Hiểu đúng về việc lấy ý kiến nhân dân để sửa đổi Hiến pháp 1992

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5)- Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 của Việt Nam đang trong quá trình lấy ý kiến nhân dân cả nước về các nội dung quan trọng như thể chế chính trị, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, việc bảo vệ Tổ quốc, bộ máy nhà nước và hiệu lực Hiến pháp...Quá trình lấy ý kiến nhân dân bằng nhiều hình thức, kéo dài trong ba tháng, thực sự là việc làm cần thiết và ý nghĩa để nhân dân khẳng định quyền lực của mình trong việc tham gia xây dựng Hiến pháp.

(VOV5)- Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 của Việt Nam đang trong quá trình lấy ý kiến nhân dân cả nước về các nội dung quan trọng như thể chế chính trị, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, việc bảo vệ Tổ quốc, bộ máy nhà nước và hiệu lực Hiến pháp...Quá trình lấy ý kiến nhân dân bằng nhiều hình thức, kéo dài trong ba tháng, thực sự là việc làm cần thiết và ý nghĩa để nhân dân khẳng định quyền lực của mình trong việc tham gia xây dựng Hiến pháp.

Hiểu đúng về việc lấy ý kiến nhân dân để sửa đổi Hiến pháp 1992 - ảnh 1


Trước khi diễn ra quá trình lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong những ngày này, Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, được Quốc hội khóa 13 thông qua tại kỳ họp thứ 4, tháng 10-2012, khẳng định việc lấy ý kiến nhân dân nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân và tạo sự đồng thuận của nhân dân trong việc xây dựng Hiến pháp để Hiến pháp thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Ngay khi Nghị quyết được ban hành, dư luận đánh giá cao hoạt động lấy ý kiến nhân dân vào việc sửa đổi Hiến pháp lần này.

Hiểu đúng về việc lấy ý kiến nhân dân để sửa đổi Hiến pháp 1992 - ảnh 2

Tổ chức lấy ý kiến nhân dân đóng góp dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Ông Đinh Công Sỹ, đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, khẳng định rõ: “Việc lấy ý kiến của nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là hoạt động có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bởi vì việc lấy ý kiến này chính là thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân và nhân dân có thể thể hiện được những quan điểm, nguyện vọng, cũng như mong muốn của mình vào các vấn đề lớn được thể hiện trong Hiến pháp.

Cũng về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đóng góp dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong tờ trình tại kỳ họp Quốc hội thứ 4, nhấn mạnh: Sửa đổi Hiến pháp là công việc hệ trọng của quốc gia. Nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp.Việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với Hiến pháp và việc thi hành Hiến pháp. Điều này đã được thực tế chứng minh trong những ngày này, khi người dân cả nước đang tích cực thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, đóng góp ý kiến bằng nhiều hình thức, trên mọi diễn đàn, về bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Hiểu đúng về việc lấy ý kiến nhân dân để sửa đổi Hiến pháp 1992 - ảnh 3

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ trì Hội nghị toàn quốc triển khai việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ảnh: TTXVN

Ông Nguyễn Thuận, Phó Chủ tịch hội Luật gia thành phố Đà Nẵng, cho biết: “Việc triển khai lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là  hoạt động mà cán bộ nhà nước và nhân dân các cấp rất quan tâm. Bởi vì họ mong muốn sự đổi mới cụ thể của đất nước trước tiên qua Hiến pháp. Việc đưa Hiến pháp ra toàn dân góp ý là phù hợp với trào lưu trên thế giới. Tức là làm thế nào các cơ chế pháp luật có sự tham gia của người dân. Mở rộng đối tượng tham gia góp ý xây dựng Hiến pháp, pháp luật đến tận người dân thì mới nghe được ý kiến của nhân dân”.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, khóa XI, tháng 7-2011, xác định rõ: “Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là công việc hệ trọng cần được tiến hành chặt chẽ, khoa học, dưới sự lãnh đạo của Đảng; động viên sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học và lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân”. Như vậy, cả hệ thống chính trị của Việt Nam đều đánh giá cao vai trò đặc biệt quan trọng của nhân dân trong việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp. Thực tế trong lịch sử lập hiến của Việt Nam, các bản Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 (vào năm 2001) đều có nhân dân tham gia đóng góp ý kiến trong quá trình sửa đổi. Như vậy, việc lấy ý kiến nhân dân để sửa đổi, bổ sung Hiến pháp ở Việt Nam từ trước đến nay là một việc làm bình thường, đúng pháp luật. Thực tiễn cho thấy, Việt Nam trải qua 4 lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và cả 4 lần đều thu được kết quả tốt đẹp. Các bản Hiến pháp đã góp phần là kim chỉ nam, là hành lang pháp lý cơ bản để nhà nước Việt Nam phát triển theo đúng mục tiêu đặt ra là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Hiểu đúng về việc lấy ý kiến nhân dân để sửa đổi Hiến pháp 1992 - ảnh 4

Hội nghị trực tuyến tại đầu cầu Đồng Nai. Ảnh: P. Hằng

Về việc lấy ý kiến nhân dân về bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này, Nghị quyết của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 13 đã yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương cả nước tổ chức lấy ý kiến nhân dân với các hình thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân cả ở trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào việc xây dựng Hiến pháp. Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải được tiến hành dân chủ, khoa học, công khai. Ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác; phải được nghiên cứu tiếp thu nghiêm túc để hoàn thiện, nâng cao chất lượng dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Như vậy, lấy ý kiến nhân dân để sửa đổi Hiến pháp đã và đang được tiến hành trên thực tế, thực sự là đợt sinh hoạt chính trị thiết thực, hiệu quả và rộng khắp của người dân cả nước./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu