Đối ngoại 2014 góp phần giữ vững chủ quyền lãnh thổ

Ánh Huyền - Văn Hiếu
Chia sẻ
(VOV5) - Năm 2014 chứng kiến nhiều diễn biến căng thẳng trên Biển Đông, nhất là sau sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam từ 2/5-15/7/20142014. Sự kiện này đã đặt ra nhiều thách thức cho công tác đối ngoại Việt Nam. Song nhờ kiên trì đường lối đối ngoại hòa bình, xử lý khéo léo các phương pháp ngoại giao, Việt Nam giữ vững được chủ quyền lãnh thổ, đồng thời duy trì phát triển quan hệ với Trung Quốc, tạo điều kiện cho công cuộc phát triển đất nước.

(VOV5) - Năm 2014 chứng kiến nhiều diễn biến căng thẳng trên Biển Đông, nhất là sau sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam từ 2/5-15/7/20142014. Sự kiện này đã đặt ra nhiều thách thức cho công tác đối ngoại Việt Nam. Song nhờ kiên trì đường lối đối ngoại hòa bình, xử lý khéo léo các phương pháp ngoại giao, Việt Nam giữ vững được chủ quyền lãnh thổ, đồng thời duy trì phát triển quan hệ với Trung Quốc, tạo điều kiện cho công cuộc phát triển đất nước.

Đối ngoại 2014 góp phần giữ vững chủ quyền lãnh thổ - ảnh 1


Có thể khẳng định năm 2014, vấn đề được người dân Việt Nam quan tâm nhất và có lẽ cũng là dấu ấn sâu đậm nhất của ngành ngoại giao Việt Nam là xử lý các sóng gió trên Biển Đông. Nhờ sự chủ động, sách lược đấu tranh tổng thể với nhiều hình thức, hòa bình cũng như chủ quyền của đất nước được giữ vững.

Đoàn kết, bình tĩnh, kiên định xử lý vấn đề

Trong những ngày tháng giàn khoan Hải Dương-981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, cả nước đã thể hiện được sự đoàn kết, nhất trí, đồng tâm hiệp lực, một lòng, kiên trì đường lối đối ngoại hòa bình để bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Chính sách đối ngoại của Việt Nam thể hiện tinh thần hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình, giải quyết các tranh chấp bằng luật pháp quốc tế. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khi nhắc đến những kết quả nổi bật của ngoại giao Việt Nam 2014, đã khẳng định: Chủ trương đối ngoại của chúng ta là phát triển quan hệ với các nước để tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định phục vụ cho phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc chủ quyền của đất nước. Đây là 2 mục tiêu không có gì mâu thuẫn với nhau và luôn hỗ trợ cho nhau. Chính vì vậy, trong năm 2014, khi tình hình Biển Đông phức tạp, chúng ta đã triển khai rất tích cực hoạt động đối ngoại để giải quyết vấn đề bằng các biện pháp hòa bình. Chúng ta đã trực tiếp thảo luận, trao đổi, đấu tranh thông qua các cuộc tiếp xúc trực tiếp với Trung Quốc và đã tiến hành hơn 40 cuộc giao thiệp với Trung Quốc về vấn đề trên Biển Đông.

Huy động sức mạnh tổng hợp trên mặt trận ngoại giao

 

Để khẳng định lập trường kiên định của Việt Nam, kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp, Việt Nam đã huy động một lực lượng đối ngoại hùng hậu. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã tận dụng mọi cơ hội đăng đàn trong nước và quốc tế để bạn bè quốc tế ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam. Cộng đồng hơn 4 triệu đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc đều đồng lòng hướng về Tổ quốc, tuần hành phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép.

 

Nhờ vậy, lập trường chính nghĩa của Việt Nam giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, đã được cộng đồng thế giới thừa nhận và ủng hộ. Các tiếng nói phản ứng với hành động của Trung Quốc mạnh mẽ nhất, đoàn kết nhất vang lên từ Washington, EU, Liên hợp quốc, Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Đặc biệt, Đông Nam Á đã thể hiện là một khối thống nhất trước áp lực chia rẽ của Trung Quốc, coi Biển Đông là chủ đề không thể bỏ qua trong nghị trình của Hiệp hội. Lần đầu tiên trong vòng hơn 20 năm qua, các Ngoại trưởng ASEAN đã có một Tuyên bố riêng về Biển Đông.

Nỗ lực duy trì quan hệ Việt-Trung phát triển

Ngay sau khi Hải Dương 981 rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ động cử ông Lê Hồng Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Đặc phái viên của Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng sang Trung Quốc. Kết quả nổi bật của chuyến công du này là việc lãnh đạo hai bên khẳng định: Sẽ kiểm soát tốt những bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp… Điều này hoàn toàn phù hợp với điều 5 của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký với ASEAN năm 2002. Chuyến đi này cũng mở đường cho chuyến đi tiếp theo sang Việt Nam của các quan chức cấp cao hàng đầu Trung Quốc vài tháng sau đó là Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Du Chính Thanh. Trong các cuộc tiếp xúc này, phía Trung Quốc đã nêu quan điểm coi trọng phát triển quan hệ với Việt Nam, cùng nỗ lực duy trì quan hệ hai nước phát triển lành mạnh, ổn định. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, người trực tiếp tham gia các cuộc tiếp xúc này, chia sẻ: Trong quá trình giải quyết vấn đề trên biển, chúng ta tích cực, chủ động duy trì các mối quan hệ với Trung Quốc thông qua trao đổi các đoàn của các Bộ ngành, địa phương; tiếp tục duy trì các quan hệ về kinh tế, thương mại với Trung Quốc. Chính vì vậy chúng ta đảm bảo được vẫn tiếp tục phát triển quan hệ với Trung Quốc và đảm bảo được chủ quyền và quyền chủ quyền của chúng ta ở biển Đông.

Số liệu năm 2014 cho thấy quan hệ thương mại song phương Việt-Trung đạt khoảng 58 tỷ USD, mức cao nhất từ trước tới nay. Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, đôi bên cùng có lợi chính là chất xúc tác để hai bên giải quyết những bất đồng trên biển. Riêng với Việt Nam, những sóng gió trên Biển Đông 2014 thêm một lần nữa để lại những bài học cho công tác đối ngoại Việt Nam. Đó là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, giữ cho được độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời giữ vững hòa bình, ổn định để phát triển./.

 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu