Hoa Kỳ củng cố, tạo dựng chỗ đứng chiến lược ở lục địa đen

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5)- Ngoại tưởng Mỹ Hillary Clinton đang có chuyến công du dài ngày tới 6 nước châu Phi. Diễn ra ngay sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố chiến lược mới đối với vùng phía Nam sa mạc Sahara, tháng 6 vừa qua, chuyến công du của bà Hillary Clinton là sự tiếp nối cam kết của chính quyền Mỹ đưa châu Phi trở thành ưu tiên trong chính sách đối ngoại.

(VOV5)- Ngoại tưởng Mỹ Hillary Clinton đang có chuyến công du dài ngày tới 6 nước châu Phi. Diễn ra ngay sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố chiến lược mới đối với vùng phía Nam sa mạc Sahara, tháng 6 vừa qua, chuyến công du của bà Hillary Clinton là sự tiếp nối cam kết của chính quyền Mỹ đưa châu Phi trở thành ưu tiên trong chính sách đối ngoại.

Hoa Kỳ củng cố, tạo dựng chỗ đứng chiến lược ở lục địa đen - ảnh 1
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton - Ảnh: Reuter


Chuyến công du 11 ngày tới 6 nước châu Phi của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, bắt đầu từ ngày 31/7, đang thể hiện bước đi thực dụng và khôn ngoan trong chính sách ngoại giao của nước Mỹ. Chuyến thăm diễn ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố chiến lược mới với Châu Phi gồm 4 cột trụ: củng cố các định chế dân chủ; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư; thúc đẩy hòa bình và an ninh; khuyến khích phát triển, một lần nữa, khẳng định cam kết theo đuổi, tạo dựng ảnh hưởng mạnh mẽ ở Lục địa đen của Tổng thống Barack Obama ngay từ khi mới nhậm chức.


Theo lịch trình chuyến thăm, tại Senegal, Ngoại trưởng Mỹ có bài phát biểu tại trường Đại học Cheikh Anta Diop ở thủ đô Dakar, sau đó gặp Tổng thống Senegal Macky Sall để khẳng định cam kết, Washington coi Senegal là đối tác đáng tin cậy nhất của Mỹ tại cộng đồng Pháp ngữ ở châu Phi. Tại chặng dừng chân ở Nam Sudan, Ngoại trưởng Mỹ sẽ hội đàm với Tổng thống Salva Kiir, tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đồng thời thúc đẩy tiến trình đàm phán với Sudan nhằm đạt được thỏa thuận về các vấn đề liên quan đến an ninh, dầu mỏ và quyền công dân giữa hai nước này. Trước khi về nước, ngày 10/8, bà Clinton sẽ dừng chân ở Uganda và hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Yoweri Museveni để trao đổi về tình hình bùng phát virus Ebola đã làm 14 người thiệt mạng tại nước này. Tại Kenya, Ngoại trưởng Mỹ sẽ có các cuộc hội đàm với các quan chức cấp cao Kenya để nhấn mạnh sự ủng hộ của Mỹ đối với việc hoàn tất tiến trình chuyển giao chính trị ở Somalia (vào ngày 20/8). Sau khi thăm Malawi, bà Hillary Clinton cùng đoàn doanh nghiệp Mỹ sẽ đến Nam Phi để tham dự Đối thoại chiến lược Mỹ-Nam Phi với trọng tâm là thúc đẩy quan hệ đối tác giữa hai nước.


Mặc dù, với trọng tâm là thúc đẩy dân chủ, tăng trưởng kinh tế cũng như hòa bình và an ninh khu vực, nhưng giới quan sát cho rằng, chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ ẩn chứa nhiều điều. Trước hết, xét về địa lý liên quan đến chính trị, châu Phi, với diện tích hơn 30 triệu km2, chiếm 1/5 diện tích toàn cầu, từ lâu nổi tiếng với nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là kim loại quý hiếm và dầu mỏ. Những năm gần đây, cùng với những mỏ dầu mới phát hiện ở khu vực Vịnh Guine, châu Phi nhanh chóng chiếm một vị trí quan trọng trên bản đồ phân phối nguồn năng lượng quan trọng này của thế giới. Bên cạnh nguồn khoáng sản dồi dào, với diện tích trồng trọt khá mầu mỡ và những cánh rừng rộng lớn, châu Phi còn là nơi cung cấp nhiều mặt hàng nông sản - lâm sản nổi tiếng cho thị trường thế giới. Chính nhân tố đó đã khiến Lục địa đen này không chỉ được các cường quốc thực dân trước đây mà nhiều “nhà chiến lược” ngày nay quan tâm đến như một “thế giới mơ ước”. Bởi vậy, chuyến thăm của bà Hillary Clinton cũng nhằm khẳng định những toan tính của Nhà Trắng, nó diễn ra ngay sau khi Trung Quốc tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 5 Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC), ngày 20/7 vừa qua, tại Bắc Kinh. Tại hội nghị này, Trung Quốc đã thành công với các mục tiêu đặt ra của mình như quyết tâm làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác chiến lược mới, củng cố vững chắc sự đoàn kết giữa các quốc gia đang phát triển. Chắc chắn, với Washington, tham vọng tạo được ảnh hưởng có tính chi phối định hướng ở châu lục này phải được khẳng định trước các cường quốc khác, đặc biệt là Trung Quốc.


Có thể thấy một thực tế, khi chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Mỹ G. Bush tập trung quá nhiều vào cuộc chiến chống khủng bố cùng 2 vũng lầy tại Iraq và Afghanistan mà bỏ qua những lợi ích tại châu lục này, Bắc Kinh đã có được chỗ đứng ở Lục địa đen. Trung Quốc hiện đang là nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại nhiều quốc gia châu Phi. Kim ngạch thương mại Trung Quốc - châu Phi tăng nhanh chóng trong vài năm trở lại đây. Để giải quyết cơn khát năng lượng, nguyên vật liệu và việc làm để đáp ứng nhu cầu đang tăng mạnh trong nước, Trung Quốc không ngần ngại đổ tiền vào châu Phi. Các nhà đầu tư từ Bắc Kinh gia tăng xây dựng nhà xưởng, khai mỏ, xây dựng đường sá, đập và hàng loạt các cơ sở hạ tầng khác. Trung Quốc đã dành cho châu Phi khá nhiều ưu đãi như mở cửa thị trường hàng hóa, nâng số lượng hàng hóa được miễn thuế từ 190 mặt hàng lên 440 mặt hàng cho 28 quốc gia kém phát triển tại châu lục này, đồng thời tuyên bố xóa 150 khoản nợ cho 32 nước châu Phi. Tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 5 Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi diễn ra hôm 20/7 vừa qua, Bắc Kinh cam kết rót 20 tỷ USD cho khu vực này và khoản tín dụng này sẽ được giải ngân trong vòng 3 năm tới.


Chính điều này càng khiến chính quyền của ông B. Obama không thể chậm chân trong cuộc đua quan trọng này. Bộ Năng lượng Mỹ đã từng cam kết rằng, đến năm 2020, mỗi năm Mỹ sẽ nhập khẩu trên 770 triệu thùng dầu của châu Phi. Hội đồng Tình báo quốc gia Mỹ còn ước tính, vào năm 2015, lượng dầu nhập khẩu từ châu Phi sẽ chiếm 25% tổng khối lượng dầu nhập khẩu của Mỹ, so mức 15% hiện nay. Dư luận cho rằng, chuyến thăm đang diễn ra của Ngoại trưởng Mỹ Clinton là động thái để tăng cường mối quan hệ và ảnh hưởng của Mỹ với các đồng minh ở lục địa này, qua đó thiết lập một liên minh mới để khai thác các nguồn lợi tài nguyên tại đây./.


Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu