Hợp tác ASEAN trong lĩnh vực cứu hộ, cứu nạn trên biển Đông

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Tăng cường hợp tác trong ASEAN cũng như ASEAN với Trung Quốc trong tìm kiếm và cứu hộ đối với người và tàu thuyền đi biển gặp nạn trên biển Đông là một phần trong kế hoạch triển khai bản Quy tắc hướng dẫn thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) được thông qua từ năm 2011. Trước tình hình biển Đông hiện nay vẫn luôn hiện hữu những rủi ro, phức tạp, ASEAN đang đẩy nhanh việc xây dựng các chính sách, coi đây vừa là biện pháp có ý nghĩa về mặt nhân đạo và xây dựng lòng tin, góp phần củng cố môi trường hòa bình, ổn định và trật tự ở biển Đông.

(VOV5) - Tăng cường hợp tác trong ASEAN cũng như ASEAN với Trung Quốc trong tìm kiếm và cứu hộ đối với người và tàu thuyền đi biển gặp nạn trên biển Đông là một phần trong kế hoạch triển khai bản Quy tắc hướng dẫn thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) được thông qua từ năm 2011. Trước tình hình biển Đông hiện nay vẫn luôn hiện hữu những rủi ro, phức tạp, ASEAN đang đẩy nhanh việc xây dựng các chính sách, coi đây vừa là biện pháp có ý nghĩa về mặt nhân đạo và xây dựng lòng tin, góp phần củng cố môi trường hòa bình, ổn định và trật tự ở biển Đông.

 

Hợp tác ASEAN trong lĩnh vực cứu hộ, cứu nạn trên biển Đông - ảnh 1
Hội thảo ASEAN – Trung Quốc với chủ đề “Tăng cường hợp tác ASEAN – Trung Quốc trong tìm kiếm và cứu hộ đối với người và tàu thuyền đi biển gặp nạn tại Biển Đông”


Biển Đông, không gian sinh tồn quan trọng từ ngàn đời nay của các dân tộc trong khu vực, đang ngày càng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người và tàu thuyền hoạt động tại đây. Nguyên nhân là do mật độ giao thương đang tăng cao. Biển Đông là tuyến đường hàng hải quan trọng, chiếm 2/3 lượng hàng hóa giao thương trên thế giới, ngư dân hoạt động ngày càng nhiều và xa bờ dài ngày trong khi trang thiết bị an toàn kém, trang thiết bị thông tin không đầy đủ.

 

Thời gian qua, đã có không ít các cuộc hội thảo, hội nghị được tổ chức từ cả hai phía, ASEAN và Trung Quốc, qua đó đã phần nào phản ánh nỗ lực của các bên trong hợp tác cứu hộ cứu nạn trên biển, nhất là xây dựng lòng tin, bắt đầu từ việc trao đổi những lĩnh vực ít nhạy cảm như nghiên cứu môi trường sinh thái biển, đa dạng sinh học biển… phù hợp với tinh thần của Tuyên bố DOC. Gần đây nhất, tháng 6/2013, Việt Nam đã tổ chức Hội thảo ASEAN-Trung Quốc về tìm kiếm và cứu hộ người và tàu thuyền đi biển gặp nạn tại biển Đông. Tại hội thảo này, Thứ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Quang Vinh cho biết: Vừa rồi ASEAN và Trung Quốc đã thực hiện được một số cuộc trao đổi và hội thảo và thông qua đó, các bên có thể hiểu được nhau, rồi sau đó có thể có những biện pháp đề xuất lên cấp chính phủ của hai bên để cùng hợp tác. Bởi vậy, ASEAN và Trung Quốc đã bàn với nhau rằng các biện pháp xây dựng lòng tin có thể giúp hiểu biết nhau tốt hơn, để có thể tìm ra những biện pháp phù hợp, từng bước tham gia hợp tác với nhau, trong khi đối với những chồng lấn đòi hỏi chủ quyền thì vẫn phải dựa những nguyên tắc rất quan trọng đã được quy định trong Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).

 

Bằng nhiều nỗ lực chung, đến nay, ASEAN và Trung Quốc đã thống nhất nhiều biện pháp cụ thể. Đáng chú ý là ASEAN và Trung Quốc mới đây đã nhất trí lập danh bạ các cơ quan đầu mối cứu hộ cứu nạn toàn khu vực, thống nhất ngôn ngữ giao tiếp bằng tiếng Anh giữa các trung tâm cứu hộ cứu nạn trong khu vực, thiết lập đường dây nóng, trực tiếp giữa các trung tâm cứu hộ cứu nạn, thiết lập Website cứu hộ cứu nạn ASEAN – Trung Quốc cập nhật thông tin liên tục thường xuyên; tăng cường nhận thức và tham gia của ngư dân, tận dụng cơ sở vật chất của các lực lượng dân sự khác trên biển như Dầu khí vào công tác cứu hộ cứu nạn… Tuy nhiên, để công tác này thực sự hiệu quả vẫn cần dựa trên một số nguyên tắc cơ bản. Thứ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Quang Vinh cho rằng: Thứ nhất là phải thực hiện trên mục đích nhân đạo. Đối với những người và tàu thuyền đi biển gặp nạn, họ là những người vô tội, không thể để vì những cái này hay cái khác trong khu vực mà để ảnh hưởng đến mục tiêu cứu trợ nhân đạo. Thứ hai là các bên phải chia sẻ chính sách với nhau để làm sao có cơ chế phối hợp. Thứ 3 là phải xác định được đầu mối của mỗi quốc gia trong khu vực để khi có sự cố xảy ra có thể liên hệ được trực tiếp. Và mỗi quốc gia khi tham gia thỏa thuận hợp tác này thì trong phạm vi khả năng của mình cần có biện pháp hỗ trợ cần thiết nhất và cuối cùng làm sao xây dựng được 1 cơ chế hợp tác trong khu vực.

 

Là quốc gia ven biển, với mong muốn và thiện chí thúc đẩy xây dựng lòng tin và hợp tác khu vực vì hòa bình, ổn định chung ở biển Đông, Việt Nam đã rất chú trọng thúc đẩy hợp tác khu vực về tìm kiếm và cứu hộ người và tàu thuyền gặp nạn trên biển. Theo thống kê, trong vài năm gần đây, tỷ lệ cứu hộ thành công ngư dân gặp nạn trên biển của Việt Nam đạt gần 87%, tỷ lệ cứu phương tiện đạt hơn 47%, trong đó các biện pháp sử dụng lực lượng tại chỗ chiếm hơn 50%. Qua đó có thể khẳng định việc tìm kiếm tại chỗ và trợ giúp của các lực lượng cứu hộ của các quốc gia ở gần rất quan trọng, không chỉ riêng với Việt Nam mà cả những quốc gia ven biển khác. Dù các quốc gia có trang bị tốt và sẵn sàng bao nhiêu cũng vẫn rất cần hợp tác quốc tế để phản ứng nhanh hơn, hiệu quả hơn với các tình huống khẩn cấp, nhờ đó ứng cứu được kịp thời hơn.

 

ASEAN và Trung Quốc đã vượt qua một chặng đường dài với không ít khó khăn, thách thức để đạt được Tuyên bố DOC và gần đây nhất là ASEAN và Trung Quốc cũng đã thông qua Tuyên bố nguyên tắc 6 điểm về biển Đông. Hai bên cũng đang trông đợi sớm chính thức khởi động đàm phán để đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC). Hợp tác ASEAN-Trung Quốc trong lĩnh vực cứu hộ, cứu nạn trên biển là một phần trong nỗ lực chung đó. Là những chủ thể chính trên biển, ngư dân cần phải được bảo đảm an toàn về tính mạng và tài sản và điều này là mối quan tâm chung của tất cả các quốc gia trong khu vực./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu