Đảm bảo an sinh xã hội xây dựng xã hội công bằng dân chủ văn minh

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - An sinh xã hội là một trong những chính sách xã hội cơ bản thể hiện đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam hướng vào mục tiêu phát triển con người, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Thời gian qua, công tác an sinh xã hội được triển khai khá hiệu quả, góp phần thực hiện Điều 34, Hiến pháp 2013 là: công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội.

(VOV5) - An sinh xã hội là một trong những chính sách xã hội cơ bản thể hiện đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam hướng vào mục tiêu phát triển con người, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Thời gian qua, công tác an sinh xã hội được triển khai khá hiệu quả, góp phần thực hiện Điều 34, Hiến pháp 2013 là: công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội.


Đảm bảo an sinh xã hội xây dựng xã hội công bằng dân chủ văn minh - ảnh 1


An sinh xã hội là một bộ phận quan trọng của chính sách xã hội, nằm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việt Nam coi việc bảo đảm an sinh xã hội là nội dung thiết thực nhất thực hiện các quyền xã hội của mọi người dân đồng thời cũng là động lực và mục tiêu xuyên suốt của sự nghiệp đổi mới đất nước.

An sinh xã hội phát huy hiệu quả trên mọi lĩnh vực

Mặc dù có nhiều biến động về kinh tế, nguồn lực của đất nước còn hạn hẹp nhưng Đảng và Nhà nước vẫn luôn coi trọng công tác bảo đảm an sinh xã hội. Nếu như năm 2012 tổng chi cho an sinh xã hội bằng 5,88% GDP thì đến năm 2015 con số này tăng lên khoảng trên 6,6% GDP. Tuy điều kiện kinh tế khó khăn nhưng Chính phủ Việt Nam không giảm bất cứ một chính sách, khoản chi nào dành cho lĩnh vực này mà còn tăng lên. Việt Nam cũng thực hiện hiệu quả các chính sách xã hội từ nhiều nguồn lực như các chương trình viện trợ không hoàn lại của nước ngoài, nguồn lực xã hội từ các doanh nghiệp, tổ chức và nguồn lực từ trong nhân dân.


Từ sự đầu tư trên, các chương trình xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam ở tầm quốc gia thu được những kết quả khả quan, được dư luận quốc tế đánh giá cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 2% mỗi năm, từ 14,2% (cuối năm 2010) xuống dưới 4,5% (năm 2015). Đáng chú ý, để giảm nghèo bền vững, năm 2015, Thủ tướng ban hành Quyết định phê duyệt Đề án tổng thể Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020. Đây là phương pháp tiếp cận mới được quốc tế khuyến nghị các nước áp dụng để tăng thu nhập, nâng cao hơn nữa khả năng tiếp cận của người dân về các dịch vụ xã hội cơ bản. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: "Giảm nghèo là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là một mục tiêu của phát triển bền vững được nhân dân và cộng đồng quốc tế đồng tình ủng hộ. Để phù hợp với yêu cầu phát triển, chúng ta quyết định chuyển sang sử dụng phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đa chiều. Đây cũng là phương pháp phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc vì sự Phát triển bền vững".


Chính sách an sinh xã hội được triển khai hiệu quả đã giúp Việt Nam vượt kế hoạch ở cả 3 chỉ tiêu về lao động, việc làm, đào tạo nghề, trong năm 2015. Trong đó, số lao động được tạo việc làm trên 1,6 triệu, tỷ lệ lao động qua đào tạo 51,6%, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị 3,35%. Cơ cấu lao động có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ lệ công nghiệp dịch vụ. Lĩnh vực người có công được thực hiện tốt hơn nhờ sửa đổi nhiều chính sách theo hướng mở rộng đối tượng, nâng mức trợ cấp (mức chuẩn trợ cấp ưu đãi tăng 71,2% so với năm 2010). Cuối năm 2015, tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là 70,2 triệu người, chiếm 77% dân số, nhiều hơn 8,3% so với năm 2014. 


Đảm bảo an sinh xã hội xây dựng xã hội công bằng dân chủ văn minh - ảnh 2
Đầu tư cho phát triển kinh tế miền núi - một trong những chính sách xóa nghèo thành công của Việt Nam

Hình thành hệ thống chính sách an sinh xã hội bao phủ toàn dân

Việt Nam xác định đến năm 2020 cơ bản hình thành hệ thống an sinh xã hội bao phủ toàn dân, bảo đảm cho người dân tiếp cận đến các chính sách việc làm, giảm nghèo, tham gia bảo hiểm xã hội, hỗ trợ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tăng cường các dịch vụ xã hội cơ bản ở mức tối thiểu. Để đạt mục tiêu này, trước mắt Việt Nam tích cực triển khai phương pháp giảm nghèo đa chiều. Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm cho biết: "Chúng ta sẽ triển khai cho giai đoạn 5 năm tới một chương trình giảm nghèo mới cũng như rà soát hệ thống chính sách giảm nghèo để bổ sung ,hoàn thiện sao cho phù hợp với phương pháp tiếp cận mới. Những biện pháp này đảm bảo cho người dân, nhất là người nghèo, cải thiện được cuộc sống không phải chỉ bằng lương thực, thực phẩm mà kể cả cách tiếp cận dịch vụ cơ bản. Đối với nhóm yếu thế, chúng ta tiếp tục nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn".

Việt Nam cũng tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, các chính sách và giải pháp bảo đảm an sinh xã hội như đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật về an sinh xã hội, trong đó nghiên cứu xây dựng và ban hành Luật Việc làm, Luật Tiền lương tối thiểu, Luật Cứu trợ xã hội, Luật Ưu đãi xã hội; nghiên cứu sửa đổi Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Người tàn tật, Luật Người cao tuổi... Ủy viên Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lê Thị Yến cho rằng:  "Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm đến việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, liên quan đến chế độ, chính sách của người lao động, người có công với cách mạng. Chính phủ sớm xây dựng Luật tiền lương tối thiểu, đảm bảo tiền lương đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Để thực hiện lộ trình mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế toàn dân đến năm 2020, Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đồng thời thực hiện các giải pháp, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế".


Những chủ trương, chính sách, kết quả và định hướng, mục tiêu phấn đấu thực hiện an sinh xã hội đã khẳng định chính sách nhất quán và những nỗ lực đồng bộ giữa Chính phủ với người dân Việt Nam, góp phần thực hiện quyền con người, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu