VACI 2014) ra đời với sự tài trợ của Ngân hàng thế giới, Bộ phát triển quốc tế Vương quốc Anh và một số nhà tài trợ khác với mục tiêu huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng, nhằm hiện thực hóa các giải pháp phòng, chống tham nhũng từ cơ sở. Với một phương thức tiếp cận hoàn toàn mới, tiếp cận từ cấp cơ sở và tập trung đưa ra giải pháp cụ thể nhằm giải quyết những vấn đề mà toàn xã hội đang hết sức quan tâm đó là nâng cao trách nhiệm, sự minh bạch và dần loại trừ tham nhũng ra khỏi đời sống xã hội. Ông Nguyễn Hữu Lộc, quyền Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, thuộc Thanh tra Chính phủ, cho biết: "VID 2009 và VACI thực chất là hoạt động nhân rộng các sáng kiến của cộng đồng; đã chứng minh được tính sáng tạo, thiết thực, qua đó tăng cường hơn nữa sự tham gia tích cực, hiệu quả của người dân và xã hội vào công.


Nâng cao vai trò của cộng đồng trong phòng, chống tham nhũng  - ảnh 2
Phát động Chương trình Nhân rộng sáng kiến phòng, chống tham nhũng Việt Nam (Ảnh: TH).


Sau thành công của VID 2009 và VACI, Thanh tra Chính phủ tiếp tục thực hiện chương trình "Nhân rộng sáng kiến phòng, chống tham nhũng Việt Nam". Chương trình được triển khai với mong muốn tăng cường hơn nữa sự tham gia của người dân vào công tác phòng, chống tham nhũng và đảm bảo tính bền vững của những kết quả đã đạt được, trong khuôn khổ dự án "Tăng cường năng lực thực thi công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng và vai trò của các chủ thể ngoài khu vực Nhà nước nhằm hỗ trợ công tác phòng, chống tham nhũng của chính phủ Việt Nam" (AC-UNCAC) do chương trình phát triển của Liên hợp quốc tài trợ.

 Công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về tham nhũng, khuyến khích sự tham gia tích cực, chủ động của người dân đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng. Nhờ có sự đóng góp tích cực của người dân thông qua các sáng kiến, ý tưởng sáng tạo, hoạt động của các cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp đã minh bạch hơn, tính trách nhiệm giải trình cao hơn, đảm bảo cơ chế đối thoại cởi mở và thường xuyên hơn với người dân, nhiều vụ việc sai phạm đã được xử lý nghiêm, góp phần đem lại sự minh bạch cho xã hội./.

 



Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu