Hành lang pháp lý phòng chống tham nhũng có hiệu quả

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Trong hơn 6 năm qua, cuộc chiến phòng chống tham nhũng ở Việt Nam thu được những thành quả rất quan trọng, tạo niềm tin lớn cho nhân dân.

Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 có hiệu lực từ ngày 1/7/2019, đánh dấu bước tiến mới và tạo thêm cơ sở pháp lý quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng ở Việt Nam. Hơn 6 năm qua, kể từ ngày Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng được thành lập, cuộc chiến phòng chống tham nhũng ở Việt Nam thu được những thành quả rất quan trọng, tạo niềm tin lớn cho nhân dân.

Hành lang pháp lý phòng chống tham nhũng có hiệu quả - ảnh 1 Một góc thành phố mới Thủ Thiêm, Quận 2, thành phố Hồ Chí Minh. - Ảnh: Nam Trần/tuoitre

Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra Khu đô thị mới Thủ Thiêm thuộc thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một trong những vụ sai phạm về kinh tế lớn, diễn ra trong thời gian dài, được dư luận đặc biệt quan tâm. Kết luận thanh tra đã chỉ rõ trong quá trình thực hiện đầu tư, xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, UBND thành phố Hồ Chí Minh và các sở, ngành liên quan đã có nhiều khuyết điểm, vi phạm.

Hàng loạt vụ tham nhũng lớn được đưa ra ánh sáng

Khu đô thị mới Thủ Thiêm là một trong  nhiều vụ sai phạm lớn về kinh tế đã được đưa ra ánh sáng trong mấy năm gần đây. Theo Thanh tra Chính phủ, hơn 6 năm qua, kể từ khi Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng được thành lập theo quyết định của Bộ Chính trị, công tác phòng chống tham nhũng thu được nhiều kết quả quan trọng. Nhiều đại án kinh tế tham nhũng bị triệt phá, thu hồi lại tài sản cho Nhà nước và nhân dân, nhiều quan chức thoái hóa biến chất bị truy tố và chịu hình phạt nghiêm khắc của pháp luật. Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Đặc biệt, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra làm rõ nhiều vụ việc sai phạm rất nghiêm trọng liên quan đến tham nhũng, quyết định kỷ luật và đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật nhiều tổ chức đảng và đảng viên là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước vi phạm, cả đương chức, chuyển công tác và đã nghỉ hưu. Đồng thời, các cơ quan Nhà nước đã kỷ luật tương xứng với kỷ luật của Đảng đối với cán bộ, công chức sai phạm, bảo đảm kịp thời, đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng và kỷ luật theo pháp luật của Nhà nước. Việc xét xử được đổi mới theo hướng công khai, dân chủ, minh bạch, theo đúng quy định của pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, nghiêm minh, thấu tình đạt lý, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Hành lang pháp lý ngăn ngừa tham nhũnghiệu quả

Cùng với các cơ chế chính sách của Nhà nước, công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng, Luật phòng chống tham nhũng 2018 có hiệu lực từ ngày 1/7/2019 là một trong những "vũ khí" quan trọng trên trận tuyến phòng chống tham nhũng. So với Luật phòng chống tham nhũng 2005, Luật phòng chống tham nhũng 2018 có nhiều điểm mới. Theo đó, đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập không còn được gói gọn ở “một số cán bộ, công chức” như quy định tại luật cũ, mà được mở rộng đến sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; người giữ chức vụ từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân… Ngoài phải kê khai các loại tài sản, thu nhập như quy định trước đây, luật mới còn yêu cầu các đối tượng nêu trên còn phải kê khai thêm công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng. Luật phòng chống tham nhũng 2018 nêu rõ, bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc.

Luật phòng chống tham nhũng 2018 còn quy định cơ quan nào để xảy ra tham nhũng, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Trong đó, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trực tiếp nếu người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ tham nhũng. Cấp phó phải chịu trách nhiệm trực tiếp nếu xảy ra tham nhũng trong lĩnh vực công tác và trong đơn vị do mình được giao trực tiếp phụ trách; người đứng đầu phải chịu trách nhiệm liên đới…

Tham nhũng không chỉ có ở Việt Nam mà đã trở thành quốc nạn ở nhiều nước trên thế giới. Phòng chống tham nhũng là quyết tâm lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và toàn xã hội. Luật phòng chống tham nhũng 2018 với những quy định mới sẽ tạo ra bước đột phá mới cho công cuộc phòng chống tham nhũng ở Việt Nam. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu