Đảm bảo quyền con người trước tác động của biến đổi khí hậu

Ánh Huyền (tổng hợp)
Chia sẻ
(VOV5)- Bên lề khóa họp thường kỳ lần thứ 32 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) mới đây, Việt Nam cùng 3 nước trong Nhóm chủ chốt của sáng kiến thúc đẩy thảo luận về tác động của biến đổi khí đến nhân quyền đã tham gia Tọa đàm quốc tế giới thiệu báo cáo nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu đến quyền con người.
(VOV5)- Bên lề khóa họp thường kỳ lần thứ 32 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) mới đây, Việt Nam cùng 3 nước trong Nhóm chủ chốt của sáng kiến thúc đẩy thảo luận về tác động của biến đổi khí đến nhân quyền đã tham gia Tọa đàm quốc tế giới thiệu báo cáo nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu đến quyền con người. Hoạt động này tiếp tục khẳng định chính sách của Việt Nam trong việc đảm bảo các quyền của con người, trong đó đặc biệt là những nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội.


Nằm trong nhóm 5 nước sẽ bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu nên Việt Nam sớm nhận thức được tầm quan trọng của việc ứng phó, trong đó đặc biệt chú trọng lồng ghép các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, các nhóm yếu thế trong xã hội, bảo đảm quyền lương thực, nhà ở, giáo dục vào các chương trình và chính sách quốc gia về đối phó với biến đổi khí hậu.

Đảm bảo quyền con người trước tác động của biến đổi khí hậu  - ảnh 1
Đại sứ Nguyễn Trung Thành, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc phát biểu tại tọa đàm (Ảnh: TTXVN)



Sớm nhận thức  và hành động

Theo tính toán, từ nay đến cuối thế kỷ 21, mức tăng nhiệt trung bình  hằng năm tại Việt Nam ước tính từ 2-3 độ C, dẫn đến mực nước biển tăng, trực tiếp tác động đến 10-12% dân số Việt Nam và gây thiệt hại khoảng 10% GDP.

Tác động ngày càng tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe con người ngày càng rõ rệt. Biến đổi khí hậu đã và đang gây ra những tình trạng khí hậu khắc nghiệt, thiên tai ngày càng tăng như lũ lụt và hạn hán kéo dài, nắng nóng cao độ, từ đó ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe con người thông qua các tác động gây ô nhiễm không khí, thiếu nước, thiếu lương thực, dinh dưỡng, cũng như làm tăng các bệnh nhiệt đới, bệnh truyền nhiễm, bệnh về tinh thần. Các tác động tiêu cực này thể hiện rõ nhất ở các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, người cao tuổi, trẻ em và người khuyết tật. Chỉ tính trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng rõ nhất từ biến đổi khí hậu là dẫn đến mất mùa nên khả năng tái đầu tư, sản xuất của đối tượng này là rất khó khăn vì họ thiếu vốn, cho nên tình trạng nghèo đói của người nghèo sẽ càng nghiêm trọng hơn dưới tác động của biến đổi khí hậu. Đối với các hộ nghèo, nhà ở tạm bợ nên có nguy cơ ảnh hưởng lớn bởi sạt lở bờ sông, lũ lụt, mưa bão, nắng nóng, nhất là những hộ di cư; nguồn nước ô nhiễm, không đảm bảo cho điều kiện sống, đặc biệt khi có thiên tai và thời tiết cực đoan; cơ sở hạ tầng dành cho đối tượng này yếu cũng gây khó khăn đối với việc đi lại và hỗ trợ cho họ.

Là một quốc gia đang phát triển nên những tác động này đối với Việt Nam là rất lớn. Trước những thách thức này, Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để ứng phó với tác hại của biến đổi khí hậu gây ra.


Nỗ lực thúc đẩy hợp tác quốc tế

Bên cạnh tập trung nguồn lực, hành động thiết thực thông qua hệ thống chính sách công, huy động khu vực tư nhân, ưu tiên các đối tượng dễ tổn thương, Việt Nam tích cực thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, triển khai hiệu quả các cam kết quốc tế liên quan. Bên lề khóa họp thường kỳ lần thứ 32 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam tái khẳng định cam kết tiếp tục cùng các nước trong Nhóm chủ chốt thúc đẩy thảo luận về tác động của biến đổi khí hậu đến quyền con người tại Hội đồng Nhân quyền, trước mắt là giới thiệu dự thảo Nghị quyết về tác động của biến đối khí hậu đến việc hưởng thụ các quyền của trẻ em, tham khảo ý kiến các nước thành viên trước khi trình lên Khóa 32 Hội đồng Nhân quyền thông qua. Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy các quyền kinh tế, xã hôi và văn hóa đối với quá trình xóa bỏ đói nghèo cùng cực, kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động thiết thực hơn nhằm đảm bảo người nghèo được hưởng lợi từ các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, Việt Nam cũng khẳng định tiếp tục nỗ lực hoàn thành các mục tiêu Phát triển Thiên niên Kỷ còn lại và hướng tới thực hiện các mục tiêu Phát triển bền vững, sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ các nước trong vấn đề xóa đói giảm nghèo.


Đảm bảo quyền con người trước tác động của biến đổi khí hậu  - ảnh 2
Các Đại sứ EU gặp gỡ báo chí về chương trình Hội thảo bàn tròn “Chương trình hành động chống biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu tại Việt Nam” (Ảnh minh họa: enternews)

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu có thể kéo lùi những thành tựu phát triển của Việt Nam trong thời gian qua, nhất là đe dọa đến những quyền cơ bản của con người. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực ứng phó với thiên tai qua việc giảm thiểu rủi ro, đẩy mạnh công tác chuẩn bị và xây dựng nhiều kịch bản khác nhau về tác động của biến đổi khí hậu. Bên cạnh chú trọng lồng ghép các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo đảm quyền lương thực, nhà ở, giáo dục vào các chương trình và chính sách quốc gia về đối phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam đặc biệt chú trọng đảm bảo quyền lợi của các nhóm yếu thế như phụ nữ, trẻ em, người già, người tàn tật.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu