Năm 2013: Năm Việt Nam đoàn kết với Ấn Độ, Nhật Bản

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Năm 2013 là năm diễn ra hàng loạt các hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày thiết p quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước, trong đó có 2 đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam ở khu vực Châu Á là Nhật Bản và Ấn Độ.
(VOV5) - Năm 2013 là năm diễn ra hàng loạt các hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày thiết p quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước, trong đó có 2 đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam ở khu vực Châu Á là Nhật Bản và Ấn Độ. Cùng nằm trong khu vực đang được xem là động lực tăng trưởng toàn cầu, quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ cũng như giữa Việt Nam và Nhật Bản đang phát triển mở rộng trên nhiều lĩnh vực, đem lại hiệu quả cao. Bởi vậy, dựa trên nền tảng 40 năm quan hệ tốt đẹp và những lợi ích gắn kết với nhau trong bối cảnh hiện tại, năm 2013 được xem là năm bản lề để Việt Nam cùng Ấn Độ, Nhật Bản đặt nền móng hợp tác bền vững hơn trong chặng đường 40 năm tới.

 

Quan hệ Việt Nam- Ấn Độ là mối quan hệ hữu nghị truyền thống gắn bó lâu đời được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng J. Nehru dày công vun đắp. Tháng 10/1954, chỉ một tuần sau khi Hà Nội được tiếp quản từ tay quân Pháp, Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru đã đến thăm chính thức Việt Nam. Với chuyến viếng thăm này, thủ tướng Nehru không chỉ đã là nhà lãnh đạo quốc tế đầu tiên đến thăm Việt Nam sau khi Việt Nam giành lại độc lập, mà còn nhanh chóng khẳng định quan hệ sát cánh giữa Ấn Độ và Việt Nam dân chủ cộng hòa, mối quan hệ luôn gắn bó cả trong chiến tranh lẫn trong thời bình. Việt Nam cũng không bao giờ quên sự ủng hộ mà nhân dân Ấn Độ đã dành cho Việt Nam trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Khẩu hiệu hành động của các tầng lớp nhân dân Ấn Độ ủng hộ Việt Nam “Tên anh, tên tôi, tên chúng ta Việt Nam” mãi mãi in sâu trong tâm khảm của các thế hệ người Việt Nam. Mối quan hệ hữu nghị thủy chung, gắn bó đó đã là nền tảng vững chắc để quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn hiện nay.

Năm 2013: Năm Việt Nam đoàn kết với Ấn Độ, Nhật Bản - ảnh 1
Việt Nam và Ấn Độ đã nhất trí tiến hành khai thác dầu khí chung trên Biển Đông. Ảnh: tienphongonline

 

Kể từ khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược tháng 7/2007, lãnh đạo hai nước luôn xác định: Việc thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Ấn Độ trên tất cả các lĩnh vực, trong đó gìn giữ và phát huy tình hữu nghị, thúc đẩy mạnh mẽ hơn tiến trình củng cố và tăng cường tình hữu nghị giữa hai nước ngay từ trong nền tảng quần chúng, không chỉ góp phần tăng cường quan hệ song phương mà còn làm sâu sắc hơn xu hướng đa cực hiện nay, gìn giữ hòa bình và ổn định, bảo vệ sự phát triển bền vững trong khu vực. Chính vì vậy, 5 kỳ Liên hoan hữu nghị nhân dân được tổ chức liên tiếp từ năm 2007 và lần gần đây nhất là tháng 12/2012 là minh chứng sinh động cho quyết tâm đó. Cựu Tổng thư ký Tổ chức hòa bình và đoàn kết toàn Ấn Độ ông K. Yadav Reddy, cho rằng: Ảnh hưởng từ các hoạt động giao lưu hữu nghị nhân dân giữa hai nước là rất lớn. Bởi vì mối quan hệ thân tình và hữu nghị đặc biệt giữa Ấn Độ và VN xuất phát từ sự tương đồng trong lịch sử đấu tranh chống các thế lực ngoại bang và giải phóng đất nước. Chúng tôi hy vọng rằng kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt-Ấn với rất nhiều hoạt động diễn ra trong năm nay, sẽ là cú hích quan trọng để thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước.

 

Không chỉ tăng cường tình đoàn kết, qua các hoạt động gặp gỡ, giao lưu, nhiều chương trình hợp tác cụ thể được thiết lập. Dưới góc độ của nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, từ 2 năm nay, Giáo sư sử học Lê Văn Lan đã cùng  những người bạn đồng nghiệp Ấn Độ tích cực xây dựng Đề án hợp tác nghiên cứu văn hóa chung giữa Việt Nam và Ấn Độ. Đây là công trình nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước trong năm nay. Ông Lê Văn Lan cho biết: Quan hệ văn hóa giữa Việt Nam và Ấn Độ mang đặc trưng của quan hệ hòa bình, hợp tác và hữu nghị. Đề tài mà chúng tôi đang nghiên cứu xây dựng do chính phủ thực hiện sẽ góp phần ca ngợi quan hệ hữu nghị, hòa bình và đặc biệt là về mặt văn hóa giữa Việt Nam và Ấn Độ.

 

Năm 2013: Năm Việt Nam đoàn kết với Ấn Độ, Nhật Bản - ảnh 2
Máy bay Dornier DO-228. Ảnh: tienphongonline


Cũng giống như Ấn Độ, Nhật Bản cũng là quốc gia ở trong khu vực có ảnh hưởng nền văn hóa lâu đời với Việt Nam. Sự gần gũi về địa lý, quan hệ gắn bó lâu đời trong lịch sử cùng với những lợi ích chiến lược trong giai đoạn hiện nay khiến Việt Nam và Nhật Bản ngày càng xích lại gần nhau hơn. Quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh của Châu Á được hai bên thiết lập năm 2009 đã nói lên đầy đủ tầm quan trọng của mối quan hệ này. Không chỉ dành cho nhau sự ưu tiên hợp tác ở mức cao nhất, giao lưu nhân dân hai nước  không ngừng được mở rộng. Năm 2013, lãnh đạo hai nước nhất trí chọn là “Năm Hữu nghị Việt-Nhật” và Chính phủ Việt Nam cũng đã xây dựng đề án tổ chức hàng loạt sự kiện để ghi dấu chặng đường 40 năm hợp tác. Vụ trưởng, Giám đốc Quỹ Ngoại giao kinh tế, Bộ Ngoại giao Trần Ngọc An, khẳng định: Xuất phát từ tầm quan trọng chiến lược cũng như mong muốn là làm sao quảng bá hình ảnh Việt Nam hơn, làm sao cho người Nhật hiểu biết về Việt Nam hơn. Thủ tướng cũng như Ban bí thư đã chọn là năm đoàn kết với Nhật Bản với hàng loạt các hoạt động dồn dập, từ tiếp xúc cấp cao tới kinh tế, văn hóa, giáo dục…Bởi vì, chúng tôi nhận thấy rằng mặc dù đầu tư thương mại giữa hai nước đã phát triển rất nhanh trong thời gian qua nhưng còn rất nhiều dư địa. Và nếu chúng ta làm tốt công tác quảng bá, giới thiệu thì sẽ thu hút được nhiều đầu tư hơn, thu hút thương mại sẽ lớn hơn, tận dụng được từ phía bạn nhiều hơn.

 

Nằm ở khu vực đang phát triển hết sức năng động, Ấn Độ sẽ thành công trong chính sách hướng Đông khi nhận được sự hợp tác của các nước thiện chí như Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam cũng sẽ hưởng nhiều lợi ích từ sự hợp tác chặt chẽ với 1 đối tác lớn như Ấn Độ. Tương tự vậy, tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản sẽ giúp bảo vệ các lợi ích chiến lược của mỗi nước./.

 

 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu