Nấc thang căng thẳng mới trong quan hệ Nga và EU

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5)- Chủ tịch EC Jean -Claude Juncker kêu gọi thành lập lực lượng quân đội chung của châu Âu đã gây ra những phản ứng trái chiều ngay trong nội bộ các nước thành viên EU đồng thời khiến quan hệ giữa Nga và EU đi theo chiều hướng xấu.

(VOV5)- Trong khi Nga và các nước phương Tây vẫn đang đi tìm giải pháp hữu hiệu để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine thì việc cuối tuần qua, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean -Claude Juncker kêu gọi thành lập lực lượng quân đội chung của châu Âu đã gây ra những phản ứng trái chiều ngay trong nội bộ các nước thành viên EU đồng thời khiến quan hệ giữa Nga và EU đi theo chiều hướng xấu.

Nấc thang căng thẳng mới trong quan hệ Nga và EU - ảnh 1
Ông Jean-Clause Juncker - Ảnh: Reuters

Trả lời phỏng vấn tờ báo Welt am Sonntag của Đức, Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu (EC) Jean -Claude Juncker cho biết lực lượng này sẽ giúp EU phối hợp tốt hơn về chính sách đối ngoại và quốc phòng, và để đảm nhận trách nhiệm chung của Châu Âu trước cả thế giới. Đội quân châu Âu thống nhất sẽ củng cố chính sách của EU về an ninh trong bối cảnh diễn ra các cuộc khủng hoảng như cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Ngay sau Chiến tranh thế giới thứ hai, vào những năm 50 của thế kỷ trước, Đức, Pháp, Italy và các nước thuộc Liên minh hải quan Benelux đã muốn thành lập Cộng đồng Quốc phòng châu Âu. Tuy nhiên, ý tưởng hồi đó đã đổ vỡ do không vượt qua được rào cản tại Quốc hội Pháp. Từ đó tới nay, kế hoạch này còn được nhiều lần nhắc lại. Gần đây nhất, năm 2004, EU đã quyết định thành lập một lực lượng quân sự luân chuyển giữa các nước thành viên để sẵn sàng can thiệp vào các khu vực khủng hoảng, song thực tế lực lượng này chưa bao giờ được triển khai.

Lực lượng quân đội chung là tầm nhìn, triển vọng của châu Âu khi thời cơ đến
Theo Chủ tịch EC, hình ảnh của EU đã giảm sút đáng kể và về phương diện đối ngoại, dường như EU đã không đảm đương được trách nhiệm của mình một cách nghiêm túc. Hơn thế một lực lượng quân đội chung của EU cho thế giới thấy rằng sẽ không bao giờ xảy ra một cuộc chiến giữa các quốc gia thành viên, giúp việc chi tiêu ngân sách cho trang thiết bị quân sự trở nên hiệu quả hơn và 28 quốc gia thành viên trong khối sẽ trở nên thống nhất hơn. Với lực lượng quân đội chung, khối này có thể "phản ứng nhanh nhạy hơn trước các mối đe dọa về hòa bình mà một nước thành viên hoặc một nước láng giềng phải đối mặt. Ông Juncker cũng khẳng định chắc chắn rằng với quyết định thành lập một lực lượng quân đội chung, EU sẽ gửi đến  Nga một thông điệp rằng các nước thành viên rất coi trọng việc bảo vệ các lợi ích của EU. Ông Juncker cũng bác bỏ quan điểm cho rằng việc thành lập lực lượng quân sự chung của EU sẽ trở thành thách thức đối với Khối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Gây chia rẽ nội bộ, gia tăng hiềm khích
Hiệu quả thực tế từ  ý tưởng thành lập quân đội chung đến đâu thì chưa biết, nhưng đề xuất của Chủ tịch EC ngay lập tức gây ra các phản ứng trái chiều. Trước hết là trong nội bộ EU, ngày 9/3, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cùng bày tỏ ủng hộ ý tưởng của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC). Thủ tướng Đức cho rằng về cơ bản, việc hợp tác quân sự sâu rộng ở châu Âu là điều nên làm nhằm giúp đối phó các thách thức toàn cầu  khi cần có một câu trả lời chung của khối. Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Steinmeier cảnh báo về những mối nguy hiểm và đe dọa mới đối với trật tự hòa bình châu Âu, đòi hỏi phải có "sự phù hợp nhanh chóng" trong chiến lược an ninh.

Nếu như chính giới Đức đồng thuận với đề xuất của Chủ tịch EC thì quan điểm của ông Juncker vấp phải sự phản đối của một số thành viên khác của châu Âu, đặc biệt là Pháp và Anh. Hai quốc gia này tỏ ra thận trọng với việc trao một vai trò quân sự lớn hơn cho EU, vì điều này có thể làm suy yếu và khiến Khối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) bị ra rìa.  Ngoài ra, Anh cho rằng đây là một ý tưởng “không có triển vọng” và nước Anh chưa có ý định tham gia vào liên minh quân sự này. Theo nhiều thành viên của Đảng đối lập ở Anh, việc tạo ra một lực lượng quân đội chung của Liên minh Châu Âu sẽ là một bi kịch đối với khu vực cũng như đe dọa đến chủ quyền của mỗi một thành viên của khối này. Trong khi đó, ông Jonathan Steele, chuyên gia về các vấn đề quốc tế của tạp chí Người bảo vệ (Anh), cho rằng EU cần cẩn trọng khi đưa ra các ý tưởng nhằm làm tổn hại tới quan hệ với Nga khi mà hiện nay, các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga cũng có những tác động ngược với một số nền kinh tế yếu trong EU. Nhiều nước vẫn đang e ngại khi quan hệ Nga – EU đang ngày càng xấu đi. Chính vì thế, Châu Âu cần phải cẩn trọng khi tiếp tục làm cho mối quan hệ này xấu hơn.

Trên bình diện quốc tế tất nhiên không thể bỏ qua phản ứng của Nga, quốc gia liên quan trực tiếp tới đề xuất của Chủ tịch EC. Nghị sỹ cấp cao của Nga, ông Leonid Slutsky, cho rằng EU đang hoang tưởng về Nga. Ông viết trên trang Twitter của mình rằng phiên bản hoang tưởng của châu Âu đó là muốn thành lập một quân đội thống nhất để đối trọng với Nga, quốc gia không có ý định đi đến chiến tranh với bất cứ quốc gia nào. Ủy viên Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, ông Franz Klintsevich, cũng nhận định rằng nếu đội quân chung của Liên minh châu Âu (EU) được thành lập, đó có thể sẽ trở thành một động thái khiêu khích. Ông Klintsevich cho rằng trong kỷ nguyên hạt nhân hiện nay, những đội quân bổ sung không giúp đảm bảo an ninh mà chỉ có thể "đóng vai trò khiêu khích".

Trong bối cảnh Nga và các bên liên quan chưa tìm ra biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine thì việc EU gia tăng trừng phạt Nga, mới nhất là lời kêu gọi thành lập quân đội chung của EU càng làm tổn hại đến quan hệ giữa EU và Nga. Điều này rõ ràng không có lợi cho bất cứ bên nào và khiến cho những bất đồng hiện tại giữa Nga và EU càng khó giải quyết./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu