(VOV5) - Ngày 28/6 tại Brussel, Bỉ, Liên minh Châu Âu (EU) tổ chức phiên họp toàn thể đặc biệt để thông qua một nghị quyết về các thủ tục Anh ra khỏi EU (còn gọi là Brexit). Diễn ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh EU, phiên họp khẩn cấp này nhằm tập trung đề ra những bước đi cần thiết tiếp theo của EU, đảm bảo cho khối này không rơi vào khủng hoảng.
|
Thủ tướng Anh David Cameron tại thủ đô London ngày 27/6. AFP/TTXVN |
Quyết định “dứt áo ra đi” của người dân Anh ngày 23/6 vừa qua có thể coi là một bước ngoặt lịch sử của lục địa này. Sự ra đi của Anh, một thành viên quan trọng trong EU, đã và đang đặt ra những thách thức rất lớn cho khối, đe dọa nghiêm trọng tới những nỗ lực hội nhập tiếp theo.
Hậu Brexit gặp nhiều trắc trở
Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra trong 2 ngày 28 và 29/6 được xem là một trong những hội nghị “cay đắng” nhất trong lịch sử khi tại đây, các nhà lãnh đạo EU bàn thảo về Brexit và quá trình Anh làm thủ tục rời khỏi khối. Dự tính quá trình này phải kéo dài 2 năm mới hoàn tất dựa trên một điều khoản trong Hiệp ước Lisbon về EU. Tuy nhiên, tiến trình này, theo các nhà quan sát, đang gặp vô vàn trắc trở. Rắc rối nảy sinh xung quanh điều khoản này bởi từ trước tới nay EU chưa từng phải đối mặt với một kịch bản “ly hôn” như hiện nay nên khó tránh khỏi lúng túng. Thêm vào đó, Thủ tướng Anh David Cameron, người tuyên bố sẽ từ chức, cho biết không thực hiện bước đi chính thức để Anh rời khỏi EU mà việc đó sẽ do người kế nhiệm ông làm. Cuộc trưng cầu dân ý vừa qua không ràng buộc về pháp lý nên một số chính trị gia đang đề nghị Quốc hội Anh bỏ phiếu trước khi chính thức khởi động Brexit. Chính quyền Scotland cho biết có thể sẽ bỏ phiếu phủ quyết Brexit. Theo thỏa thuận giữa Anh với Scotland, xứ Wales và bắc Ireland, đạo luật do London ban hành nhằm thông qua quyết định rời EU sẽ phải được sự đồng thuận của 3 cơ quan lập pháp của cả 3 vùng trên. Trong khi đó, giới lãnh đạo EU thì muốn Brexit diễn ra nhanh chóng nhằm hạn chế các hệ lụy cho Brexit gây ra. Vì vậy, trung tâm của lo ngại hiện nay là cuộc tranh cãi giữa London và các thành viên còn lại của khối về thời điểm và cách thức mà nước Anh sẽ rời bỏ liên minh.
Những tác động tiêu cực từ Brexit
Brexit ngay lập tức gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, chính trị cho cả Anh, EU. Trước tiên, đối với Anh, nhìn tổng thể, rời khỏi EU, quy mô nền kinh tế nước này sẽ giảm 3,8%-7,5%. Không chỉ tác động về kinh tế, Brexit đã gây ra tác động chính trị rõ ràng. Việc Thủ tướng Anh David Cameron từ chức có thể là sự khởi đầu cho một cuộc khủng hoảng trong Đảng Bảo thủ cầm quyền cũng như trong hệ thống chính trị Anh. Nhiều ý kiến còn lo ngại Brexit châm ngòi cho một cơn suy thoái hay khủng hoảng kinh tế đi kèm. Đối với EU, trong bối cảnh châu Âu tiếp tục đối mặt với các cuộc khủng hoảng kinh tế – tài chính và các vấn đề gây bức xúc khác như người nhập cư và chủ nghĩa khủng bố, Brexit làm cho tư tưởng hoài nghi châu Âu gia tăng. Về mặt kinh tế, EU hứng chịu những gánh nặng không hề nhỏ. Về ngân khố, 27 thành viên còn lại của EU sẽ phải bổ sung phần ngân sách còn thiếu của EU sau khi Anh cắt đứt với khối. Về thương mại, các nước thành viên còn lại của EU hiện có thặng dư thương mại hàng hóa khoảng 100 tỷ euro với Anh. Theo các chuyên gia kinh tế, Brexit sẽ tạo ra các rào cản thương mại giữa London với EU, đồng thời khiến tăng trưởng kinh tế Anh suy giảm và đồng bảng Anh mất giá, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của liên minh sang “xứ sở sương mù”.
Kề vai sát cánh sau cơn địa chấn
Sự ổn định hiện là điều cần thiết cho cả 27 nước thành viên EU cũng như Vương quốc Anh. Vì vậy, nhiệm vụ cấp bách hiện nay là làm thế nào để giữ vững cấu trúc cho tương lai của khối, bảo vệ Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone), ngăn chặn những tác động đang xảy ra với đồng bảng Anh và trên các thị trường tài chính. Chính vì vậy, các cuộc ngoại giao con thoi của các nhà lãnh đạo EU đang diễn ra không ngừng nghỉ trong những ngày qua.
Trong cuộc điện đàm ngày 26/6, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã hoàn toàn nhất trí về phương pháp giải quyết các tình huống sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 ở Anh. Hai bên khẳng định sự cần thiết cùng hành động để ngăn ngừa mất mát trong EU. Đức và Pháp hiện đã hoàn tất soạn thảo tài liệu 10 trang liên quan đến ba lĩnh vực chính gồm an ninh, nhập cư và tị nạn, việc làm và tăng trưởng, để các thành viên cùng thảo luận. Tiếp đó, một cuộc gặp 3 bên giữa Thủ tướng Đức, Tổng thống Pháp và Thủ tướng Italy được tổ chức tại thủ đô Berlin của Đức. Tại đây, 3 nhà lãnh đạo một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhanh chóng tìm giải pháp ngăn chặn hiệu ứng Brexit trong khối. Brexit dường như không chỉ dừng lại trong phạm vi Châu Âu.
Chắc chắn những ngày tới, vấn đề Brexit sẽ còn được bàn thảo nhiều hơn nữa. Anh ra đi liệu bình yên có ở lại Châu Âu? Câu hỏi này đang được chính các nhà lãnh đạo EU nỗ lực tìm lời giải. Và người ta đang trông đợi Hội nghị thượng đỉnh EU lần này, EU sẽ đồng thuận đặt những bước đi đầu tiên hậu Brexit, giữ con thuyền Châu Âu không đi chệch hướng.