(VOV5) Ngày 28/1 vừa qua, Tổng thư ký Liên đoàn Arập (AL) Nabil Al-Arabi tuyên bố ngừng mọi hoạt động của phái đoàn quan sát viên tại Syria do “tình trạng bạo lực gia tăng”. Ngay từ đầu dư luận đã hoài nghi về mức độ tin cậy của Liên đoàn Arập do những chia rẽ và trì trệ cố hữu trong nội bộ và đến bây giờ, dư luận lại đặt câu hỏi về những điều ẩn sau quyết định ngày 28/1 vừa qua của tổ chức này.
Ảnh : Nguồn AFP
Theo thoả thuận giữa Syria và Liên đoàn Arập (AL) nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Syria, Liên đoàn Arập từ ngày 26/12/2011 đã cử một phái đoàn quan sát đến Syria. Con số quan sát viên của AL tại Syria lên tới 163 người và được dự định sẽ tăng thêm lên 300 người. Tuy nhiên, tuần trước, Hội đồng Hợp tác vùng vịnh (GCC) đã đơn phương rút các quan sát viên của mình tại Syria về nước và đến ngày 28/1 vừa qua thì AL cũng quyết định ngừng mọi hoạt động của phái đoàn quan sát với lý do để đảm bảo an toàn cho các quan sát viên do tình trạng bạo lực gia tăng trong vòng ba ngày qua.
Quyết định ngừng sứ mệnh giám sát của AL, được đưa ra chỉ vài ngày sau khi chính quyền Syria gia hạn thời gian hoạt động của phái đoàn AL thêm một tháng, không khỏi gây bất ngờ. Phản ứng trước quyết định của AL, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố "Chúng tôi muốn biết vì sao họ lại xử lý một công cụ hữu hiệu như vậy theo cách đó. Tôi ủng hộ việc tăng số quan sát viên. Chúng tôi ngạc nhiên vì điều này được đưa ra sau quyết định gia hạn sứ mệnh giám sát thêm một tháng, một số nước, đặc biệt là các nước vùng Vịnh đã triệu hồi các quan sát viên của họ".
Ông Lavrov cho rằng bình luận của các nước phương Tây rằng sứ mệnh của AL tại Syria là vô nghĩa và việc đối thoại với chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad là bất khả thi là những tuyên bố rất vô trách nhiệm và việc tìm cách phá hoại cơ hội ổn định tình hình là việc hoàn toàn không thể tha thứ được.
Có lẽ, phát biểu của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã giải thích phần nào về những lý do đằng sau quyết định ngừng sứ mệnh giám sát của AL. Đó là sự chia rẽ nội khối của AL và sứ mệnh giám sát này không nằm trong kịch bản lật đổ chính quyền Damascus của phương Tây. Trong suốt quá trình tồn tại từ năm 1945 đến nay, AL luôn gặp vấn đề chia rẽ và trì trệ cố hữu vì những ưu tiên lợi ích quốc gia. Còn nhớ, khi Mỹ phát động chiến tranh ở Iraq, AL đã phản ứng rất phân tán, một số thành viên phản đối chiến tranh trong khi một số khác đồng ý cung cấp căn cứ quân sự cho Mỹ. Đối với trường hợp Lybia, lần đầu tiên AL đồng thuận bật đèn xanh cho nghị quyết thiết lập một vùng cấm bay ở nước này. Mặc dù chỉ mang tính biểu tượng, nhưng sự ủng hộ của AL trong vấn đề Lybia đã mang lại cho khối này một hình ảnh mới.
Thế nhưng, trong vấn đề Syria, sự can dự của AL lại gây ra dư luận khác nhau không chỉ ở trong nội bộ khối mà giữa phương Tây với Nga và Trung Quốc. Ngay trong nội khối AL cũng chẳng có sự thống nhất. Sau khi AL ra quyết định đình chỉ tư cách thành viên của Xyri ngày 12/11/2011 và áp đặt các biện pháp trừng phạt chế độ Bashar al-Assad, đã có một số nước thành viên, chẳng hạn Lebanon, Jordania hay Iraq yêu cầu được đứng ngoài cuộc để bảo vệ các lợi ích chính trị và kinh tế với Damascus, còn Algeria tuyên bố kiên quyết phản đối mọi sự can thiệp vào Syria.
Giữa Nga, Trung Quốc và phương Tây cũng không có tiếng nói chung xung quanh sứ mệnh giám sát của AL tại Syria. Trong khi Nga và Trung Quốc ủng hộ sứ mệnh của AL tại Syria và coi đó là con đường giải quyết cuộc xung đột một cách hoà bình thì Mỹ, Pháp và các nước đồng minh khác nghi ngờ khả năng của AL, coi sự giám sát của AL như một biện pháp “câu giờ” cho Tổng thống Bashar Al-Assad và chỉ trông chờ vào một "giải pháp mạnh mang tính quốc tế", hàm ý là thông qua Hội đồng Bảo an LHQ.
Chính bởi vậy mà các giải pháp mà AL đưa ra trong đó có lộ trình riêng hay còn gọi là một "giải pháp Arập" nhấn mạnh đến sự chuyển giao quyền lực êm thấm giữa Tổng thống Bashar Al-Assad cho phó Tổng thống để tổ chức các cuộc bầu cử, chưa bao giờ nhận được sự ủng hộ của phương Tây. Loay hoay mà chẳng làm phe nào hài lòng, kể cả phe đối lập lẫn chính quyền Damascus, sứ mệnh giám sát mà AL đang gánh vác bây giờ trở thành gánh nặng mà AL muốn cất khỏi vai. Và lý do hợp lý nhất để ngừng hoạt động giám sát chính là “tình trạng bạo lực gia tăng” và đảm bảo an toàn cho phái đoàn quan sát viên.
Dư luận còn cho rằng động thái ngừng mọi hoạt động giám sát của AL ngay trước thềm cuộc họp của HĐBA LHQ dự kiến diễn ra ngày hôm nay 31/1/2012 để thảo luận nghị quyết về tình hình Syria, chính là gây thêm sức ép lên cộng đồng quốc tế, tạo điều kiện cho phương Tây can thiệp vào Syria./.
Đoàn Thị Trung