Mục tiêu đầy tham vọng trong Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao G20

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5)- Tuyên bố chung của G20 khẳng định mục tiêu xây dựng một nền kinh tế toàn cầu mạnh mẽ, có sức đề kháng tốt hơn và thúc đẩy các thể chế toàn cầu.

(VOV5)- Tuyên bố chung của G20 khẳng định mục tiêu xây dựng một nền kinh tế toàn cầu mạnh mẽ, có sức đề kháng tốt hơn và thúc đẩy các thể chế toàn cầu.


Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20), đưa ra hôm cuối tuấn qua tại Australia, đặt mục tiêu nâng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nhóm tăng hơn 2% trong 5 năm tới, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Đây là mục tiêu đầy tham vọng trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn. Giới phân tích cho rằng đạt được mục tiêu này là điều không dễ dàng đối với các thành viên của G20.

Tuyên bố chung của G20 khẳng định mục tiêu xây dựng một nền kinh tế toàn cầu mạnh mẽ, có sức đề kháng tốt hơn và thúc đẩy các thể chế toàn cầu. Trên cơ sở đó, G20 nhất trí triển khai Sáng kiến cơ sở hạ tầng toàn cầu, đặt mục tiêu giảm chênh lệch lao động nam nữ xuống 25% vào năm 2025, nhất trí Kế hoạch hành động chống tham nhũng giai đoạn 2015-2016; tăng cường sức mạnh của các tổ chức tài chính toàn cầu, trong đó ưu tiên tiến trình cải tổ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF0 và hối thúc Mỹ thông qua Kế hoạch cải tổ  đã được hầu hết các quốc gia thành viên IMF thông qua năm 2010. Giới phân tích kinh tế cho rằng nếu cam kết của G20 được thực hiện đầy đủ, GDP của nhóm có thể tăng thêm 2,1% trong 5 năm tới, từ đó sẽ tạo thêm hơn 2.000 tỷ USD cho kinh tế toàn cầu và tạo thêm hàng triệu việc làm.


Mục tiêu đầy tham vọng trong Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao G20 - ảnh 1
Lãnh đạo G20 tại Australia tập trung vào vấn đề tăng trưởng kinh tế (ảnh: Getty)

Những thuận lợi cơ bản

Trước hết việc đa số các nước thành viên của G20 nhất trí với những sáng kiến được nêu ra là thuận lợi lớn trên chặng đường đạt mục tiêu tăng trưởng hơn 2% của nhóm. Thủ tướng nước chủ nhà của Hội nghị, Tony Abbott, đánh giá cao sự đồng thuận giữa các quốc gia đối với kế hoạch hành động chung. Thủ tướng Anh David Cameron khẳng định thoả thuận thúc đẩy thương mại tự do bế tắc từ lâu đã được khai thông, cho đây là bước đột phá cho các nước G20. Trong khi đó, Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde đánh giá Hội nghị thượng đỉnh G20 là hữu ích. Sự đồng thuận chung trong chính sách hành động là chìa khoá để tạo sự tăng trưởng bền vững và tạo nhiều việc làm.

Yếu tố thuận lợi nữa cần kể đến là thời điểm này, nhiều liên minh kinh tế đang hình thành, trong đó có Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các hiệp định thương mại tự do song phương (FTA)…Điều này giúp thúc đẩy từng nền kinh tế thành viên cũng như tạo điều kiện để thực hiện  các cam kết kinh tế. Đơn cử mới nhất là Thỏa thuận thương mại tự do giữa Australia và Trung Quốc vừa hoàn tất ngày 17/11. Thỏa thuận FTA Australia-Trung Quốc sẽ mang lại gần 16 tỷ USD cho nền kinh tế Australia trong vài năm tới.

Trong khi đó, tình hình kinh tế của một số nước thành viên G20 cũng đón nhận dấu hiệu tích cực. Hai nền kinh tế đầu tàu của châu Âu là Đức và Pháp đã thoát cuộc suy thoái mới trong "gang tấc" trong quý III. Kết quả thống kê chính thức của Đức công bố ngày 14/11 cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức tăng 0,1%, sau khi suy giảm 0,1% trong 3 tháng trước đó. Pháp còn tăng trưởng mạnh mẽ hơn khi GDP tăng 0,3% trong quý III.

Thách thức không nhỏ

Hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi nhưng việc thực hiện được mục tiêu tham vọng đề ra là điều không đơn giản đối với 20 nền kinh tế mạnh nhất và chiếm tới 85% tổng giá trị kinh tế của thế giới. Trong lời chúc mừng thành công của Hội nghị, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde không quên cảnh báo việc thực hiện các kế hoạch mới thực sự quan trọng và cần có sự giám sát chặt chẽ. Trong khi đó, một số nhà phân tích thậm chí còn cho rằng mục tiêu tăng hơn 2% GDP hoàn toàn không khả thi do kinh tế toàn cầu vẫn đang phục hồi yếu và thiếu bền vững. Một số nền kinh tế có dấu hiệu giảm tốc tăng trưởng, căng thẳng địa chính trị tiếp tục gia tăng gắn với nhiều điểm nóng trên thế giới; nạn tham nhũng ngày càng tinh vi...Những lo ngại này đã trở thành hiện thực khi 1 ngày sau bế mạc Hội nghị thượng đỉnh G20, Nhật Bản, nền kinh tế thứ 3 thế giới, đã chính thức rơi vào suy thoái với việc GDP thực tế của nước này giảm quý thứ 2 liên tiếp. Trước khi tuyên bố suy thoái của kinh tế Nhật được công bố 1 ngày, Thủ tướng Anh David Cameron cũng cảnh báo rằng sự phục hồi kinh tế của Anh đang phải đối mặt với một “nguy cơ thực sự” do tình trạng phát triển không bền vững của nền kinh tế thế giới. Ông Cameron cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế của Anh đã giảm trong quý III năm nay. Ngoài ra các lệnh trừng phạt lẫn nhau giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU) xuất phát từ cuộc khủng hoảng Ukraine cũng làm mức tăng trưởng kinh tế của cả 2 giảm đáng kể. Trong khi đó, nền kinh tế “đầu tàu” thế giới là Mỹ vẫn đang tăng trưởng chậm chạp, không đồng đều.

Đó là chưa kể đến việc thực hiện các kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng của G20 sẽ tạo ra áp lực cho các nước khi phải thực hiện khoảng 800 biện pháp cải tổ kinh tế, từ cải tổ thị trường lao động tới giảm bớt các hàng rào thương mại. Đây là khối lượng công việc không nhỏ trong vài năm tới và chưa bao giờ là dễ dàng đối với các nước thành viên G20. 20 quốc gia sẽ phải đồng loạt đưa ra những quyết định khó khăn về cải cách cơ cấu và không ai dám chắc rằng trong quá trình đó không xảy ra xu hướng chia tách để kiếm lợi cho riêng mình.

Không thể phủ nhận mục tiêu nâng mức tăng trưởng của khối G20 lên hơn 2% so với hiện nay trong 5 năm tới là một bước phát triển quan trọng. Tuy nhiên, những thách thức hiện hữu chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch đầy tham vọng này của G20./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu