Hội nhập AEC: Hy vọng và cả những lo âu

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5)- Ngày 31/12/2015 Cộng đồng ASEAN (AEC) đã chính thức ra đời theo đúng lộ trình mà các nhà lãnh đạo ASEAN đưa ra. Cơ hội nhiều song lo âu cũng lớn, nếu không nhận thức được cơ hội mà AEC mang đến.
(VOV5)- Ngày 31/12/2015 Cộng đồng ASEAN (AEC) đã chính thức ra đời theo đúng lộ trình mà các nhà lãnh đạo ASEAN đưa ra. 

Đây là được coi là dấu mốc quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của khối, đồng thời cũng là dấu mốc trong tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Cơ hội nhiều song lo âu cũng lớn, nếu không nhận thức được cơ hội mà AEC mang đến.

Cộng đồng ASEAN dựa trên 3 trụ cột chính là Chính trị - an ninh, Kinh tế và Văn hóa – Xã hội, trong đó kinh tế đóng vai trò nền tảng của hội nhập.

Hội nhập AEC: Hy vọng và cả những lo âu - ảnh 1
Là cờ của Cộng đồng ASEAN tung bay trong gió. (ảnh: ITN).

Sân chơi lớn, cơ hội rộng mở

Cơ hội lớn nhất mà Việt Nam được hưởng lợi từ AEC là tạo ra một thị trường khu vực liên kết khi tất cả hàng rào thuế, phi thuế giữa 10 nước được loại bỏ, các nước ASEAN sẽ có thị trường 625 triệu dân với GDP 2.600 tỉ USD. ASEAN hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Đây cũng là thị trường đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của Việt Nam. Trên cơ sở mức độ quan hệ thương mại như vậy, khi hình thành AEC sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho kinh tế của Việt Nam. Ông Nguyễn Sơn, Phó Vụ trưởng Ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, Bộ Công Thương, nhận định: “Cơ hội thứ nhất đó là một thị trường khu vực liên kết, cơ hội kinh doanh được rộng mở. Thứ 2, khu vực ASEAN cũng như các nước trong khu vực đều sở hữu rất nhiều FTA. Một doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư vào thị trường này không chỉ tiếp cận thị trường khu vực ASEAN mà còn có cơ hội thâm nhập những thị trường mà ASEAN đang có FTA. Với một mạng lưới rộng khắp các FTA mà Việt Nam cũng như các nước ASEAN đã ký kết thì  ASEAN đang trở thành khu vực cạnh tranh lớn về thu hút đầu tư nước ngoài so với nhiều khu vực khác.”

AEC không chỉ toàn mầu hồng

Tuy nhiên, việc trở thành một yếu tố của AEC đối với Việt Nam không đơn giản chỉ toàn màu hồng. Một cộng đồng kinh tế ASEAN được hình thành cũng đồng nghĩa với việc các thị trường đều bình đẳng như nhau. Nếu một thị trường kém thuận lợi hơn sẽ tụt hậu hơn do sự cạnh tranh nội bộ gay gắt hơn. Nếu môi trường đầu tư của Việt Nam không đủ sức hấp dẫn, thì thậm chí có những nhà đầu tư đang làm ăn với Việt Nam sẽ chuyển sang đầu tư ở các nước ASEAN khác có thuận lợi hơn về đầu tư, dung lượng thị trường và quy mô sản xuất. Trong khi đó, trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam dù đã cải thiện vị trí nhưng chưa bao giờ vượt qua được 6 nước thành viên cũ của ASEAN. Hiện nay, trong đánh giá khảo sát của các phòng thương mại về môi trường đầu tư kinh doanh của các nước ASEAN, Việt Nam vẫn bị thang điểm thấp nhất trong 3 lĩnh vực: minh bạch chính sách, chính sách thuế và hải quan. Còn về thương mại hàng hóa, thách thức lớn nhất đối với Việt Nam là từ nay đến năm 2018 phải loại bỏ nốt thuế quan đối với 7% dòng thuế nhạy cảm (khoảng 400 dòng thuế). Những dòng thuế này trước đây được xếp vào danh mục nhạy cảm cao, nghĩa là những mặt hàng Việt Nam có năng lực cạnh tranh thấp. Thêm vào đó, các doanh nghiệp Việt Nam còn “thờ ơ” trước quá trình hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN. Khảo sát của Viện nghiên cứu Đông Nam Á chỉ ra rằng mức độ quan tâm của doanh nghiệp Việt Nam thấp nhất trong khu vực ASEAN. Ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm WTO thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: “Tôi cho rằng, các doanh nghiệp hiện nay có rất ít thông tin về Cộng đồng kinh tế ASEAN. Cái này chúng tôi đã có khảo sát. Đây là thách thức lớn nhất bởi vì doanh nghiệp sẽ không tận dụng cơ hội mình nằm ở đâu hoặc thách thức đến nhưng không có sự chuẩn bị. Như vậy thì doanh nghiệp của ta sẽ bị thua thiệt nhiều khi ta đứng vào AEC.”

Hành động vĩ mô và sự tự chủ của doanh nghiệp

Nhận thức rõ được thách thức mới có thể tận dụng được cơ hội. Đó chính là điều mà các nhà hoạch định chính sách cũng như các doanh nghiệp Việt Nam cần làm. Trong một cuộc hội thảo được tổ chức hồi đầu năm nay, sau khi Cộng đồng ASEAN tuyên bố hình thành, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh sự cần thiết phải tạo ra một sự chuyển biến nhận thức từ cấp vĩ mô cho đến doanh nghiệp và từng người dân, làm sao để hiểu rõ hơn về cộng đồng, cảm nhận về Cộng đồng như một bộ phận không thể tách rời của mình. Ở tầm vĩ mô, trong quá trình tiến tới hình thành Cộng đồng ASEAN, Việt Nam đã có những bước chuẩn bị sẵn sàng hội nhập: “Khi ASEAN bắt đầu triển khai lộ trình xây dựng Cộng đồng từ năm 2009, chúng ta cũng đã xây dựng đề án về phương hướng và biện pháp Việt Nam tham gia hợp tác đến 2015 cũng như hành động Chính phủ đề triển khai. Trong chiến lược hội nhập quốc tế, chúng ta cũng đề ra những định hướng để cùng với các nước ASEAN xây dựng cộng đồng và triển khai tầm nhìn đến 2025 với những nội dung ưu tiên cao.”

Tuy nhiên, bên cạnh những chính sách vĩ mô, bản thân doanh nghiệp phải tự chủ trong quá trình hội nhập. Rõ ràng,  cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn, cả về sản phẩm, thị trường, về nguồn nhân lực chất lượng cao, đòi hỏi sự sẵn sàng của doanh nghiệp để tận dụng hết cơ hội cho phát triển.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu