Ngày 5/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc ba ngày. Cùng đi với nhà lãnh đạo Pháp có Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen. Đáng nói hơn, đây là chuyến thăm chính thức Trung Quốc thứ hai liên tiếp của lãnh đạo châu Âu chỉ trong một tuần, phản ánh mối quan tâm đặc biệt của châu Âu với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và đang có sức ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu.
Theo thông báo chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, chuyến thăm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kéo dài từ ngày 5 đến 7/4, theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuy nhiên, điều khiến dư luận quan tâm hơn là chuyến thăm được thực hiện chỉ ít ngày sau chuyến thăm Bắc Kinh của Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez và cũng chỉ ít ngày trước chuyến thăm dự kiến của Đại diện phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell và Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock.
Theo giới phân tích, việc các lãnh đạo và chính khách cấp cao châu Âu dồn dập thăm Trung Quốc hoàn toàn không phải sự trùng hợp ngẫu nhiên, mà mang theo nhiều tính toán chiến lược và đầy tham vọng.
Tính toán của châu Âu
Xét về bối cảnh, loạt chuyến thăm Trung Quốc của các nhà lãnh đạo châu Âu được tiến hành khi cuộc xung đột Nga-Ukraine tiếp tục tác động sâu rộng tới toàn châu Âu trên nhiều khía cạnh, nhất là về an ninh-quốc phòng, kinh tế và năng lượng. Trong khi đó, Trung Quốc ngày càng cho thấy sức ảnh hưởng to lớn, nổi bật là về ngoại giao và kinh tế trên phạm vi toàn cầu. Đặc biệt, Trung Quốc đang không ngừng củng cố quan hệ chặt chẽ với Nga, quốc gia đang bị châu Âu, Mỹ và nhiều quốc gia đồng minh gây áp lực mạnh mẽ thông qua hàng nghìn lệnh trừng phạt và cấm vận liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Ở một góc độ khác, quan hệ châu Âu – Trung Quốc đang ở mức khá thấp kể từ năm 2019 sau khi Liên minh châu Âu (EU) lần đầu tiên công khai xác định Trung Quốc là “đối thủ hệ thống”. Thực trạng quan hệ này được nhiều nhà lãnh đạo châu Âu cho là cần được cải thiện để phù hợp với bối cảnh mới.
Với thực tế đó, giới quan sát cho rằng các nhà lãnh đạo châu Âu đến Bắc Kinh dịp này với những tính toán rất rõ ràng, đặc biệt là liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Theo đó, Brussels muốn thuyết phục Bắc Kinh giảm ủng hộ và gây áp lực để Moscow chấm dứt chiến dịch quân sự bắt đầu cách đây hơn một năm tại Ukraine. Bên cạnh đó, châu Âu muốn tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực với Trung Quốc, một phần vì phục vụ mục tiêu thứ nhất liên quan đến Nga và cuộc khủng hoảng Ukraine, một phần vì muốn duy trì và đạt được thêm những lợi ích kinh tế, thương mại to lớn mà Bắc Kinh có thể mang lại. Hiện tại, Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của EU.
Nhận định về vấn đề Nga và Ukraine càng có cơ sở khi trong chuyến thăm Trung Quốc cuối tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cũng đề nghị Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối thoại với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Đặc biệt, thời gian qua, giới chức châu Âu liên tiếp bày tỏ quan tâm tới đề xuất hòa bình gồm 12 điểm mà Trung Quốc đưa ra mới đây cho cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Thách thức và triển vọng
Theo giới phân tích, tính toán của châu Âu hướng về Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, khả năng đạt được các mục tiêu đề ra chưa có gì được đảm bảo, nhất là tính toán liên quan đến Nga và cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Thứ nhất, về quan hệ Trung-Nga, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa có chuyến thăm chính thức đến Moscow hồi tháng 3 vừa qua và hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tại đây, hai bên ra Tuyên bố chung khẳng định việc củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ song phương Trung-Nga là “lựa chọn chiến lược của hai bên dựa trên tình hình quốc gia của mỗi nước”, không chịu tác động từ bên ngoài.
Thứ hai, về cuộc khủng hoảng Ukraine, đây là một cuộc khủng hoảng phức tạp, có sự can dự của nhiều bên liên quan, trong đó châu Âu và Mỹ liên tiếp cung cấp nhiều khí tài và vũ khí hạng nặng cho Ukraine, cam kết sát cánh đến cùng với Kiev. Do đó, giải quyết cuộc khủng hoảng cần sự nỗ lực, chung sức cùng ý chí chính trị mạnh mẽ của tất cả các bên liên quan.
Mặc dù vậy, với uy tín quốc tế ngày càng tăng, đặc biệt là sau khi làm trung gian thành công cho tiến trình hòa giải giữa Arab Saudi và Iran thời gian gần đây, Trung Quốc vẫn được đánh giá là có khả năng tạo ảnh hưởng tích cực lên tiến trình giải quyết xung đột. Trong một tuyên bố cuối tuần trước, Cao ủy phụ trách đối ngoại và an ninh của EU, ông Josep Borrell nhận định “Trung Quốc có khả năng tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy việc giải quyết xung đột Ukraine”. Về phần mình, Trưởng phái đoàn Trung Quốc tại EU Phó Thông cũng khẳng định Trung Quốc sẵn sàng cùng EU chung tay thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Ukraine.