Sau hơn 2 năm xuất hiện (từ 8/12/2019), đại dịch Covid-19 đến nay đã lây lan và bùng phát tại hầu hết các quốc gia trên khắp thế giới. Không chỉ trực tiếp cướp đi mạng sống của hàng nghìn người mỗi ngày, đại dịch còn tác động mạnh mẽ tới hầu hết các mặt đời sống xã hội của các quốc gia, gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội nghiêm trọng chưa từng có trên phạm vi toàn cầu.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN |
Số liệu của trang thống kê worldometer.info đến giữa tháng 12/2021 cho thấy: đại dịch Covid-19 đã cướp đi mạng sống của hơn 5,3 triệu người trong tổng số hơn 272 triệu ca mắc trên toàn thế giới. Như vậy, trung bình mỗi ngày trong 2 năm qua có hơn 7,3 nghìn người tử vong vì căn bệnh được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố là đại dịch toàn cầu ngày 11/3/2020 này. Không chỉ có vậy, Covid-19 còn gây ra tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng trên hàng loạt lĩnh vực, kéo theo rất nhiều hệ lụy nặng nề.
Đối mặt với khủng hoảng kinh tế và sức khỏe toàn cầu
Đại dịch là tác nhân trực tiếp gây ra cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng với ước tính thiệt hại lên đến nhiều nghìn tỷ USD, vượt xa thiệt hại mà tất cả các cuộc khủng hoảng tài chính trước đây gây ra. hết các quốc gia phải tung những gói kích thích kinh tế với quy mô lớn chưa từng có để đối phó khủng hoảng. Trong khi đó, hoạt động du lịch toàn cầu trong thời gian dài gần như tê liệt, còn chuỗi cung ứng hàng hóa thì gặp rất nhiều khó khăn, liên tục đứt gãy. Chưa hết, hoạt động sản xuất tại nhiều nước suy giảm mạnh, kéo theo lượng người thất nghiệp tăng cao. Tình trạng quá tải đối với hệ thống y tế tiếp tục được ghi nhận ở hàng chục quốc gia trên khắp thế giới, trong đó có nhiều nước phát triển. Hoạt động giáo dục tại tất cả các quốc gia có dịch bệnh bùng phát bị đảo lộn, hàng trăm triệu học sinh không thể đến trường trong thời gian dài.
Không chỉ có vậy, đại dịch Covid-19 còn tác động mạnh mẽ đến cấu trúc quan hệ quốc tế. Trong đó, tranh cãi xung quan vấn đề điều tra nguồn gốc đại dịch tiếp tục đẩy cao căng thẳng giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Các tranh cãi gay gắt giữa các quốc gia về biện pháp phòng chống dịch bệnh cũng liên tiếp được ghi nhận, đặc biệt là giai đoạn cuối năm 2021 khi biến chủng Omicron xuất hiện.
Đáng lo ngại hơn, đại dịch đang đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc cũng như quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Việc đại dịch tác động nặng nề tại nhiều quốc gia giàu có nhất, đứng đầu là Mỹ, cho thấy rằng chỉ riêng sự giàu có về kinh tế, của cải không đủ là cơ sở đảm bảo phát triển bền vững, mà những yếu tố về an ninh con người, an ninh xã hội, an ninh sinh thái ngày càng trở nên có ý nghĩa hơn đối với sự phát triển bền vững.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Sonthofen, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
|
Trong khi đó, dù quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế vẫn được khẳng định là xu hướng không thể đảo ngược, nhưng cũng đang gặp thách thức lớn. Một trong những ví dụ rõ ràng nhất là tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng về vaccine. Theo đó, trong khi ở châu Phi mới chỉ có 7,5% dân số đã tiêm đủ liều với tỷ lệ tiêm chủng trung bình là 17,9 mũi tiêm/100 dân, thì con số này ở châu Âu và Mỹ lần lượt là 130 mũi và 141 mũi/100 dân. Các nước giàu chiếm 16% dân số thế giới đã mua tới 89% nguồn cung cấp vaccine trên toàn cầu, trong đó có quốc gia thậm chí đặt mua số lượng lớn hơn nhiều lần số dân của mình. Đây là thực trạng mà Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreysus mô tả là “sự bất bình đẳng gây sốc”.
Báo cáo của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố ngày 27/9/2021 đánh giá, đại dịch Covid-19 là thách thức kinh tế nghiêm trọng nhất, thậm chí còn sâu rộng hơn cả cuộc Khủng hoảng Tài chính Toàn cầu năm 2008-2009. Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh rằng, thế giới đang đối mặt cuộc khủng hoảng kinh tế và sức khỏe toàn cầu tồi tệ nhất trong 90 năm qua.
Thích ứng linh hoạt, tăng cường hợp tác quốc tế
WHO cùng nhiều chuyên gia dịch tễ hàng đầu thế giới cảnh báo rằng đại dịch Covid-19 chưa thể sớm kết thúc. Vì vậy, người dân thế giới không còn lựa chọn nào khác là phải thích ứng, sống chung an toàn với đại dịch. Theo đó, việc tiêm chủng đại trà cần tiếp tục được thúc đẩy bởi vaccine vẫn được chứng minh phát huy hiệu quả với tất cả các loại biến chủng mới đã phát hiện, giúp giảm đáng kể tỷ lệ trở nặng và tử vong. Đồng thời các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, diệt khuẩn, giữ khoảng cách…., cũng cần tiếp tục được tuân thủ.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ để kiểm soát được dịch bệnh là phối hợp và hợp tác quốc tế. Thực tế dịch bệnh trong hơn 2 năm qua cho thấy, không một quốc gia hay khu vực đơn lẻ nào có thể kiểm soát được dịch bệnh mà vẫn có thể đảm bảo được yêu cầu mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế. Nói cách khác, dịch bệnh chỉ có thể được kiểm soát thông qua hợp tác quốc tế rộng rãi, thực chất và hiệu quả. Trong đó, cần nhanh chóng khắc phục tình trạng bất bình đẳng về vaccine, bằng việc chia sẻ và thực hiện chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine.