Kinh tế Việt Nam tiếp tục có nhiều khởi sắc

Chung Cường
Chia sẻ
(VOV5) - Mặc dù nền kinh tế còn khó khăn, tồn tại nhưng không thể phủ nhận trong 9 tháng qua, nền kinh tế Việt Nam thu được những kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực. Đây là cơ sở quan trọng, giúp Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,8% trong năm 2014 như Quốc hội đề ra. Có được kết quả này là nỗ lực điều hành của Chính phủ, các Bộ, ngành, sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
(VOV5) - Mặc dù nền kinh tế còn khó khăn, tồn tại nhưng không thể phủ nhận trong 9 tháng qua, nền kinh tế Việt Nam thu được những kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực. Đây là cơ sở quan trọng, giúp Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,8% trong năm 2014 như Quốc hội đề ra. Có được kết quả này là nỗ lực điều hành của Chính phủ, các Bộ, ngành, sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.


Kinh tế Việt Nam tiếp tục có nhiều khởi sắc - ảnh 1

 

Đánh giá tổng quát về bức tranh của nền kinh tế trong 9 tháng qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định tình hình kinh tế - xã hội từ đầu năm tới nay tiếp tục chuyển biến tích cực. Đà tăng trưởng rõ nét và đồng đều hơn. Các chỉ tiêu kế hoạch đều đạt kết quả tích cực. Theo đó, trong 15 chỉ tiêu được Quốc hội giao có 13 chỉ tiêu có khả năng đạt và vượt, 1 chỉ tiêu xấp xỉ đạt là chỉ tiêu giải quyết việc làm cho 1,6 triệu lao động và 1 chỉ tiêu chưa đạt là tỷ lệ lao động qua đào tạo.

 

Tăng trưởng mạnh ở hầu hết các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế

 

Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đà phục hồi trên tất cả các ngành, lĩnh vực chủ yếu. Tăng trưởng kinh tế quý III cao hơn 2 quý trước và GDP 9 tháng ước đạt 5,62%, cao hơn cùng kỳ của 2 năm qua. Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng cao hơn nhiều so với cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,7 %. Dự kiến chỉ số này sẽ đạt từ 7-7,2% trong thời gian tới. Nông nghiệp đã khắc phục được các tác động tiêu cực do thiên tai, dịch bệnh gây ra và đạt mức tăng trưởng cao. Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển khá. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp, giá cả thị trường ổn định. Sản xuất kinh doanh tuy vẫn còn khó khăn nhưng số doanh nghiệp có lợi nhuận tăng lên nhiều. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tuy có giảm nhưng vốn đăng ký tăng lên.

 

Hoạt động thương mại cũng tăng cả quy mô và tốc độ. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng qua có tốc độ cao hơn nhập khẩu,đạt gần 110 tỷ USD, tăng trên 14% so với cùng kỳ năm ngoái và cả nước đã có 21 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Trong số các nhóm hàng xuất khẩu, thì công nghiệp chế biến chiếm phần lớn tỷ trọng xuất khẩu trong 9 tháng qua. Kết quả này góp phần cân bằng được xuất nhập khẩu, tăng dự trữ ngoại tệ của quốc gia. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá:Kinh tế phát triển rõ, cả nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều phát triển khá đồng đều. Các Bộ, ngành đều nhận định khả năng Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng GDP 5,8% trong năm nay là khả thi. Trên đà phát triển đó, chúng ta không dừng lại mà sẽ tiếp tục cố gắng, nếu đạt được tăng trưởng 6% thì quá tốt. Đạt 6% ở đây cũng là đạt vững chắc trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định.

 

Ngoài ra, trong 9 tháng đã có hơn 90 doanh nghiệp Nhà nước được sắp xếp lại, gần bằng so với cả năm ngoái. Dự kiến đến cuối năm nay sẽ có khoảng 200 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa. Tiến độ thoái vốn của các Tập đoàn và Tổng công ty Nhà nước cũng cao gấp 4 lần so với năm ngoái. 

 

Tích cực xử lý nợ xấu

 

Cùng với giải pháp xử lý nợ xấu thông qua Công ty Quản lý Tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thì Việt Nam đang triển khai nhiều cách để đẩy mạnh xử lý nợ xấu. Về phía các tổ chức tín dụng đã chủ động, tích cực tham gia xử lý nợ xấu, tạo nguồn lực xử lý nợ xấu bằng cách tăng cường trích lập dự phòng rủi ro. Từ đầu năm tới tháng 7/2014 số dự phòng mà hệ thống ngân hàng trích lập đã đạt 78.000 tỷ đồng. Công ty VAMC  mua được 47.000 tỷ đồng nợ xấu, dự kiến cả năm nay, Công ty này  mua được 70.000 tỷ đồng nợ xấu.

 

Tuy nền kinh tế có nhiều dấu hiệu khởi sắc song nhìn tổng thể vẫn còn một số vấn đề tồn tại nổi lên cần làm tốt hơn trong thời gian tới đó là tổng cầu còn yếu, sản xuất kinh doanh vẫn khó khăn, nợ xấu còn lớn, nợ công tăng nhanh, năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa được nâng cao. Do đó, trong thời gian tới,Việt Nam tiếp tục thực hiện trọng tâm, có hiệu quả tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước, hệ thống Ngân hàng và tái cơ cấu nông nghiệp gắn với việc xây dựng nông thôn mới. Bộ Tài chính tiếp tục quan tâm tăng tín dụng cho nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Về việc xây dựng cơ chế chính sách để thu hút vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Bây giờ chúng ta tìm mọi cách để thu hút vốn đầu tư nguồn lực trong nước, ngoài nước để đầu tư vào dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp , hạ tầng. Tiềm lực còn rất lớn. Bây giờ muốn phát triển công nghiệp, nông nghiệp thì tôi để nghị các Phó thủ tướng, các Bộ trưởng nghĩ ra cơ chế, chính sách để thu hút nguồn lực.

 

Việc nền kinh tế xuất hiện những dấu hiệu tích cực trong 9 tháng qua là minh chứng rõ nét cho hiệu quả điều hành của Chính phủ cũng như những cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Cùng với những tín hiệu khả quan này, việc Chính phủ Việt Nam tập trung nỗ lực khắc phục những khó khăn còn tồn tại từ nay đến cuối năm sẽ góp phần bảo đảm cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế./.

 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu