Tuy chỉ chiếm tỷ lệ dân số nhỏ, song các dân tộc thiểu số là một phần máu thịt của dân tộc Việt Nam. Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa của đất nước, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tiến hành song song chính sách bảo tồn, phát huy vốn văn hóa truyền thống cùng với việc chăm lo phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào.
Phiên chợ vùng cao ở Hà Giang - Ảnh: Lan Anh/VOV5
|
Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam đang diễn ra tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam ở Hà Nội là một ví dụ cụ thể về việc Việt Nam coi trọng việc bảo tồn, phát huy vốn văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam. Sự kiện thường niên được duy trì kể từ năm 2010 đến nay cũng cho thấy đồng bào các dân tộc thiểu số đã tự khẳng định và bảo tồn được vốn văn hóa truyền thống đa dạng của mình.
Chính sách coi trọng giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số
Việc coi trọng bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số gồm nền văn học, nghệ thuật, tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống... được Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định tại Cương lĩnh Xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và trong Nghị quyết số 33-NQ/TW khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (năm 2014).
Điều 42 Hiến pháp 2013 cũng quy định: “Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp”. Trước đó, Điều 7, Luật Giáo dục năm 2005 ghi rõ: “Nhà nước tạo điều kiện để người dân tộc thiểu số được học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình”. Các quy định này bảo đảm cho các dân tộc thiểu số có quyền tự do quyết định vị thế xuất thân cũng như thể hiện quyền sử dụng tiếng nói, chữ viết của dân tộc, là những vấn đề căn cốt để khẳng định quyền bình đẳng của các dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Bảo tồn gắn liền với phát triển văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số
Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”, đến nay đã được Chính phủ triển khai sâu rộng, trong đó tập trung ưu tiên phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số rất ít người, các dân tộc không có điều kiện tự bảo vệ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc mình. Thực hiện đề án này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thành việc rà soát, thống kê và hỗ trợ khẩn cấp, nâng cao năng lực tự bảo vệ nền văn hóa của các dân tộc thiểu số dưới 10.000 người, đặc biệt là 10 dân tộc, gồm: Brâu, Rơ Măm, Si La, Pu Péo, Bố Y, Ơ Đu, Lô Lô, Mảng, Cống, Cờ Lao.
Mâm cơm truyền thống của người Thái ở Điện Biên - Ảnh: Lan Anh/VOV5
|
Cũng nhờ Đề án này, nhiều truyền thống văn hóa tốt đẹp, nhiều nghi lễ đặc sắc, nhiều lễ hội, dân ca, dân vũ, trang phục truyền thống, nhiều trò chơi dân gian của các dân tộc thiểu số được khôi phục, được trình diễn trong những ngày hội văn hóa ở mọi miền đất nước. Những ngày hội văn hóa vùng Tây Bắc, Đông Bắc, miền Trung, miền Đông Nam Bộ, ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam... cũng tạo cơ hội cho các dân tộc thiểu số nêu cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tự khẳng định những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc mình và đó cũng là một cách để bảo đảm quyền văn hóa nhìn từ chiều sâu nhân văn nhất.
Cùng với tạo điều kiện cho văn hóa các dân tộc thiểu số được bảo tồn, phát huy, các cấp chính quyền cũng triển khai những việc làm thiết thực để đồng bào từng bước cải thiện, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần. Đến nay, hơn 90% hộ gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nghe Đài Tiếng nói Việt Nam và trên 80% số hộ được xem truyền hình. Các chương trình phát thanh, truyền hình bằng cả tiếng Việt và 26 thứ tiếng dân tộc được phát sóng mở rộng tới các bản làng xa xôi.
Công tác giáo dục và đào tạo, nâng cao dân trí ở vùng có đông người dân tộc thiểu số sinh sống cũng được quan tâm đẩy mạnh và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Hệ thống các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, trường dạy nghề; các loại hình trường nội trú, bán trú, dự bị đại học dân tộc tại vùng có đông dân tộc thiểu số đều được đầu tư xây dựng. Từ năm 2012, 100% xã đã đạt chuẩn phổ cập tiểu học, nhiều nơi đã đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở, 95% trẻ em dân tộc thiểu số được đến trường.
Bên cạnh việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, hệ thống tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số cũng là vấn đề được ưu tiên trong chính sách giáo dục của Nhà nước Việt Nam. Từ năm 2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hợp tác với UNICEF thí điểm thực hiện giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ tại 3 tỉnh Lào Cai, Trà Vinh, Gia Lai, góp phần quan trọng giảm tỷ lệ học sinh bỏ học tại những địa phương này.
Những thành tựu trong việc đảm bảo quyền phát triển văn hóa của người dân tộc thiểu số là những minh chứng cụ thể trong bảo đảm và thúc đẩy quyền của dân tộc thiểu số nói riêng và quyền con người nói chung tại Việt Nam.