Công lý cho nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam - Cuộc đấu tranh không mệt mỏi

Lưu Huyền
Chia sẻ
(VOV5)- 52 năm đã trôi qua kể từ ngày quân đội Mỹ rải hàng nghìn tấn chất độc da cam/ dioxin xuống Việt Nam, gây tác hại đến môi trường sinh thái, hủy hoại nặng nề sức khoẻ của hàng triệu người Việt Nam. Trong 10 năm qua, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã tiến hành vụ kiện đối với 37 công ty Hoa Kỳ sản xuất hóa chất độc hại này để đòi lại công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, cũng như phần nào bù đắp, sẻ chia những đau thương, mất mát của họ.

(VOV5)- 52 năm đã trôi qua kể từ ngày quân đội Mỹ rải hàng nghìn tấn chất độc da cam/ dioxin xuống Việt Nam, gây tác hại đến môi trường sinh thái, hủy hoại nặng nề sức khoẻ của hàng triệu người Việt Nam. Trong 10 năm qua, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã tiến hành vụ kiện đối với 37 công ty Hoa Kỳ sản xuất hóa chất độc hại này để đòi lại công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, cũng như phần nào bù đắp, sẻ chia những đau thương, mất mát của họ.


Công lý cho nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam - Cuộc đấu tranh không mệt mỏi - ảnh 1
Người cha già hàng ngày phải chăm sóc con bị di chứng do chất độc màu da cam. Ảnh: V.LONG

Hiện cả nước có hơn 3 triệu người mắc một hay nhiều bệnh liên quan đến chất độc hóa học dioxin, sinh con dị tật dị dạng và hầu hết có hoàn cảnh rất khó khăn. Hàng nghìn người đã chết, hàng nghìn người không còn quyền làm cha, làm mẹ, hàng nghìn đứa trẻ sinh ra không có quyền được sống. Là một bác sĩ sản khoa, làm việc hơn 40 năm tại bệnh viện Từ Dũ, thành phố Hồ Chí Minh, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã chứng kiến những trường hợp đầu tiên của nạn nhân chất độc da cam/dioxin từ năm 1965. Đó là những đứa trẻ dị tật, dị dạng bẩm sinh như vô sọ, không mắt, không tay, không chân, hay sinh ra đã dính liền nhau…Những hình ảnh đó luôn ám ảnh, khiến bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng quyết tâm nghiên cứu, đồng hành cùng các nạn nhân da cam/dioxin trong cuộc đấu tranh đòi công lý. Từ những năm 1987, bà đã đi báo cáo tình trạng này tại các hội nghị y khoa quốc tế. Gần đây nhất, ngoài trực tiếp tham gia 2 phiên điều trần tại Mỹ, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng còn sang Mỹ nhiều lần, nói chuyện với sinh viên, giảng viên các trường đại học về ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam. Những câu chuyện của bà khiến bất cứ người Mỹ nào cũng không khỏi xúc động: “Tại trường đại học Washington đã có một giảng viên đại học đã hỏi tôi: Thưa bác sĩ, tôi thấy rất làm xấu hổ và nhục nhã vì Chính phủ Mỹ đã làm hại người dân Việt Nam như thế. Bây giờ chúng tôi phải làm gì để chuộc lại phần nào lỗi lầm? Rõ ràng, người dân Mỹ rất ủng hộ chúng ta, các cựu chiến binh Hoa Kỳ cũng kiện các công ty hóa chất Mỹ, cho nên khi Việt Nam kiện họ hoàn toàn đồng tình.”


Công lý cho nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam - Cuộc đấu tranh không mệt mỏi - ảnh 2

Các cựu chiến binh Mỹ thuộc Hội cựu chiến binh vì hòa bình biểu tình đòi bồi thường cho nạn nhân chất độc da cam năm 2008. Ảnh: Sggp.org.vn


Đồng hành ngay từ đầu trong cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Giáo sư, Luật gia Lưu Văn Đạt, một trong 4 Luật sư của Hội Luật gia Dân chủ quốc tế, phân tích: mặc dù có bằng chứng rõ ràng về tác hại của chất độc da cam/dioxin, nhưng việc buộc các công ty hóa chất Mỹ bồi thường, trả lại công lý cho người Việt Nam không phải dễ. Vụ kiện này kéo dài bởi liên quan trực tiếp đến vấn đề chiến tranh ở Việt Nam và trách nhiệm của Mỹ, lại có nội dung phức tạp, chưa có tiền lệ trên thế giới, bị đơn của vụ kiện lại là các tập đoàn rất mạnh. Tuy vậy, vụ kiện của Việt Nam lại có thuận lợi khi nhiều luật sư giỏi sẵn sàng giúp mà không lấy phí. Luật sư Lưu Văn Đạt cho biết: “Chừng nào công lý chưa được thực hiện thì cuộc chiến đấu vẫn tiếp diễn. Tôi có thể thông báo rằng trong tương lai không xa có thể có thêm những vụ kiện dân sự của nạn nhân da cam Việt Nam. Chúng ta hiện đang trên con đường thắng lợi nên tôi hy vọng trong một tương lai không xa, các công ty hóa chất Mỹ hiểu được vấn đề, bớt ngoan cố hơn, hoặc là phán quyết của tòa án, hoặc là ngồi với phía Việt Nam để xử lý vấn đề”


Công lý cho nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam - Cuộc đấu tranh không mệt mỏi - ảnh 3
Anh Nguyễn Tuấn Linh (áo xanh) - người đi bộ xuyên Việt đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam

Cuộc đấu tranh của nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình của nhân dân thế giới. Từ năm 1967 – 1968, các nhà khoa học Mỹ đã kiến nghị lên Tổng thống Mỹ rằng chất độc da cam có chứa chất dioxin. Các tổ chức phi chính phủ trên thế giới ngay từ đầu đã lên án và có nghị quyết phản đối việc rải chất độc da cam ở Việt Nam, kêu gọi Chính phủ Mỹ và các công ty hóa chất Mỹ phải đền bù cho Việt Nam. Ủy ban Hòa bình thế giới cũng đã lấy ngày 10/8 là ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam” để ủng hộ. Hơn 40 Đảng Cộng sản trên thế giới đã ra nghị quyết yêu cầu Chính phủ Mỹ phải có trách nhiệm với người dân Việt Nam. Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tin tưởng với sự nỗ lực không mệt mỏi của những người ủng hộ lẽ phải trên toàn thế giới, công lý, công bằng sẽ đến với các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam: “Mục tiêu thứ nhất của chúng tôi là kiên trì cuộc đấu tranh đòi công lý, mà đòi công lý ở đây là đòi công bằng. Các nạn nhân da cam của Mỹ, của Hàn Quốc được hưởng như thế nào thì bây giờ phải yêu cầu Mỹ, các công ty của Mỹ phải thực hiện như thế đối với nạn nhân của Việt Nam. Thứ 2 là chúng tôi yêu cầu Chính phủ Mỹ và các công ty hóa chất Mỹ phải khẩn trương tẩy độc môi trường. Thứ 3 là kêu gọi các công ty Mỹ với trách nhiệm của mình phải viện trợ nhân đạo cho các nạn nhân da cam Việt Nam”

 

Chất độc hóa học da cam/dioxin đã tác động trực tiếp đến thế hệ thứ 3, thứ 4 của nhiều gia đình Việt Nam. Công lý chưa được thực hiện, thì những người đồng hành trong cuộc đấu tranh cùng các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam chưa thể dừng bước./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu