Dấu hỏi trong cuộc chiến chống khủng bố của Pháp

Hồng Vân
Chia sẻ

(VOV5) - Vụ tấn công xảy ra chỉ ít giờ sau khi Pháp tuyên bố sẽ không gia hạn tình trạng khẩn cấp sau ngày 26/7 tới, vốn được ban bố từ sau vụ tấn công khủng bố hồi tháng 11 năm 2015.

 

(VOV5) - Vụ tấn công xảy ra chỉ ít giờ sau khi Pháp tuyên bố sẽ không gia hạn tình trạng khẩn cấp sau ngày 26/7 tới, vốn được ban bố từ sau vụ tấn công khủng bố hồi tháng 11 năm 2015.

Chưa đầy 1 năm kể từ loạt vụ khủng bố tháng 11/2015 làm 130 người thiệt mạng, thế giới lại rúng động trước vụ tấn công có chủ ý vào đám đông xem bắn pháo hoa mừng Quốc khánh Pháp 14/7, tại Nice. Vụ việc không chỉ nối dài danh sách các vụ tấn công tại Pháp từ năm 2012 đến nay mà còn cho thấy những lỗ hổng an ninh của Pháp, đặt dấu hỏi về hiệu quả chống khủng bố của Pháp trong thời gian qua.

Vụ tấn công bằng xe tải đúng vào ngày Quốc khánh Pháp khiến hơn 100 người thương vong, trong đó theo thống kê ban đầu có ít nhất 80 người thiệt mạng. Trên chiếc xe gây ra vụ việc, lực lượng chức năng đã tìm thấy một số giấy tờ tùy thân của một công dân Pháp gốc Tunisia.

Dấu hỏi trong cuộc chiến chống khủng bố của Pháp 	 - ảnh 1



Vụ tấn công xảy ra chỉ ít giờ sau khi Pháp tuyên bố sẽ không gia hạn tình trạng khẩn cấp sau ngày 26/7 tới, vốn được ban bố từ sau vụ tấn công khủng bố hồi tháng 11 năm 2015.

Không có nhiều giải pháp mới trong đảm bảo an ninh

Ngay sau vụ việc, thành phố Nice, miền Nam nước Pháp đã được đặt trong tình trạng "báo động bị tấn công", mức cao nhất trong hệ thống cảnh báo an ninh của nước này. Các binh sĩ dự bị được điều động.

Trong khi đó, phát biểu trên truyền hình quốc gia sau phiên họp khẩn của Chính phủ, Tổng thống Francois Hollande khẳng định vụ tấn công kinh hoàng đêm 14/7 tại Nice, miền Nam nước Pháp, rõ ràng là một hành động khủng bố. Người đứng đầu nước Pháp cảnh báo "toàn thể nước Pháp đang bị đặt dưới mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo”" và tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì 10.000 binh sĩ tham gia chương trình chống khủng bố của quân đội, thay vì giảm xuống còn 7.000 binh sĩ như thông báo trước đó. Ông Francois Hollande cũng khẳng định sẽ kéo dài tình trạng khẩn cấp trên khắp nước Pháp thêm 3 tháng nữa do tình hình thay đổi. Trong bối cảnh lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chưa tuyên bố nhận trách nhiệm vụ tấn công tại Nice nhưng Tổng thống Pháp Francois Hollande vẫn nêu rõ nước Pháp sẽ tăng cường tham gia hoạt động chống IS tại Iraq và Syria.

Dấu hỏi trong cuộc chiến chống khủng bố của Pháp 	 - ảnh 2



Một loạt biện pháp an ninh vừa được giới chức Pháp đưa ra xem ra không có quá nhiều điểm mới bởi trong suốt thời gian qua, đảm bảo an ninh luôn là vấn đề được Pháp chú trọng. Còn nhớ ngay sau khi xảy ra các vụ tấn công khủng bố tháng 11/2015, Tổng thống Pháp Hollande cũng tuyên bố rằng nước Pháp sẽ thẳng tay đối với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Pháp cũng đã sửa đổi Hiến pháp để có thể kéo dài thời gian của tình trạng khẩn cấp quốc gia lên ba tháng so với quy định cũ là 12 ngày, cho phép tước quyền công dân Pháp đối với những người có hai quốc tịch nếu bị kết tội khủng bố và sẽ bị cấm vào Pháp nếu có nguy cơ tiến hành hành động khủng bố. Tổng thống Hollande cam kết tăng ngân sách cho các lực lượng an ninh và quân đội nước này. Hàng trăm cuộc truy lùng các phần tử khủng bố được lực lượng an ninh Pháp tiến hành trong suốt thời gian qua với mục đích truy quét và vô hiệu hóa bất cử ai có ý định tấn công nước Pháp. Về chính sách đối ngoại, Pháp đã tăng cường các cuộc tấn công ở Syria, nơi các phần tử khủng bố đã chuẩn bị kế hoạch tiến hành các cuộc xả súng và đánh bom tự sát ở Paris và ngoại ô ngày 13/11. Ông Hollande cũng kêu gọi các nước châu Âu cần phối hợp hành động cùng với Pháp để loại bỏ các nguy cơ khủng bố.

Nguyên nhân sâu xa

Vì sao Pháp, chứ không phải quốc gia khác ở châu Âu, là mục tiêu của nhiều vụ tấn công có chủ ý trong thời gian gần đây. Giới phân tích cho rằng nguyên nhân là Pháp luôn được đánh giá “có vai trò quan trọng” trong giải quyết những “điểm nóng” tại các nước châu Phi, một trong những khu vực có dân số theo Hồi giáo đông đảo, nhất là tại khu vực Bắc Phi, tiếp giáp với “lò lửa” Trung Đông. Chưa hết, kể từ năm 2014, Pháp tham gia tích cực  trong liên minh quốc tế chống IS và là một trong những nước đầu tiên tham gia thực hiện các chiến dịch không kích IS.Mặt khác, với vai trò quan trọng tại châu Âu và trên thế giới, ảnh hưởng từ thành công của các cuộc tấn công tại Pháp sẽ có tác dụng “khuyếch trương thanh thế”. Cách thức tấn công vào các mục tiêu dân sự cũng sẽ khiến các cơ quan tình báo và an ninh Pháp không thể tính toán và dự báo hết. Đó là chưa kể đến việc tại Pháp, số người Hồi giáo có tư tưởng “cực đoan” khá đông. Đa phần trong số họ đều sống tại các khu vực ngoại ô. Những khó khăn về kinh tế trong nhiều năm trở lại đây khiến một bộ phận thanh niên Hồi giáo vốn khó thích nghi với cuộc sống càng dễ dàng bị lôi kéo vào các hoạt động cực đoan.


Các vụ tấn công khủng bố cho thấy năng lực dự báo của lực lượng an ninh Pháp có vấn đề. Đó cũng là lý do khiến Ủy ban Điều tra thuộc nghị viện Pháp vừa đề xuất hợp nhất hệ thống tình báo Pháp vào một cơ quan chung. Cuối cùng chính sách nhập cư và chính sách tự do đi lại của châu Âu (trong không gian Schenghen) đã gây khó khăn cho việc bảo đảm an ninh nội địa.

           

Rõ ràng, bất chấp nỗ lực không nhỏ của lực lượng an ninh Pháp, vụ tấn công có chủ ý ngày 14/7 một lần nữa gây chấn động nước Pháp và cả thế giới. Điều này đòi hỏi Pháp nói riêng và nhiều quốc gia khác phải tìm cách giải quyết tận gốc nguyên nhân gây ra các vụ tấn công nếu như muốn ngăn chặn các nguy cơ tấn công tiếp theo.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu