Dấu mốc mới trong quan hệ giữa Việt Nam với Ethiopia và Ai Cập

Chia sẻ
(VOV5) -Từ ngày 23-29/8, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiến hành thăm cấp Nhà nước Cộng hòa dân chủ Liên bang Ethiopia và Cộng hòa Arab Ai Cập.

Chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến Ethiopia và Ai Cập lần này nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống với các nước châu Phi nói chung, với Ethiopia và Ai Cập nói riêng. Qua đó, thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với hai nước ngày càng phát triển.

Dấu mốc mới trong quan hệ giữa Việt Nam với Ethiopia và Ai Cập - ảnh 1Chủ tịch Trần Đại Quang và Phu nhân thăm Ethiopia 

Với Ethiopia, đây là chuyến thăm lần đầu tiên của một nguyên thủ Việt Nam tới quốc gia lớn và đông dân nhất khu vực Đông Phi và khu vực Sừng Châu Phi. Còn với Ai Cập, đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu nhà nước Việt Nam, diễn ra đúng dịp hai nước kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1963-2018). Chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang là dấu mốc lịch sử, mở ra các triển vọng hợp tác đầu tư và thương mại giữa Việt Nam và Ethiopia, Ai Cập trong thời gian tới.

Đưa quan hệ hợp tác Việt Nam- Ethiopia ngày càng phát triển

Theo Đại sứ Việt Nam tại Ethiopia Nguyễn Kim Doanh, chuyến thăm Ethiopia lần này của Chủ tịch nước Trần Đại Quang có ý nghĩa quan trọng đối với cả hai nước cả về chính trị, ngoại giao và kinh tế. Ngoài việc tạo ra khuôn khổ hợp tác chung giữa hai nước, tạo cơ sở tin cậy về chính trị và tiếp tục ủng hộ lẫn nhau và phối hợp hiệu quả hơn trên các diễn đàn quốc tế, chuyến thăm còn mở ra triển vọng hợp tác kinh tế cho cả hai nước: "Việt Nam có thêm thị trường tiêu thụ cho nền kinh hướng vào xuất khẩu; Ethiopia sẽ có thêm đối tác phát triển, thu hút vốn đầu tư, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân. Tôi cho rằng sau chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, hai bên sẽ xúc tiến đàm phán, ký kết nhiều văn bản, thỏa thuận hợp tác khác, đặc biệt là Hiệp định Khuyến khích và bảo hộ đầu tư và Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trong những năm tới."

Dấu mốc mới trong quan hệ giữa Việt Nam với Ethiopia và Ai Cập - ảnh 2Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền của Việt Nam tại Tanzania, kiêm nhiệm Ethiopia Nguyễn Kim Doanh cho biết chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ đưa quan hệ song phượng lên tầm cao mới

Về tổng thể, Việt Nam và Ethiopia có nhiều điểm tương đồng về các mặt như dân số, nền nông nghiệp, công nghiệp và du lịch. Ethiopia cũng là một nước có nền kinh tế phát triển khá mạnh ở châu Phi trong những năm qua. Vì vậy, trong hợp tác kinh tế, hai bên có thể khai thác và bổ sung các lợi thế cho nhau để cùng phát triển. Đại sứ Nguyễn Kim Doanh cho rằng:"Ethiopia có diện tích gấp 3 lần Việt Nam, với dân số trên 100 triệu, đất đai màu mỡ, tài nguyên thiên nhiên phong phú, điều kiện tự nhiên thuận lợi, có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế đất nước, nhưng cái thiếu của Bạn là kinh nghiệm quản lý và vốn. Về mặt này, Việt Nam hoàn toàn có thể chia sẻ kinh nghiệm với Ethiopia, giúp Bạn khai thác hiệu quả hơn các điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nguồn nhân lực dồi dào để phát triển kinh tế nhằm đạt được mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập trung bình vào năm 2025.

Thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam-Ai Cập ngày càng hiệu quả

Rời Ethiopia, từ 26-29/8, Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ tiến hành thăm Ai Cập. Nằm ở khu vực Bắc Phi, Ai Cập là quốc gia đứng thứ hai về quy mô kinh tế, dân số và là một trong những nước thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hàng đầu châu Phi. Các ngành kinh tế chủ đạo của Ai Cập là du lịch, dầu mỏ, dệt may, chế biến nông sản, hóa chất, xây dựng...

Ai Cập là một trong những nước Arab đầu tiên có quan hệ với Việt Nam. Hai nước đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, du lịch... và thời gian qua quan hệ hai nước đang phát triển rất tốt đẹp. Ai Cập là đối tác thương mại lớn thứ năm của Việt Nam tại châu Phi. Kim ngạch thương mại song phương Ai Cập-Việt Nam năm 2017 đạt 350 triệu USD. Ai Cập là nước Bắc Phi đầu tiên công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường đầy đủ. Hàng năm, Chính phủ Ai Cập cấp cho Việt Nam 12 học bổng đào tạo sinh viên tiếng Arab. Hai nước cũng thường xuyên trao đổi thông tin, hợp tác qua kênh đảng, kênh địa phương và trong các lĩnh vực thanh tra, văn hóa. Ai Cập đánh giá cao lập trường của Việt Nam đối với các vấn đề của các nước Arabp. Hai nước thường xuyên phối hợp, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế.

Trên nền tảng quan hệ tốt đẹp đó, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ai Cập lần này của Chủ tịch nước Trần Đại Quang có ý nghĩa lịch sử, khẳng định sự coi trọng và mong muốn tăng cường hợp tác của Việt Nam với Ai Cập. Chuyến thăm hai nước Châu Phi Ethiopia và Ai Cập của Chủ tịch nước Trần Đại Quang là dịp để các bên trao đổi các biện pháp thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư; tìm kiếm cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực mà mỗi nước có thế mạnh. Kết quả chuyến thăm sẽ góp phần đưa quan hệ giữa Việt Nam với Ethiopia và Ai Cập bước sang trang mới, với hợp tác nhiều mặt hiệu quả và sâu rộng hơn, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên thế giới. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu