Tiếp nối những căng thẳng giữa Mỹ và Iran thời gian gần đây, Tehran vừa tuyên bố thời hạn chờ đợi đã hết và nước này bắt đầu tăng cường làm giàu urani trên mức giới hạn 3,67% theo thỏa thuận đã ký hồi năm 2015 kể từ ngày 8/7. Điều này đồng nghĩa với việc sau rất nhiều nỗ lực để đạt được thỏa thuận hạt nhân, các bên đang trở lại vạch xuất phát ban đầu, thậm chí còn tồi tệ hơn. Cho tới nay, cả Mỹ và Iran đều thể hiện quan điểm cứng rắn và chưa bên nào có dấu hiệu nhượng bộ.
Trong diễn biến mới nhất, Thứ trưởng Ngoại giao Iran tuyên bố việc làm giàu uranium đã bắt đầu ngày 8/7, đồng thời, Tehran cho các quốc gia tham gia thỏa thuận 60 ngày để giải quyết các yêu sách của Iran về thỏa thuận này. Trong thời gian đó, Iran vẫn sẽ tiếp tục kế hoạch của mình. Thời gian càng lâu thì Iran sẽ càng làm giàu Uranium ở cấp độ cao hơn.
Các cuộc đàm phán kết thúc trong bế tắc
Theo JCPOA ký kết năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức), Iran hạn chế chương trình hạt nhân của nước này để đổi lấy việc được dỡ bỏ trừng phạt. Thỏa thuận quy định Iran chỉ được làm giàu urani ở mức 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 90% để chế tạo vũ khí hạt nhân và mức 20% mà Iran đã thực hiện trước khi thỏa thuận được ký kết. Bên cạnh đó, Iran được sản xuất urani có tỷ lệ làm giàu thấp với lượng tối đa 300 kg và lượng urani dư thừa có thể được bán ra nước ngoài.
Tuy nhiên, tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran. Ngày 8/5 vừa qua, đúng một năm sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA, Iran tuyên bố đình chỉ thực hiện một số cam kết, theo đó sẽ tăng mức làm giàu urani vượt ngưỡng 3,67%, đồng thời đặt thời hạn trong vòng 60 ngày 5 nước còn lại tham gia thỏa thuận phải thực hiện nghĩa vụ của họ để đảm bảo lợi ích kinh tế của Iran theo thỏa thuận. Tuy nhiên, 2 tháng sau (08/7), tức thời hạn 60 ngày trôi qua, các thành viên khác của nhóm P5+1 vẫn bất lực trong việc thuyết phục Mỹ quay lại với JCPOA và chấm dứt các lệnh trừng phạt đơn phương với Iran. Dù các nước EU đã đưa ra nhiều tuyên bố mạnh mẽ, khẳng định ủng hộ và bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran, nhưng trên thực tế, suốt hơn 1 năm qua, EU tỏ ra vẫn loay hoay trong "mớ bòng bong" những phương án trên giấy nhằm duy trì thỏa thuận này, song lại không có bước đi thực tế hiệu quả nào.
Sau sự thất bại trong các kênh liên lạc ngoại giao, việc bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 của Iran ở eo biển Gibraltar tiếp tục là một đòn nặng nề đối với Tehran, khiến các nhà lãnh đạo quốc gia Hồi giáo này không còn nhân nhượng được nữa. Tehran đã quyết định phá vỡ mức giới hạn dự trữ 300kg uranium nghèo; tiếp tục làm giàu lên cấp độ trên 3,67%; đồng thời chấm dứt việc cải tạo lò phản ứng hạt nhân nước nặng Arak theo hướng phục vụ mục đích dân dụng, đồng nghĩa với việc có thể nối lại hoạt động sản xuất Plutonium cấp độ vũ khí.
Cánh cửa đàm phán ngày càng hẹp
Kể từ khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm gây sức ép tối đa đối với Iran, cho tới nay, cả Mỹ và Iran đều thể hiện quan điểm cứng rắn và chưa bên nào có dấu hiệu nhượng bộ. Việc Iran tuyên bố từ ngày 7/7 bắt đầu làm giàu urani vượt mức tối đa cho phép theo thỏa thuận là bước đi đã được báo trước và có tính toán của Tehran, cho thấy sự kiên quyết của quốc gia Hồi giáo trong việc bảo vệ các lợi ích của mình.
Theo tuyên bố của Tehran, sở dĩ họ phải quyét định cứng rắn bởi vì Washington trắng trợn vi phạm thỏa thuận hạt nhân và đơn phương áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Iran, trong khi các nước còn lại trong P5+1 là Đức, Pháp, Anh, Trung Quốc và Nga lại không có khả năng giải quyết các vấn đề còn lại trong JCPOA về giải pháp đối với chương trình hạt nhân của Iran. Việc mất lòng tin vào EU nên rời xa hay nới lỏng những ràng buộc của mình với JCPOA là điều không tránh khỏi.
Có thể nói căng thẳng trong vấn đề Iran đã leo thang lên cấp độ nguy hiểm mới. Trong bối cảnh hiện nay, EU vẫn được coi là bên duy nhất có thể tháo ngòi nổ xung đột. Hiện, mọi hy vọng đổ dồn vào các nỗ lực ngoại giao mới khi Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết sẽ nhóm họp vào ngày mai (10/7) để tìm cách cứu vãn thỏa thuận hạt nhân. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đang nỗ lực làm trung gian nối lại đối thoại giữa Iran và các đối tác phương Tây. Chính phủ Anh đang nỗ lực cùng các bên khác tham gia JCPOA thúc đẩy những bước tiếp theo, trong đó có việc lập một ủy ban chung theo thỏa thuận hạt nhân. Rõ ràng, cánh cửa đàm phán vẫn còn nhưng rất hẹp. Iran vẫn để ngỏ một "khe cửa" cho hoạt động ngoại giao, song liệu EU có nắm bắt được cơ hội này hay không? Việc tháo gỡ căng thẳng Mỹ-Iran lúc này đang được xem là "phép thử" năng lực ngoại giao của EU, và một tính toán sai lầm có thể cắt đứt hẳn sợi dây mong manh níu giữ thỏa thuận hạt nhân.