Khẳng định quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Ngày mai, 9/2, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ bắt đầu chuyến thăm Hoa Kỳ. Đây là vị lãnh đạo đầu tiên của châu Á đến thăm chính thức nước Mỹ sau khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống (20/1/2017). Động thái ngoại giao trên cho thấy sự chủ động của Chính phủ Nhật Bản trong việc củng cố quan hệ đồng minh với Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đồng thời cho thế giới biết rằng mối quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ luôn vững chắc.

(VOV5) - Ngày mai, 9/2, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ bắt đầu chuyến thăm Hoa Kỳ. Đây là vị lãnh đạo đầu tiên của châu Á đến thăm chính thức nước Mỹ sau khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống (20/1/2017). Động thái ngoại giao trên cho thấy sự chủ động của Chính phủ Nhật Bản trong việc củng cố quan hệ đồng minh với Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đồng thời cho thế giới biết rằng mối quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ luôn vững chắc.

 

Khẳng định quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật - ảnh 1
Chân dung Tổng Thống Mỹ D. trump- TTXVN


Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 7/2 cho biết ông Shinzo Abe sẽ hội đàm với ông Donald Trump tại Washington và cũng sẽ đến thăm khu nghỉ dưỡng của Tổng thống Mỹ tại Florida trước khi trở về Nhật Bản vào ngày 13/2. Theo Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản, chuyến công du lần này là cơ hội để lãnh đạo hai nước trao đổi thẳng thắn quan điểm về quan hệ song phương và để cho thế giới biết rằng mối quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ luôn vững chắc. Ông Suga cho biết thêm chuyến thăm Florida nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ tin cậy riêng giữa lãnh đạo hai nước.

Khẳng định sự bền vững của liên minh

Dự kiến, nội dung thảo luận giữa 2 nhà lãnh đạo xoay quanh quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của ông Donald Trump, những căng thẳng leo thang với CHDCND Triều Tiên. Ngoài ra, các vấn đề về liên minh quân sự, tài chính, thương mại, trong đó có thể có ý tưởng về một hiệp định thương mại song phương hoặc bất cứ vấn đề nào mà cả hai cảm thấy cần thiết…cũng có thể được đề cập. Theo giới phân tích, chính quyền của ông Trump rất chú trọng tới chuyến thăm của Thủ tướng Abe, một trong những cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên của Tổng thống Mỹ thứ 45, về việc khởi động các cuộc đàm phán thương mại song phương. Trong khi đó, phía Nhật Bản cũng cho hay nước này chuẩn bị cho mọi tình huống trong việc hợp tác với ông Trump. Trong cuộc điện đàm với ông Donald Trump (28/1), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từng khẳng định tại cuộc gặp sắp tới với Tổng thống Mỹ, ông muốn trao đổi thẳng thắn về các vấn đề an ninh và kinh tế.

 

Khẳng định quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật - ảnh 2
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã thực hiện chuyến thăm Nhật Bản trong hai ngày 6 -7/12. (Nguồn: AFP)


Ngay trước thềm chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Shinzo Abe, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng đã công du Nhật Bản. Trong các cuộc gặp tại Tokyo, ông Mattis  đưa ra nhiều tuyên bố đảm bảo an ninh quan trọng cho Tokyo, điều mà Nhật Bản rất muốn nghe từ phía Chính quyền Trump, trong đó có việc giữ vững cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông. Không chỉ vậy, trong một bình luận tại cuộc họp báo hôm 4/2 được giới chức Nhật Bản đánh giá là “ngạc nhiên”, ông Mattis đã ca ngợi Nhật Bản là “hình mẫu” cho việc chia sẻ gánh nặng chi phí dành cho các lực lượng đồn trú của Mỹ.

Khúc mắc còn tồn tại

Trong chuyến thăm Nhật Bản tuy Bộ trưởng James Mattis khẳng định về sự vững bền của liên minh nhưng Tokyo có thể vẫn chưa hoàn toàn yên tâm, nhất là bởi rất nhiều bất ổn khó lường đang nảy sinh do chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Donald Trump cũng như những bình luận mang tính đối đầu của ông về các mối quan hệ đồng minh thân thiết. Giáo sư Kazuhiro Maeshima thuộc Đại học Sophia, chuyên nghiên cứu chính sách đối ngoại và các vấn đề liên quan đến chính quyền Mỹ, cho rằng “những lo ngại luôn còn đó” bởi các cam kết có thể bị đảo ngược. Ông Maeshima cũng cảnh báo rằng Nhật Bản cần phải cẩn trọng và tránh để ông Trump dùng cam kết đảm bảo an ninh tại quần đảo mà phía Nhật Bản gọi là Senkaku (phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) làm quân bài mặc cả nhằm giành lấy những nhượng bộ từ phía Nhật Bản, nhất là trong các vấn đề kinh tế như đầu tư trực tiếp từ Mỹ.  Phó Giáo sư Ken Jimbo, thuộc Đại học Keio, nhìn nhận chuyến thăm Nhật Bản của ông Mattis dường như chủ yếu chỉ tập trung vào việc chia sẻ các nhận thức chung trong mối quan hệ liên minh và các thách thức an ninh khu vực, “để dành” những vấn đề khác cho các cuộc thảo luận về sau. Trước đó, khi tranh cử Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump từng tuyên bố yêu cầu các nước đồng minh trả tiền cho Mỹ để được bảo đảm an ninh.       
   

Về quan hệ kinh tế, vấn đề thậm chí được quan tâm hơn nhiều việc hợp tác quân sự, cơ bản, hai nền kinh tế hòa quyện vào nhau ở mức độ lớn. Tuy nhiên với quan điểm TPP có nhiều bất lợi cho người lao động và doanh nghiệp trong nước, ông Donald Trump đã nhất quyết muốn rút ra khỏi thỏa thuận ngay sau khi nhậm chức. Trong khi đó, Thủ tướng Abe lại là một người rất nhiệt thành với TPP. Vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ cũng từng chỉ trích việc các nhà sản xuất xứ sở cờ hoa thiếu cơ hội tiếp cận thị trường xe hơi Nhật Bản và rằng Tokyo đang lợi dụng chính sách tiền tệ để làm giảm giá đồng USD.

Chỉ vài giờ trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (20/1/2017), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từng nhấn mạnh liên minh Mỹ - Nhật là nhân tố cốt yếu và là “nguyên tắc không thay đổi” trong chính sách an ninh và đối ngoại của Tokyo. Vì vậy, hiện nay, mọi sự chú ý đang dồn vào cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Abe-Trump, sự kiện có khả năng tác động đáng kể tới “số phận” của mối liên minh kéo dài nhiều thập kỷ này.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu