Đổi mới trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Trong nhiệm kỳ khóa XIII, Quốc hội có nhiều thành tựu, dấu ấn trong lập hiến, lập pháp; giám sát tối cao.
(VOV5) - Trong nhiệm kỳ khóa XIII, Quốc hội có nhiều thành tựu, dấu ấn trong lập hiến, lập pháp; giám sát tối cao.


Quốc hội khóa XIII  đang tiến hành họp kỳ cuối của nhiệm kỳ 5 năm. Trong 5 năm qua, hoạt động của  Quốc hội để lại nhiều dấu ấn được cử tri ghi nhận. Một Quốc hội năng động, đổi mới, kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, hội nhập quốc tế.


Đổi mới trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII - ảnh 1
Toàn cảnh Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XIII. Ảnh: TTXVN

Trong nhiệm kỳ khóa XIII, Quốc hội có nhiều thành tựu, dấu ấn trong lập hiến, lập pháp; giám sát tối cao. Quốc hội cũng ghi dấu ấn với hoạt động đối ngoại. Đánh giá tổng quan, ông Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng:   “Quốc hội khóa XIII có 4 chữ hơn. Đó là đổi mới mạnh mẽ hơn; dân chủ hơn trong thảo luận và ra quyết sách; trách nhiệm hơn với cử tri trong việc thực hiện trách nhiệm; được cử tri tín nhiệm nhiều hơn”. 

Dấu ấn lập pháp

Trong nhiệm kỳ 5 năm, Quốc hội không chỉ hoàn thành số lượng luật kỷ lục mà thấm đẫm tinh thần đề cao bảo vệ quyền con người. Thành tựu nổi bật của nhiệm kỳ khóa XIII là Quốc hội đã làm tròn trọng trách ban hành Hiến pháp năm 2013 và căn bản hoàn thành việc cụ thể hóa Hiến pháp trong các đạo luật.  Hiến pháp năm 2013 là bản hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ về kinh tế và chính trị, đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước và hội nhập quốc tế. Hơn 2 năm từ khi Hiến pháp 2013 ra đời, đã có gần 70 đạo luật được Quốc hội thông qua, thuộc hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Cùng với việc thông qua Hiến pháp mới, trong nhiệm kỳ, Quốc hội tập trung thực hiện một khối lượng công việc lập pháp rất lớn, xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới hầu hết các bộ luật lớn, các đạo luật quan trọng, cơ bản hoàn thành hệ thống pháp lý về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tổ chức bộ máy nhà nước, thể chế kinh tế thị trường, luật pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền tự do dân chủ của Nhân dân. Các luật, pháp lệnh đã tạo cở sở pháp lý đồng bộ cho việc đổi mới, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng. Phó Tổng thư ký Quốc hội Lê Minh Thông cho  biết: “Quốc hội khóa XIII để lại hàng loạt dấu mốc khi Thông qua Hiến pháp 2013, thông qua hàng loạt các đạo luật quan trọng gắn liền với tổ chức bộ máy nhà nước gắn liền với quyền con người, quyền công dân, theo đúng chuẩn của Nhà nước pháp quyền. Có thể nói Quốc hội khóa XIII là Quốc hội có số lượng luật được thông qua nhiều nhất, trên 107 luật và rất nhiều Nghị quyết. Nó đánh dấu bước trưởng thành của Quốc hội Việt Nam, một Quốc hội lấy lợi ích của nhân dân làm gốc của mọi đạo luật”.

Quy trình lập pháp có nhiều cải tiến, đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng, tăng tính chủ động, chặt chẽ, minh bạch, dân chủ, cụ thể trong văn bản luật. Việc phân tích chính sách, đánh giá tác động trước khi xây dựng dự thảo luật được coi trọng. Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về các dự án luật được chú trọng. Số lượng dự án lấy ý kiến Nhân dân tăng lên với các hình thức đa dạng, phong phú, dân chủ đã huy động được trí tuệ, sự đồng thuận của xã hội.

Giám sát tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực thi pháp luật

Hoạt động giám sát của Quốc hội có nhiều đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động của bộ máy nhà nước từ trung ương đến cơ sở. Phạm vi giám sát của Quốc hội đa dạng, từ các vấn đề kinh tế vĩ mô đến những vấn đề dân sinh bức xúc. Về chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: “Hoạt động chất vấn của Quốc hội có nhiều đổi mới, chú trọng chất lượng, đề cao tinh thần xây dựng, tính dân chủ, công khai, tranh luận, đối thoại và ý thức trách nhiệm, tự phê bình của người được chất vấn. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội tiến hành chất vấn toàn khóa đối với những người đứng đầu các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, về chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ. Có thể nói Quốc hội đã theo dõi, giám sát “đến cùng” việc thực hiện nghị quyết Quốc hội”.

Trong nhiệm kỳ, Quốc hội hai lần thay mặt nhân dân cả nước thực hiện quyền giám sát tối cao trong việc đánh giá tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt do Quốc hội bầu và phê chuẩn.

Hoạt động đối ngoại góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với  các nước trên thế giới

5 năm qua, nhiều hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Quốc hội, cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội  được đẩy mạnh, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác nhiều mặt giữa Quốc hội Việt Nam với nghị viện các nước,các tổ chức quốc tế, đưa các mối quan hệ này phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.  Đặc biệt, năm 2015 lần đầu tiên Việt Nam tổ chức thành công đại hội đồng liên minh nghị viện thế giới IPU 132, lần đầu tiên Tổng thư ký LHQ Ban ki moon đến phát biểu trước Quốc hội Việt Nam. Ông Ngô Đức Mạnh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, cho rằng: “Vai trò nổi bật trong hoạt động đối ngoại của Quốc hội chính là việc tạo lập môi trường hòa bình, ổn định để đất nước phát triển. Cùng với đối ngoại Đảng, Nhà nước, ngoại giao nhân dân, công tác đối ngoại của Quốc hội  không những làm tăng cường sâu sắc mối quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với nghị viện các nước mà còn trong những tình huống khó khăn, chủ quyền quốc gia bị đe dọa thì chúng ta đã hóa giải thành công”.

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII sắp kết thúc. Trong 5 năm qua, với sự nỗ lực của từng đại biểu, các cơ quan chuyên môn, Quốc hội đã hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ, kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống.Với những đổi mới và dấu ấn quan trọng, Quốc hội khóa XIII hoàn thành sứ mệnh là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân cả nước.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu