Mỹ - Trung nỗ lực cải thiện quan hệ thương mại song phương

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Chuyến thăm được cho là sẽ gỡ bớt các nút thắt trong căng thẳng thương mại, thúc đẩy đối thoại nhằm đưa quan hệ thương mại song phương sớm trở lại quỹ đạo bình thường.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đang có chuyến thăm Trung Quốc trong 4 ngày (từ 27-30/8). Chuyến thăm được cho là sẽ gỡ bớt các nút thắt trong căng thẳng thương mại, thúc đẩy đối thoại nhằm đưa quan hệ thương mại song phương sớm trở lại quỹ đạo bình thường.

Bà Gina Raimondo là quan chức cấp cao thứ 4 của Mỹ tới Trung Quốc trong 3 tháng trở lại đây, sau đặc phái viên về biến đổi khí hậu của Tổng thống Joe Biden, ông John Kerry, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Ngoại trưởng Antony Blinken. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh trong tháng này, Mỹ bắt đầu cấm những khoản đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ nhạy cảm tại Trung Quốc và dự định sớm hạn chế xuất khẩu nhiều mặt hàng chất bán dẫn từ tháng 10 tới.

Nhất trí thiết lập kênh liên lạc

Tại cuộc hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Văn Đào tại Bắc Kinh hôm qua (28/8), Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo khẳng định quan hệ ổn định giữa Washington và Bắc Kinh có ý nghĩa “cực kỳ quan trọng”, bởi thương mại Mỹ-Trung đóng góp tới 700 tỷ USD cho thương mại toàn cầu. Bà Gina Raimondo một lần nữa nhấn mạnh dù còn nhiều bất đồng, thách thức, nhưng hợp tác kinh tế ổn định là điều có lợi cho cả hai quốc gia. Trong khi đó, ông Vương khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng làm việc với Washington để xây dựng môi trường chính sách thuận lợi hơn, đồng thời cho rằng quan hệ kinh tế song phương không chỉ quan trọng với hai quốc gia mà với cả thế giới.

Hai bên đều bày tỏ lạc quan và nhất trí thiết lập các kênh liên lạc mới cho các vấn đề kinh tế và thương mại giữa hai nước, bao gồm: một diễn đàn song phương nhằm thảo luận các biện pháp kiểm soát xuất khẩu qua đó làm giảm hiểu nhầm về các chính sách an ninh quốc gia của nhau. Đồng thời lập nhóm công tác để giải quyết các vấn đề thương mại. Bộ trưởng Raimondo nhấn mạnh Mỹ đang đầu tư nhiều cho hạ tầng cơ sở, sản xuất và chuỗi cung ứng và không nhắm tới việc cản trở tiến triển kinh tế của Trung Quốc.

Vài tuần trước khi chuyến thăm của Bộ trưởng Thương mại Mỹ diễn ra, Nhà Trắng thông báo cấm các khoản đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ nhạy cảm tại Trung Quốc và dự định sớm hạn chế xuất khẩu nhiều mặt hàng chất bán dẫn từ tháng 10 tới. Ở chiều ngược lại, hồi tháng 7, Trung Quốc thông báo phạt hãng thẩm định Mỹ Mintz Group 1,5 triệu USD, với cáo buộc thực hiện hoạt động thống kê trái phép. Trước đó, Trung Quốc buộc đóng cửa văn phòng của Mintz Group của Mỹ ở Bắc Kinh sau khi triển khai chiến dịch kiểm tra đột xuất. Cơ quan an ninh Trung Quốc cũng tiến hành lục soát văn phòng và thẩm vấn nhân viên của một số hãng tư vấn Mỹ như Capvision, Bain, với cáo buộc xâm phạm an ninh quốc gia.

Mở đường cải thiện quan hệ

Quan hệ Mỹ - Trung đã rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ và các biện pháp hạn chế về thương mại mà Mỹ áp dụng đối với Trung Quốc là một trong những vấn đề mâu thuẫn nhất trong quan hệ song phương. Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã thách thức thế thống lĩnh của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến nhất, bao gồm trí tuệ nhân tạo, 5G, khoa học thông tin lượng tử và chất bán dẫn. Kể từ khi nắm quyền, Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã theo đuổi chiến lược công nghiệp nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong các lĩnh vực như năng lượng sạch, xe điện và chất bán dẫn. Nhằm giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa để không phụ thuộc vào Trung Quốc, Mỹ đã hạn chế việc xuất khẩu chip tiên tiến và thiết bị sản xuất chip sang Trung Quốc. Washington cũng đã đưa hơn 1.000 công ty và thực thể Trung Quốc vào danh sách đen thương mại.

Đáp lại, Trung Quốc coi những biện pháp này của Mỹ là sự bao vây và đàn áp toàn diện. Để trả đũa, Bắc Kinh đã cấm các công ty nước mình mua chip bộ nhớ từ nhà sản xuất Micron Technology của Mỹ. Động thái này càng làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước, bên cạnh nhiều vấn đề bất đồng khác.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng dù hai cường quốc luôn bị cuốn sâu vào những tranh cãi, từ thương mại, công nghệ cho tới an ninh khu vực, nhưng ngay cả khi căng thẳng dâng cao, cả đôi bên đều tỏ rõ thiện chí nhằm thúc đẩy liên lạc. Chuyến thăm Trung Quốc của bà Raimondo lần này diễn ra trong bối cảnh chưa đầy 3 tháng nữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm Mỹ. Do đó, đây là dấu hiệu hai bên phát đi thông điệp mong muốn cải thiện mối quan hệ vốn nhiều trắc trở Mỹ - Trung. Ngoại giao lúc này rất cần thiết và chuyến thăm của Bộ trưởng thương mại Mỹ Gina Raimondo được cho là mở đường cho các cuộc gặp song phương khác giữa lãnh đạo cấp cao của đôi bên trong thời gian tới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu