Cú hích cho thị trường bất động sản

Hồng Vân - Thu Thùy- Hằng Hải
Chia sẻ
(VOV5) - Việc nới lỏng các điều kiện cho người nước ngoài được mua, sở hữu nhà ở thương mại tại Việt Nam là một trong những nội dung đáng chú ý của Luật nhà ở (sửa đổi) vừa được Văn phòng Chủ tịch nước công bố ngày 11/12/2014. 
(VOV5) - Việc nới lỏng các điều kiện cho người nước ngoài được mua, sở hữu nhà ở thương mại tại Việt Nam là một trong những nội dung đáng chú ý của Luật nhà ở (sửa đổi) vừa được Văn phòng Chủ tịch nước công bố ngày 11/12/2014. Quy định này giúp thu hút nguồn ngoại tệ, kích thích thị trường bất động sản, qua đó thúc đẩy kinh tế phát triển. 


Cú hích cho thị trường bất động sản - ảnh 1
Ảnh minh họa (nguồn: internet)


Theo Luật nhà ở (sửa đổi), tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm 3 nhóm:  tổ chức, cá nhân người nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam; cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.


Luật cũng quy định thêm về tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua các hình thức đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam; mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại.


Kích thích thị trường bất động sản


Thực tế, quy định về cho phép người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam đã được thí điểm trong 5 năm trở lại đây, tuy nhiên, với các điều kiện rất khắt khe khiến số lượng người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam rất ít. Do đó, việc Luật nhà ở (sửa đổi) mở rộng đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài nhận được sự phản hồi tích cực từ dư luận. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản thành phố Hồ Chí Minh, đánh giá:
 "Luật nhà ở lần này đã tạo điều kiện tối đa cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở Việt Nam. Theo luật, người nước ngoài khi nhập cảnh vào Việt Nam nếu có nhu cầu thì có thể mua biệt thự, căn hộ chung cư, có thể mua nhà liền kề trong các dự án ở các khu vực mà Chính phủ không cấm. Và người nước ngoài khi mua chung cư thì được mua tối đa là 30% căn hộ trong tòa chung cư đó. Nếu mua nhà liền kề hoặc biệt thự trong cùng một phường thì không được mua quá 250 căn nhà".


Con số hơn 70 ngàn người nước ngoài đang ở Việt Nam làm ăn lâu dài cho thấy nhu cầu nhà ở cho người nước ngoài ở Việt Nam là rất lớn. Việt Nam đáp ứng được nhu cầu này đã và đang cho thấy một hình ảnh Việt Nam hội nhập. Sự hiện diện của các chuyên gia, doanh nhân người nước ngoài kéo theo nguồn nhân lực có trình độ và thu nhập cao đến Việt Nam. Hơn thế, trong một xu hướng hội nhập, những thành phố lớn Việt Nam đang hướng đến những đô thị rộng mở giao lưu quốc tế thì ngoài nhu cầu ở, mua nhà như một nhu cầu đầu tư cũng cần được đặt ra.  Tiến sỹ Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam, cho rằng: "
Việc mở cửa mọi thị trường, trong đó có thị trường bất động sản cho người nước ngoài, sẽ làm cho thị trường tăng thêm nguồn cung. Hơn nữa họ là nhà đầu tư chuyên nghiệp nên sẽ đem lại cho chúng ta rất nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh bất động sản. Việt Nam làm càng sớm thì càng chứng tỏ chúng ta hoàn thiện thể chế thị trường càng nhanh".


Tầm nhìn dài hạn


Việc mở rộng cửa cho người nước ngoài mua nhà còn được coi là một hình thức xuất khẩu tại chỗ. Đối với sản phẩm đặc thù này, người nước ngoài chỉ có thể sử dụng mà không thể mang theo. Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia kinh tế bất động sản, cho biết:
 "Người nước ngoài chỉ cần nhập cảnh vào Việt Nam là có thể mua nhà. Đây là một yếu tố rất thông thoáng và tạo điều kiện rất thuận lợi. Có hai vấn đề chính trong này, thứ nhất là dòng tiền, hiện tại dòng tiền của bất động sản chôn vùi rất lâu, 4-5 năm nay chưa khai thông. Vấn đề thứ hai là tiêu thụ được hàng hóa, sản phẩm bất động sản và người nước ngoài cũng rất là mong đợi".


Thị trường bất động sản Việt Nam vẫn được coi là thị trường đầu tư hấp dẫn. Việc Luật nhà ở sửa đổi quy định cụ thể về chính sách cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam mang lại cả cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp nhưng là những thách thức mang tính tích cực. Ông Nguyễn  Ngọc Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, cho rằng:
 "Đối với doanh nghiệp nó mang lại cơ hội mới cho nhà đầu tư, tạo cầu mới cho thị trường bất động sản do yếu tố người nước ngoài được mua. Đương nhiên nó đòi hỏi chuẩn mực trong đầu tư, trong giao dịch phải đảm bảo theo thông lệ quốc tế. Nó  cũng là thách thức với các nhà đầu tư".


Giáo sư  Đặng Hùng Võ, chuyên gia bất động sản, cho rằng nên nhìn nhận đây là cơ hội lâu dài cho thị trường bất động sản Việt Nam: "
Bên cạnh việc chúng ta mở các quy định về pháp luật đối với Luật nhà ở, chúng ta còn có nhiều việc khác phải làm chúng ta phải làm cho người nước ngoài tin rằng hệ thống pháp luật Việt Nam là ổn định. Người nước ngoài thấy rằng quyền có nhà ở của họ ở Việt Nam được pháp luật bảo hộ, được Nhà nước bảo hộ, lúc đó chúng ta mới hy vọng có được 1 số lượng lớn người nước ngoài tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam".


Luật nhà ở (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2015. Việc Luật mở rộng đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài đã tháo gỡ nút thắt bấy lâu nay trong lĩnh vực này, đem lại luồng gió mới cho thị trường bất động sản trong nước, góp phần quan trọng  để thúc đẩy kinh tế phát triển./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu