Luật An ninh mạng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân

Thu Hoa
Chia sẻ

(VOV5) - Luật cũng phù hợp với Hiến pháp và không cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Luật An ninh mạng là sự hệ thống hóa, tập trung và nâng thành luật các quy định về quản lý an ninh mạng của Việt Nam trước đây. Luật không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân. Luật cũng phù hợp với Hiến pháp và không cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Theo chỉ số quốc tế, Việt Nam xếp thứ 100 trên thế giới và xếp vị trí cuối ở khu vực ASEAN về an ninh mạng. Mức độ an ninh mạng thấp dẫn tới trong năm 2017, các hệ thống thông tin tại Việt Nam phải hứng chịu khoảng 15.000 cuộc tấn công mạng, gây thiệt hại khoảng 12.300 tỷ đồng. Trong 5 tháng đầu năm 2018, các cơ quan chức năng ghi nhận 4.035 sự cố tấn công mạng vào Việt Nam. Lỗ hổng mất an toàn gia tăng khoảng hơn 300%/năm, khiến Việt Nam gặp nhiều nguy cơ khi bước vào cách mạng công nghiệp 4.0. 

Xây dựng Luật An ninh mạng là đúng đắn

Trong bối cảnh như vậy, việc Việt Nam xây dựng Luật An ninh mạng là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết để phòng ngừa, sẵn sàng ngăn chặn các nguy cơ đe dọa an ninh mạng và bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định: An ninh mạng là vấn đề hết sức quan trọng, ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. Trong những năm gần đây, an ninh mạng đã trở thành mối quan tâm đặc biệt của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế, khu vực. Các cuộc tấn công nhằm vào môi trường mạng phát triển nhanh chóng cả về hình thức và quy mô, có tính chất xuyên biên giới, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự ổn định kinh tế, chính trị của các nước. Trong khi đó, những nỗ lực nhằm cải thiện an ninh trên môi trường mạng còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là do thiếu thể chế pháp lý và năng lực bảo đảm an ninh mạng. Do đó, việc xây dựng Luật an ninh mạng là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay. 

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân

Luật An ninh mạng là sự hệ thống hóa, tập trung và nâng thành luật các quy định về quản lý an ninh mạng của Việt Nam trước đây. Luật An ninh mạng điều chỉnh các mối quan hệ trên không gian mạng nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức cá nhân. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, khẳng định rõ điều này:Phạm vi điều chỉnh, luật này có 3 nhóm chính, thứ nhất là an ninh quốc gia, hai là trật tự an toàn xã hội và quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân, có nghĩa nếu chúng ta nghiêng quá về an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội thì có vi phạm quyền tự do cá nhân trong tiếp cận thông tin hay quyền lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp khi sử dụng thông tin hay không? Tất cả những cái này đều tính toán hết đảm bảo không làm ảnh hưởng tới quyền tự do cá nhân. Và luật này phòng ngừa xử lý đấu tranh đối với những hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng là chính chứ còn nếu sử dụng không gian mạng bình thường thì không ai gây khó khăn. Tức là những hoạt động hợp pháp sẽ được bảo vệ.

Luật An ninh mạng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân - ảnh 1


Ảnh minh họa (TTXVN)

Luật An ninh mạng không có quy định nào hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân. Việc Luật cụ thể hóa và liệt kê khá chi tiết các hành vi bị cấm do vi phạm pháp luật khi thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân do các hành vi này đã được quy định là hành vi vi phạm pháp luật trong Bộ luật Hình sự. Về điều này, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, khi tiếp xúc cử tri tỉnh Đồng Nai, nhấn mạnh: Phải khẳng định rằng ra luật An ninh mạng hoàn toàn không có chuyện vi phạm quyền tự do ngôn luận, quyền bày tỏ quan điểm, chính kiến của công dân. Mà ngược lại còn tạo điều kiện thực hiện quyền này theo quy định của pháp luật. Ai cũng có quyền bày tỏ nhưng chúng ta phải theo quy định của pháp luật, không phải chúng ta nói tự do rồi muốn làm gì thì làm. Mà có quy định pháp luật để điều chỉnh hành vi của con người trong mối quan hệ giữa công dân với công dân, giữa công dân với xã hội, giữa công dân với Nhà nước. 

Phù hợp với Hiến pháp và không cản trở thực hiện các điều ước quốc tế

Luật An ninh mạng không có mục đích ngăn chặn các nhà đầu tư nước ngoài. Ngược lại, nó có mục đích giúp các hoạt động trên không gian mạng trở nên lành mạnh hơn. Việc luật thiết lập các quy định nghiêm ngặt trên không gian mạng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mạng giúp các doanh nghiệp nước ngoài cân nhắc kỹ càng hơn khi tham gia hoạt động kinh doanh trên không gian mạng tại Việt Nam. Việc xây dựng Luật này cũng phù hợp với Hiến pháp và không cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu