Hội nghị giữa kỳ Trung ương: Phiếu tín nhiệm là cơ sở để đánh giá, bố trí, điều động cán bộ

Lại Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Điểm đột phá quan trọng của Quy định 96 là thông qua bỏ phiếu tín nhiệm để đánh giá cán bộ, nếu không đạt được yêu cầu tín nhiệm cần thiết sẽ miễn nhiệm.

Ngày 17/5, Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 13 bế mạc sau 3 ngày làm việc (15-17/5). Một nội dung quan trọng của Hội nghị là Trung ương lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư Khóa 13. Đây không phải lần đầu Ban Chấp hành Trung ương lấy phiếu tín nhiệm với những vị trí này.

Hội nghị giữa kỳ Trung ương: Phiếu tín nhiệm là cơ sở để đánh giá, bố trí, điều động cán bộ - ảnh 1Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự phiên bế mạc Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tuy nhiên, điểm khác biệt là với Quy định 96 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị vừa ban hành,việc lấy phiếu tín nhiệm không chỉ có ý nghĩa tham khảo, góp phần vào đánh giá cán bộ, mà còn được sử dụng trực tiếp vào công tác đánh giá, bố trí, điều động và thực hiện chính sách đối với cán bộ. Đây cũng là cơ sở chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ tới.

Ở nhiệm kỳ Khóa 11 và Khóa 12, Ban Chấp hành Trung ương đã thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư. Theo dõi việc lấy phiếu tín nhiệm ở hai nhiệm kỳ trước, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, đánh giá: việc lấy phiếu tín nhiệm đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư ở 2 khóa vừa qua là tốt, phản ánh khách quan, chính xác. Đến nay, Bộ Chính trị vẫn lấy theo 3 mức là "tín nhiệm cao", "tín nhiệm" và "tín nhiệm thấp".

Tin tưởng vào kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này, ông Nguyễn Đức Hà cho rằng: “Ban Chấp hành Trung ương lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, rõ ràng trách nhiệm cao hơn hẳn. Anh đã là Ủy viên trung ương, suy nghĩ, quan điểm của anh phải khác. Tuy là một kênh thông tin nhưng lại là kênh thông tin rất quan trọng giúp cho việc đánh giá. Nếu Ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên Ban Bí thư nào được phiếu tín nhiệm cao thì ít nhất đây cũng là sự đánh giá, một phần thưởng đối với họ. Người nào thực hiện công việc được giao chưa thật xuất sắc, phiếu tín nhiệm không được cao thì bản thân người đó có điều kiện suy ngẫm lại để sửa chữa”.

So với nhiệm kỳ Khóa 11 và Khóa 12, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu lần này được thực hiện theo Quy định 96 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Điểm đột phá quan trọng của Quy định 96 là thông qua bỏ phiếu tín nhiệm để đánh giá cán bộ, nếu không đạt được yêu cầu tín nhiệm cần thiết sẽ miễn nhiệm. Cụ thể là “những người có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp sẽ phải miễn nhiệm chức vụ đang giữ và bố trí công tác khác thấp hơn mà không chờ đến hết nhiệm kỳ hoặc hết thời hạn bổ nhiệm”.

Hội nghị giữa kỳ Trung ương: Phiếu tín nhiệm là cơ sở để đánh giá, bố trí, điều động cán bộ - ảnh 2Phó Giáo sư Tiến sỹ Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương. Ảnh: quochoi.vn

Là thành viên góp ý vào Đề án lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư của Ban Chấp hành Trung ương lần này, Phó Giáo sư Tiến sỹ Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, đánh giá: “Điểm mới đột phá trong quy định 96 của Bộ Chính trị là: nếu trước đây coi việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ là một tài liệu tham khảo, góp phần vào việc đánh giá cán bộ, thì Quy định 96 lần này khẳng định: “Phiếu tín nhiệm là cơ sở để đánh giá cán bộ, là cơ sở để bố trí điều động và thực hiện chính sách cán bộ”. Như vậy, vị trí, vai trò, ý nghĩa của lấy phiếu tín nhiệm theo Quy định 96 là ở mức cao hơn, quyết liệt hơn so với quy định lần trước”.

Điểm đáng chú ý là Quy định 96 đã bổ sung thêm tiêu chí về sự gương mẫu của không chính cán bộ lãnh đạo quản lý, mà còn của cả vợ, chồng, con của họ, trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như trách nhiệm nêu gương của cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm. Đây là tiêu chí quan trọng để có tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo quản lý.

Xuất phát từ ý nghĩa, tầm quan trọng và tính chất của việc lấy phiếu tín nhiệm tại Hội nghị giữa kỳ của Ban Chấp hành Trung ương lần này, nhân dân cũng kỳ vọng việc lấy phiếu tín nhiệm là cơ sở quan trọng để chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ tới.  

Lấy phiếu tín nhiệm ghi nhận, đánh giá năng lực cố gắng của những người được phiếu tín nhiệm cao, đồng thời với những cán bộ thực hiện công việc được giao chưa thật tốt, phiếu tín nhiệm chưa cao có điều kiện suy ngẫm để “tự soi, tự sửa”.

Tại kỳ họp này, các Uỷ viên Trung ương Đảng đã phát huy tinh thần, trách nhiệm, đánh giá đúng phẩm chất, năng lực, kết quả thực hiện chức trách được giao và uy tín của người được lấy phiếu tín nhiệm, góp phần xây dựng củng cố chất lượng đội ngũ cán bộ và làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu