Trong những năm qua, hợp tác giữa Việt Nam với Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) phát triển mạnh mẽ theo hướng ngày càng thực chất và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang ngày càng tích cực đóng góp nhiều sáng kiến giá trị, giúp thúc đẩy Chương trình Đông Nam Á của OECD, qua đó nâng cao chất lượng cải tổ mô hình kinh tế của khu vực.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: TTXVN |
Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), thành lập năm 1961, hiện có 38 quốc gia thành viên, hầu hết là các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới. Đây là tổ chức đi đầu trong nghiên cứu, tư vấn chính sách kinh tế-xã hội cho chính phủ các nước, kết nối và thúc đẩy việc xây dựng các cơ chế quản trị toàn cầu về tài chính, thuế, tăng trưởng xanh… Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và OECD đã phát triển mạnh mẽ trong hơn một thập kỷ qua và đang ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn, mang lại lợi ích cho Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á.
Hợp tác ngày càng chất lượng hơn
Tháng 3/2008, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Trung tâm phát triển OECD và kể từ năm 2012, Việt Nam luôn xây dựng kế hoạch hợp tác song phương với OECD theo từng giai đoạn: 2012-2015; 2016-2020 và 2021-2025. Bám sát phương hướng và các khung hợp tác được cam kết, Việt Nam và OECD đã phối hợp nghiên cứu, xây dựng hơn 10 báo cáo ở các lĩnh vực và cấp độ khác nhau. Trong giai đoạn 2019-2020, Bộ Ngoại giao và Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với OECD xây dựng Báo cáo “Đánh giá đa chiều của Việt Nam” (MDR). Đây là tài liệu công phu, có giá trị tham khảo và là một nghiên cứu đầu vào hữu ích cho quá trình xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021-2030) và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025) tại Việt Nam.
Tổng thư ký OECD, Mathias Cormann phát biểu tại Diễn đàn Bộ trưởng OECD-Đông Nam Á năm nay. Ảnh: TTXVN |
Ngoài ra, từ tháng 1/2019, Việt Nam và OECD đã đàm phán xây dựng Chương trình quốc gia, bao gồm 8 - 10 dự án hợp tác cụ thể thực hiện trong 3 năm (2020-2023). Chương trình quốc gia là cấp độ cao hơn trong hợp tác của OECD với một nước không phải thành viên, tức không chỉ gồm khuyến nghị, tư vấn chính sách mà còn hỗ trợ quá trình thực thi chính sách.
Phát biểu tại Diễn đàn Bộ trưởng OECD-Đông Nam Á năm nay, được tổ chức tại thủ đô Hà Nội (26-27/10), với chủ đề “Đầu tư bền vững và chất lượng: Động lực mới cho quan hệ đối tác OECD-Đông Nam Á”, Tổng thư ký OECD, Mathias Cormann, nhắc đến Việt Nam như một minh hoạ tiêu biểu cho sự hợp tác ngày càng chuyên biệt và chất lượng giữa OECD với các quốc gia:“Một ví dụ là Hướng dẫn về thẩm định các chuỗi cung ứng có trách nhiệm cho ngành dệt may và da giày Việt Nam, do OECD xây dựng, đã đáp ứng được các kỳ vọng rõ ràng, đồng thời bảo đảm tôn trọng được sự phát triển bền vững về môi trường và xã hội”.
Tích cực đóng góp cho hợp tác OECD-ASEAN
Không chỉ nâng cao chất lượng hợp tác song phương với OECD, Việt Nam cũng đang ngày càng chủ động, tích cực đóng góp nhiều hơn cho các hợp tác giữa OECD với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Từ năm 2014, khi OECD công bố Chương trình khu vực Đông Nam Á (SEARP) nhằm hỗ trợ tiến trình cải cách kinh tế của các quốc gia trong khu vực, Việt Nam luôn là một thành viên tích cực. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã tổ chức một loạt các sự kiện đối thoại chính sách quan trọng giữa OECD và ASEAN, như: Diễn đàn “Nâng cao năng suất gắn liền với phát triển bao trùm ở Đông Nam Á” (6/2016); Diễn đàn Bộ trưởng OECD-Đông Nam Á (10/2022) tại Hà Nội về “Kết nối khu vực: Thúc đẩy quan hệ đối tác hướng đến chuỗi cung ứng tự cường và bền vững” và Diễn đàn Bộ trưởng OECD-Đông Nam Á năm nay, với chủ đề về đầu tư bền vững và chất lượng.
Cùng với Australia, Việt Nam hiện là đồng Chủ tịch SEARP, nhiệm kỳ 2022-2025. Trên cương vị này, Việt Nam luôn chủ động đóng góp sáng kiến. Mới nhất, tại Diễn đàn Bộ trưởng OECD-Đông Nam Á, khai mạc hôm 26/10 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trần Lưu Quang, đã đề xuất 5 định hướng thúc đẩy đầu tư OECD-ASEAN, đồng thời giới thiệu các quan điểm đầu tư của Việt Nam, xem đây như một đóng góp cho các thảo luận về đầu tư bền vững và chất lượng giữa OECD và ASEAN:“Một, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư. Hai, là đồng hành với các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Ba, là tạo môi trường, hệ sinh thái sản xuất kinh doanh bình đẳng, minh bạch, lành mạnh và bền vững. Chúng tôi tin tưởng đây sẽ là nền tảng để tăng cường hợp tác đầu tư chất lượng cao giữa Việt Nam với OECD và các nước ASEAN”.
Các thành tích kinh tế ấn tượng và các sáng kiến đóng góp của Việt Nam được OECD đánh giá cao. Tổng thư ký OECD, Mathias Cormann, đánh giá Việt Nam là điểm sáng phát triển kinh tế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm. Trong báo cáo chuẩn bị cho Diễn đàn đầu tư OECD-Việt Nam, tổ chức ngày 27/10 tại Hà Nội, OECD cũng nhận định Việt Nam đang đi theo hướng tích cực trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn cao về đầu tư mà OECD đã định ra trong “Tuyên bố về đầu tư quốc tế và các công ty xuyên quốc gia”, văn bản có uy tín rất cao với giới đầu tư quốc tế.
OECD nhận xét Việt Nam là một trong những quốc gia cải cách kiên định nhất, có những tiến bộ đáng kể về môi trường đầu tư minh bạch cũng như cách hành xử kinh doanh có trách nhiệm (RBC). Đây là những yếu tố giúp Việt Nam ngày càng phát huy tốt hơn vai trò của mình trong việc tác động đến các chính sách cải cách quan trọng của khu vực.